Xung đột ở Trung Đông: Israel có thay đổi chiến lược?

Cái chết của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, nhân vật đầu não của vụ tấn công vào Israel tháng 10.2023, đã khiến nhiều người trong và ngoài Israel hy vọng đây có thể là thời điểm để nước này thu hẹp quy mô cuộc chiến ở Gaza, tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin. Nhưng đúng một tuần sau cái chết của Sinwar, thực tế đã chứng minh điều ngược lại - tình trạng leo thang gần đây của các cuộc tấn công cho thấy bạo lực đang gia tăng, thay vì lắng xuống.

Động lực của cuộc xung đột đã không còn?

Yahya Sinwar, nhân vật được coi là kiến trúc sư trưởng trong kế hoạch tấn công chết người của Hamas vào Israel ngày 7.10.2023, sự kiện châm ngòi cho cuộc chiến ở Gaza, đã thiệt mạng trong một cuộc đấu súng với lực lượng Israel. Trong khi Israel coi cái chết của Sinwar là minh chứng cho chiến thắng của mình trong cuộc chiến nhằm vào Hamas, vụ việc này cũng làm thay đổi động lực của cuộc xung đột.

Cả Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đều mô tả thủ lĩnh khét tiếng của Hamas Yahya Sinwar là "trở ngại không thể vượt qua" đối với các cuộc đàm phán ngừng bắn và việc Israel loại bỏ nhân vật này sẽ mở ra nhiều triển vọng cho tiến trình ngoại giao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Netanyahu mới chính là trở ngại đối với khả năng đạt được thỏa thuận. Trên thực tế, Israel vẫn kiên quyết theo đuổi mục tiêu của mình: phá hủy hoàn toàn Hamas với tư cách là một lực lượng quân sự và một thực thể quản lý ở Gaza. Điều này có nghĩa là cái chết của Yahya Sinwar sẽ không giúp Israel xuống thang.

 Người dân Palestine mang theo đồ đạc khi rời trại tị nạn Jabalia ở phía bắc Dải Gaza. Nguồn: AFP

Người dân Palestine mang theo đồ đạc khi rời trại tị nạn Jabalia ở phía bắc Dải Gaza. Nguồn: AFP

Netanyahu dự kiến sẽ coi vụ ám sát là "tiến triển" trong việc đè bẹp Hamas, từ đó biện minh cho các hoạt động quân sự tiếp theo ở Gaza. Israel có thể cảm thấy được khuyến khích nhờ thắng lợi này để thúc đẩy hoạt động quân sự mạnh mẽ hơn nữa nhằm phá vỡ thành trì của Hamas, thay vì cân nhắc các giải pháp thay thế ngoại giao, Arman Mahmoudian, nghiên cứu viên tại Viện An ninh Quốc gia và Toàn cầu, đồng thời là giảng viên tại Đại học Nam Florida, nói với Al Arabiya. “Việc loại bỏ Sinwar của Hamas và phần lớn chỉ huy cấp cao của phong trào này, kết hợp với thiệt hại quân sự đáng kể mà người Israel đã gây ra, đã tạo cho họ động lực để tiếp tục cuộc chiến”, ông nói. “Đây là lý do tại sao họ sẽ chưa muốn nghĩ đến giải pháp ngoại giao”.

Về phần mình, Hamas cho đến nay vẫn đưa ra điều kiện tiên quyết để thả toàn bộ con tin là Israel phải cam kết chấm dứt chiến tranh hoàn toàn và rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Dải Gaza. Hơn thế nữa, đối với Hamas, phong trào này sẽ khó có thể khuất phục sau khi thủ lĩnh của họ bị ám sát. Một số người cho rằng cái chết của thủ lĩnh Sinwar có thể củng cố quyết tâm của các chiến binh Hamas và tăng cường nỗ lực tuyển mộ, dẫn đến sự kháng cự thậm chí còn quyết liệt hơn.

Di sản của Thủ tướng Netanyahu

Sự miễn cưỡng của Thủ tướng Netanyahu trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn, ngay cả sau khi giành được một số chiến thắng quân sự, đã khiến người dân Israel tức giận. Các cuộc biểu tình liên tục diễn ra nhằm gây sức ép buộc Chính phủ chấp nhận thỏa thuận với Hamas để bảo đảm việc thả 101 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza.

Nhà phân tích chính trị Aviv Bushinsky, cựu cố vấn và người phát ngôn của Netanyahu nhận định, số phận của các con tin - hàng chục người trong số họ được cho là vẫn còn sống - đóng vai trò quan trọng đối với di sản tương lai của Netanyahu.

Ông cho biết: “Nếu Thủ tướng không đưa thêm bất kỳ con tin nào trở về nhà, dù bằng biện pháp quân sự hay ngoại giao, người dân sẽ nói rằng ông ấy đã thất bại. Họ luôn nhắc đến cái mà họ gọi là “Đề xuất của Netanyahu” hồi tháng 7, khi vào phút cuối, Thủ tướng đã thêm một vài điều kiện vào thỏa thuận ngừng bắn, về cơ bản điều đó đã chấm dứt thỏa thuận này".

Ông Bushinsky nói rằng nếu chiến tranh kết thúc mà không có thêm con tin nào được giải cứu, người dân Israel cũng như chính đồng minh của nước này cuối cùng sẽ bắt đầu đặt câu hỏi: vậy quyết định tiêu diệt Yahya Sinwar nhằm mục đích gì nếu không phải để chấm dứt cuộc chiến?

“Và điều tôi lo ngại nhất là, mọi người sẽ bắt đầu nghĩ rằng: "Có vẻ như chúng ta đã sai lầm khi loại bỏ nhân vật duy nhất mà chúng ta có thể thương lượng. Ít ra khi còn Yahya Sinwar, chúng ta còn một nơi để gõ cửa”, ông nói thêm.

Chưa có cơ hội cho hòa bình

Trên thực tế, các nhà đàm phán hàng đầu từ Hoa Kỳ, Israel và Qatar dự kiến sẽ họp tại Doha vào ngày 27.10 để thảo luận về những nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Đây sẽ là cuộc họp cấp cao đầu tiên được nối lại sau hơn hai tháng, khi các quan chức Hoa Kỳ kỳ vọng về động lực mới đối với thỏa thuận sau vụ thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar bị ám sát.

Chỉ vài ngày sau cái chết của Sinwar, các cố vấn của Biden đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn có thể được nối lại - với việc Ngoại trưởng Antony Blinken bắt đầu chuyến công du thứ 11 tới khu vực này hôm 22.10 và có cuộc họp kéo dài hai tiếng rưỡi với Thủ tướng Netanyahu. Tại đây, ông Blinken đã thúc giục Thủ tướng Netanyahu coi vụ ám sát Sinwar là cơ hội để bảo đảm việc thả các con tin Israel và chấm dứt chiến tranh ở Gaza. Nhưng ông Netanyahu dường như ngày càng trở nên miễn nhiễm với áp lực từ Hoa Kỳ. Chuyến công cán lần này, không giống như những chuyến đi trước, đã không đạt được nhiều kết quả.

Trong một tiết lộ riêng tư, một số quan chức Hoa Kỳ thừa nhận rằng Thủ tướng Netanyahu - người rất quen thuộc và theo dõi mọi diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ cũng như những tác động tiềm tàng đến chính sách đối ngoại của Washington - sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nghiêm túc nào về tương lai của cuộc xung đột ở Gaza cho đến khi ông biết người đồng cấp tiếp theo của mình tại Washington, DC sẽ là ai.

Trong khi đó, chính quyền Biden cũng không thể gây sức ép một cách dứt khoát với Israel bởi những yếu tố nhạy cảm của cuộc bầu cử. Khi đảng Dân chủ cần tập hợp sự ủng hộ càng lớn càng tốt, Tổng thống Biden phải cân nhắc cẩn thận cách tiếp cận của mình đối với Israel để không làm tổn hại đến cơ hội chiến thắng của Phó Tổng thống Kamala Harris. Ông cần chứng tỏ là người có lập trường cứng rắn về tình hình nhân đạo ở Gaza để không khiến những cử tri người Mỹ gốc Ảrập và những người theo chủ nghĩa tiến bộ quay lưng với đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ông cũng phải tiếp tục ủng hộ Israel để không làm phật lòng những cử tri ôn hòa và Do Thái, những người mong đợi Hoa Kỳ luôn là đồng minh sát cánh cùng nhà nước Do Thái bất kể điều gì xảy ra.

Tuy nhiên, có một thời điểm trong tương lai mà chính quyền của ông Biden có thể hành động. "Cuộc bầu cử của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong cách Netanyahu nhận thức về những gì sẽ xảy ra", Gayil Talshir, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Hebrew ở Jerusalem nói với CNN. "Ít khả năng ông Biden có thể kiềm chế Netanyahu ngay lúc này. Nhưng sau ngày 5.11, mọi thứ sẽ thay đổi", bà nói thêm.

Bà cho biết bất kể ai thắng cử, chính quyền Biden có thể sẽ gây nhiều áp lực hơn nữa lên Israel để chấm dứt chiến tranh trong khoảng thời gian 2 tháng giữa cuộc bầu cử và lễ nhậm chức tổng thống mới của Hoa Kỳ, thời điểm mà ông Biden sẽ chính thức từ nhiệm. Điều mà chính quyền Mỹ cần làm lúc này, theo bà, là chờ đến sau cuộc bầu cử và hành động trước khi chuyển giao quyền lực.

Đạt Quốc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xung-dot-o-trung-dong-israel-co-thay-doi-chien-luoc-post394405.html
Zalo