Xung quanh phiên tòa Nam Phi kiện Israel tội diệt chủng
Tiến trình điều trần vụ Nam Phi kiện Israel với cáo buộc phạm tội diệt chủng ở Gaza bắt đầu tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Ngày 11-1, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã tổ chức phiên điều trần đầu tiên về vụ Nam Phi kiện Israel với cáo buộc phạm tội diệt chủng ở Gaza.
Dưới đây là một số thông tin xung quanh quá trình tòa xét xử vụ Nam Phi kiện Israel, theo tờ The Washington Post.
Về ICJ, đây là cơ quan tư pháp cao nhất của Liên hợp quốc, được thành lập sau Thế chiến II để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. ICJ có 15 thẩm phán do Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bầu ra theo nhiệm kỳ năm năm.
Diệt chủng là tội phạm theo luật pháp quốc tế và thuộc thẩm quyền xét xử của ICJ. Các phán quyết của ICJ có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng việc thực thi có thể gặp khó khăn. Chẳng hạn, Nga đã từ chối phán quyết năm 2022 của ICJ về việc ngừng chiến tranh ở Ukraine.
Khác với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), cơ quan chuyên xét xử các cá nhân bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế bao gồm tội ác chiến tranh và diệt chủng, thẩm quyền của ICJ được công nhận rộng rãi hơn.
Phiên tòa ngày 11-1 diễn ra sau khi Nam Phi gửi lên ICJ một tài liệu dài 84 trang, cáo buộc Israel có ý định “tiêu diệt người Palestine ở Gaza”. “Israel đã và đang tiếp tục biến Gaza thành đống đổ nát, giết chóc, làm hại và hủy diệt người dân nơi đây, đồng thời tạo ra các điều kiện sống tồi tệ nhằm hủy diệt họ” - theo đơn Nam Phi kiện Israel.
Nam Phi cũng cáo buộc Israel ngăn chặn việc sinh con của người Palestine bằng cách di dời phụ nữ mang thai, không cho họ tiếp cận với thực phẩm, nước uống, dịch vụ chăm sóc y tế và thậm chí sát hại họ.
Lãnh đạo nhóm pháp lý của Nam Phi tại phiên tòa là chuyên gia nhân quyền Nam Phi John Dugard, người có nhiều kinh nghiệm điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Israel tại các vùng lãnh thổ của người Palestine và từng giữ chức vụ thẩm phán đặc biệt của ICJ.
Về phía Israel, nước này kịch liệt phủ nhận các cáo buộc và nói rằng Nam Phi “đồng lõa về mặt hình sự” với phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas.
Một ngày trước khi diễn ra phiên điều trần, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lập lại quan điểm của Israel rằng lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không nhắm vào dân thường Gaza mà chỉ tập trung vào các chiến binh Hamas. “Israel không có ý định chiếm đóng vĩnh viễn Gaza hoặc di dời dân thường ở đây” - ông Netanyahu nói thêm.
Đội bào chữa của Israel do luật sư người Anh Malcolm Shaw dẫn đầu. Ông Shaw là chuyên gia về tranh chấp lãnh thổ, từng đại diện cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Cameroon, Serbia, Azerbaijan, Ukraine, Ireland và Malaysia tại ICJ và các tòa án khác.