Xuống tiền vì tin giáo viên tiktok: Muốn bồi hoàn học phí, người học cần làm gì?

Theo luật sư, nếu giáo viên mở lớp dạy online không bồi hoàn học phí do không đảm bảo chất lượng, người học có thể gửi đơn tố giác đến cơ quan chức năng.

Mới đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết:

Xuống tiền vì tin GV tiktok, người học 'ngã ngửa' với lớp online của bà Ngọc Anh

Chất lượng đào tạo biên, phiên dịch của bà Ngọc Anh được "phơi bày" ra sao?

Các bài viết nêu trên đã phản ánh bức xúc của nhiều học viên về chất lượng tại các lớp học online biên, phiên dịch tiếng Anh của bà Nguyễn Ngọc Anh (trú tại Hà Nội). Những thỏa thuận giữa học viên với người giảng dạy đều qua online, nên khi họ muốn được bồi hoàn học phí đang gặp nhiều khó khăn.

Vụ việc nêu trên đặt ra câu hỏi liệu những cựu học viên học biên, phiên dịch tiếng Anh của bà Ngọc Anh đòi bồi hoàn học phí phải làm gì? Bên cạnh đó, hành lang pháp lý để quản lý hoạt động dạy và học online của các cá nhân ra sao?

Còn nhiều kẽ hở để nhiều kẻ tự xưng giáo viên, chuyên gia mở lớp online

Theo Luật sư Bùi Văn Thành, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc Tế Thái Bình, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch bệnh Covid-19, các hình thức học tập trực tuyến ngày càng phát triển, trong đó có việc học tập, giảng dạy môn tiếng Anh. Thông thường, dịch vụ đào tạo này theo hình thức online được cung cấp dưới 2 hình thức cơ bản là giảng dạy không tương tác và giảng dạy có tương tác.

Theo đó, phương pháp giảng dạy không tương tác là khi học viên tham gia vào các khóa học này, họ sẽ được cấp quyền truy cập vào hệ thống bài giảng được đăng tải dưới rất nhiều hình thức đa dạng như: tài liệu số; bài giảng trực tiếp được ghi âm, ghi hình lại, … Với hình thức này, học viên sẽ phải tự học mà hầu như không có sự tương tác, hướng dẫn trực tiếp từ giảng viên tham gia giảng dạy.

Về phương pháp giảng dạy có tương tác, các khóa học này thường được tổ chức dưới dạng các phòng học trực tuyến, thông qua các nền tảng phổ biến như Zoom, Google Meet,… Khác với hình thức trên, học viên được tham gia trực tiếp vào một buổi học do giảng viên giảng dạy và được tham gia tương tác trong lớp học.

Mặc dù các dịch vụ đào tạo nêu trên đang phát triển rất mạnh mẽ, nhưng khung pháp lý điều chỉnh vấn đề này vẫn chưa thực sự bắt kịp để điều chỉnh.

"Việc dạy trực tuyến các các khóa học online tại Việt Nam vẫn chưa được luật hóa, chưa có quy định, trình tự, thủ tục, điều kiện pháp lý cụ thể, rõ ràng về điều kiện hoạt động giảng dạy này.

Chính vì thế mới có tình trạng, người dạy không rõ bằng cấp ra sao, chương trình giảng dạy không rõ đã được thẩm định chưa?. Đó là một vấn đề cần phải xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý", Luật sư Bùi Văn Thành.

Đặc biệt, đối với trường hợp của bà Ngọc Anh hoặc những trường hợp khác do cá nhân tự tổ chức mà không có đăng ký tổ chức đào tạo thì chưa có quy định nào kiểm soát việc đào tạo này. Nó tương tự như trường hợp bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội, bây giờ cơ quan thuế mới kiểm soát và quản lý với những trường hợp này.

 Trang fanpage quảng bá lớp giảng dạy biên, phiên dịch tiếng Anh của bà Ngọc Anh. (Ảnh: cắt màn hình)

Trang fanpage quảng bá lớp giảng dạy biên, phiên dịch tiếng Anh của bà Ngọc Anh. (Ảnh: cắt màn hình)

Trước câu hỏi băn khoăn về việc, người học thỏa thuận với người mở lớp đều qua online, vậy người học muốn đòi bồi hoàn học phí phải làm sao?

Luật sư Bùi Văn Thành cho rằng, do chưa có quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo online, nên theo nguyên tắc thông thường, hoạt động thỏa thuận của người dạy và người học có thể được xem là thỏa thuận dân sự.

Cũng bởi không có hợp đồng, thỏa thuận rõ ràng, đặc biệt là vấn đề hoàn tiền khi chất lượng đào tạo không như cam kết nên việc học viên muốn hoàn lại tiền, giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên theo Luật sư, trong trường hợp nêu trên có dấu hiệu của của lừa đảo chiếm đoạt tài sản, học viên có thể gửi đơn yêu cầu cơ quan công an vào cuộc xem xét, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.

Có những trường hợp giảng dạy online sửa điểm chứng chỉ IELTS để đánh bóng tên tuổi

Thạc sĩ Đỗ Tiến Đức - giảng viên Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ, thời gian dịch Covid-19, việc giảng dạy tiếng Anh online của nhiều nơi đã bộc lộ nhiều vấn đề.

"Cơ sở dữ liệu của người dùng có thể bị chập chờn, ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy, học tập. Bên cạnh đó, tính tự giác của người học có thể không nghiêm túc. Vì vậy, nếu người học nhà quá xa, không thể tham gia trực tiếp mới học online, nhưng tốt nhất là học trực tiếp", thầy Đức chia sẻ.

Thầy Đức cho rằng, khi người học tìm hiểu về việc học online, họ phải tìm hiểu về cơ sở pháp lý của nơi đào tạo, giấy phép hoạt động, trình độ bằng cấp của những người tham gia giảng dạy.... Việc kiểm soát chất lượng giảng dạy ra sao?

Việc người học thỏa thuận qua online với người giảng dạy online về cam kết chất lượng giảng dạy, nếu có vấn đề phát sinh, người học cũng khó có thể đảm bảo được quyền lợi.

"Học viên phải tìm hiểu về nơi công tác, địa chỉ nhà riêng... của người giảng dạy, để người học có thể tìm đến tận nơi nếu có vấn đề gì xảy ra. Tôi biết, có những trường hợp giảng dạy online nhưng họ lại sửa điểm chứng chỉ IELTS để quảng bá, đánh bóng tên tuổi của bản thân", thầy Đức chia sẻ.

Vị giảng viên cho rằng, việc kiểm soát quản lý người giảng dạy online hiện nay là rất khó, phải dựa vào "tâm" của họ để xử lý khiếu nại của người học.

Theo quan điểm của Luật sư Bùi Văn Thành, để đánh giá chất lượng giảng dạy của người dạy, tránh “tiền mất, tật mang” thì những người muốn tham gia khóa học biên phiên dịch tiếng Anh nói chung, các khóa học qua online nói riêng, cần lưu ý một số vấn đề.

Theo đó, những người muốn tham gia khóa học cần yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể như: chứng chỉ giảng dạy, chứng chỉ, bằng cấp liên quan, xác nhận kinh nghiệm làm việc tại nơi giảng viên đã từng làm.

Bên cạnh đó, ngoài việc nghe những thông tin về kinh nghiệm do giảng viên cung cấp từ một phía, thì những người muốn tham gia khóa học cần xác minh qua các kênh liên quan trong lĩnh vực biên phiên dịch, đã từng làm việc tại các tổ chức, công ty hoặc dự án cụ thể mà có thể tìm kiếm được qua các hội nhóm liên quan đến lĩnh vực theo học trên các trang mạng xã hội.

"Mạng xã hội phát triển, kéo theo nhu cầu chia sẻ của người dùng tăng cao. Bên cạnh các đánh giá tích cực, người có nhu cầu học cũng cần tham khảo các nhận xét tiêu cực từ những học viên cũ. Giả dụ, những người muốn tham gia khóa học có thể nhắn tin riêng hoặc comment ngay dưới bình luận để hỏi các học viên trước về những vấn đề thắc mắc, cần giải đáp.

Lưu ý, nên lựa chọn những giảng viên, khóa học được kiểm chứng đa dạng bởi nhiều học viên", Luật sư Thành nói.

Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc Tế Thái Bình cho rằng, hiện nay, có rất nhiều khóa học online cung cấp buổi học thử miễn phí cho những người muốn tham gia khóa học có nhu cầu tham khảo trước khi đăng ký học chính thức. Đây là cơ hội để bạn được trực tiếp tự đánh giá phương pháp giảng dạy và trình độ chuyên môn của giảng viên.

Một lưu ý quan trọng nữa được Luật sư Bùi Văn Thành nhấn mạnh nữa là, cần cân nhắc trước khi xác lập bất kỳ giao dịch chuyển tiền nào.

 Bà Ngọc Anh tự giới thiệu các vị trí từng trải qua.

Bà Ngọc Anh tự giới thiệu các vị trí từng trải qua.

Theo đó, để bảo đảm quyền lợi của mình, những người muốn tham gia khóa học nên đến trực tiếp tại nơi làm việc của giảng viên để gặp mặt, trao đổi về các vấn đề như: lộ trình học, tài liệu trong khóa học, cam kết chuẩn đầu ra của khóa học, hợp đồng đào tạo, …. Ngoài ra, cần tham khảo kỹ chính sách hoàn tiền và các vấn đề khác liên quan đến học phí, trước khi thực hiện bất kì giao dịch chuyển tiền nào.

"Việc đào tạo online hiện nay đa phần là do tự phát của các cá nhân, trung tâm đào tạo ngoài hệ công lập do vậy, các học viên cũng có thể yêu cầu Trung tâm/ giảng viên đào tạo ký hợp đồng cung cấp dịch vụ đào tạo để xác lập căn cứ pháp lý và ràng buộc trách nhiệm của hai bên.

Trên thực tế, các khóa học online thường được đăng ký và hoàn tất thủ tục thông qua giao dịch trực tuyến. Nên khả năng xác thực thông tin của người dùng cũng vì vậy mà phải chịu sự hạn chế nhất định.

Chính vì vậy, tôi cho rằng những người muốn tham gia khóa học chỉ nên chuyển tiền khi đã kiểm tra kĩ càng thông tin trong những nội dung cơ bản nêu trên để hạn chế tối đa rủi ro tiền mất tật mang", Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc Tế Thái Bình chia sẻ.

Theo một Luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, với một trung tâm đào tạo tiếng Anh, họ sẽ phải đăng ký kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp và có trách nhiệm đóng thuế, còn với cá nhân thì họ cũng phải cam kết với chính quyền địa phương. Quy định trên được nêu tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

"Nếu hoạt động giảng dạy qua online không đảm bảo chất lượng, người học không được bồi hoàn học phí, họ có thể trình báo lên cơ quan công an thông qua bằng chứng như thông tin chuyển khoản... Cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh xem họ đã đăng ký hoạt động kinh doanh hay chưa, có dấu hiệu lừa đảo hay không", Luật sư cho hay.

Nguyễn Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xuong-tien-vi-tin-giao-vien-tiktok-muon-boi-hoan-hoc-phi-nguoi-hoc-can-lam-gi-post245638.gd
Zalo