Châu Âu học cách sống chung với chính sách 'Nước Mỹ trên hết' của ông Trump
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhanh chóng học cách thích nghi với tổng thống Mỹ đương nhiệm, thay vì nuôi hy vọng về một người khác thay thế ông.
Không gì thể hiện rõ điều đó hơn phản ứng đầy nhiệt thành trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ sẽ gián tiếp hỗ trợ Ukraine bằng cách cho phép các quốc gia châu Âu tự mua vũ khí Mỹ, trong khi NATO đóng vai trò điều phối quá trình chuyển giao.
Các nhà lãnh đạo châu Âu, cùng với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, đã hoan nghênh tuyên bố này như một biểu hiện của năng lực lãnh đạo xuất sắc từ tổng thống Mỹ và đồng thời thực hiện đúng nguyên tắc đầu tiên khi ứng xử với Tổng thống Trump: Hãy khen ngợi ông ấy.
“Tổng thống Trump thân mến, đây thực sự là một vấn đề lớn. Đây thực sự là chuyện lớn", ông Rutte nói khi ngồi cạnh ông Trump tại Phòng Bầu dục.

Ông Rutte (trái) và ông Trump (phải). Ảnh: Reuters
Trên thực tế, những quyết định quan trọng đã được chuẩn bị từ phía châu Âu. Trước sự lưỡng lự của ông Trump trong việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine và giữa bối cảnh các đợt tấn công mùa hè của Nga ngày càng leo thang, các lãnh đạo châu Âu hiểu rằng họ cần phải hành động nhanh chóng. Đặc biệt, Đức đã dẫn đầu thúc đẩy thỏa thuận này, coi sự “thất vọng” lặp đi lặp lại của ông Trump đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin như một cơ hội tiềm năng.
“Đức đang đầu tư rất nhiều vào kế hoạch này", ông Rutte cho biết sau chuyến thăm Thủ tướng Friedrich Merz tại Berlin vào tuần trước. Riêng trong nội bộ, các quan chức Đức khẳng định rằng đây là sáng kiến khởi nguồn từ chính Berlin.
Thủ tướng Merz cho biết ông đã liên lạc với ông Trump nhiều lần trong những ngày gần đây và cam kết rằng Đức “sẽ đóng vai trò then chốt” trong nỗ lực đưa vũ khí Mỹ tới Kiev. Ông Merz cũng nhấn mạnh rằng những phát ngôn gần đây của ông Trump và ông Rutte là bằng chứng cho thấy Mỹ và các đồng minh châu Âu đang cùng chung mục tiêu trong việc bảo vệ Ukraine.
Ông Merz tuyên bố: "Chúng tôi làm điều này vì chính lợi ích của mình. Nó sẽ giúp Ukraine tự vệ trước Nga. Đây là cách duy nhất để gia tăng sức ép buộc Moscow ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Và trên hết, chúng tôi đang chứng minh rằng chúng tôi cùng chia sẻ lập trường với các đối tác an ninh chủ chốt".
Đi chậm một bước so với châu Âu
Dù ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với người đồng cấp Nga Putin vì không chịu đàm phán, ông Trump vẫn ngần ngại đưa ra những bước đi cụ thể nhằm tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Do đó, các lãnh đạo châu Âu, dẫn đầu là ông Merz và ông Rutte, đã tự tìm ra một phương án thay thế.
Họ hiểu rằng Tổng thống Trump sẽ dễ chấp nhận việc hỗ trợ Ukraine hơn nếu điều đó giúp Mỹ thu lợi từ việc bán vũ khí. Nhưng đồng thời, họ cũng nhận thức được sự do dự mang tính hệ thống trong tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” vốn khiến ông Trump khó dấn thân vào vai trò bảo vệ Ukraine một cách chủ động hay đối đầu trực diện với nhà lãnh đạo Nga.
Một quan chức cấp cao tại Berlin, người cố vấn trực tiếp cho ông Merz, nhận định rằng chiến lược này “sẽ cho phép chính quyền Mỹ tăng cường áp lực lên Nga và củng cố sự ủng hộ dành cho Ukraine, đồng thời vẫn giữ được nhịp đi chậm hơn một bước so với châu Âu”. Theo lời ông, điều này cho phép Washington thể hiện cam kết với an ninh châu Âu mà không bị cuốn sâu vào các cam kết quân sự trực tiếp – điều mà Tổng thống Trump vốn dĩ muốn tránh để duy trì hình ảnh của một nhà lãnh đạo ưu tiên lợi ích trong nước và tránh sa lầy vào những cuộc chiến “không phải của Mỹ”.
Châu Âu vẫn chia rẽ
Dẫu vậy, không phải tất cả các nước châu Âu đều đồng tình với phương án này. Trong Phòng Bầu dục, ông Rutte liệt kê bốn quốc gia Bắc Âu cùng với Anh và Hà Lan là những nước ủng hộ kế hoạch cung cấp vũ khí Mỹ cho Ukraine. Việc vắng bóng nước Pháp là một dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu.
Theo hai quan chức Pháp am hiểu tình hình, Paris sẽ không tham gia kế hoạch mua vũ khí Mỹ vì lý do nguyên tắc. Đồng thời, chính phủ Pháp cũng đang gặp khó khăn trong việc tăng chi tiêu quốc phòng, giữa lúc phải thắt chặt ngân sách và kiểm soát thâm hụt tài khóa ngày càng phình to.
Tuy nhiên, với năng lực sản xuất quốc phòng của châu Âu vẫn còn hạn chế, chính phủ Đức cho rằng việc mua vũ khí từ Mỹ là một trong những cách hiếm hoi để nhanh chóng cung cấp cho Ukraine những hệ thống cần thiết. Dù chi tiết các hợp đồng mua bán chưa được công bố rộng rãi, song trước tình trạng các thành phố Ukraine hứng chịu pháo kích ngày càng khốc liệt, Đức đã đặc biệt thúc đẩy thỏa thuận mua hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.
“Chúng tôi đánh giá cao sự sẵn sàng cung cấp thêm tên lửa Patriot và Mỹ, Đức cùng Na Uy đã phối hợp chặt chẽ về vấn đề này. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nhận thêm các loại vũ khí khác nhằm bảo vệ tính mạng người dân và đẩy lùi các đợt tấn công của Nga", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chia sẻ trên nền tảng X sau tuyên bố của ông Trump.
Phương án này đánh dấu một sự chuyển mình đáng chú ý đối với ông Merz - người từng tuyên bố trong đêm thắng cử hồi tháng 2/2025 rằng “sẽ củng cố châu Âu càng sớm càng tốt, để từng bước chúng ta đạt được sự độc lập thực sự” khỏi Mỹ. Kể từ đó, ông Merz đã thay đổi đáng kể giọng điệu, khẳng định niềm tin vào cam kết NATO của Tổng thống Trump và nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Đức là tính linh hoạt. Thay vì giữ khoảng cách với Nhà Trắng như giai đoạn đầu nhiệm kỳ cựu Tổng thống Biden, Thủ tướng Friedrich Merz đã nhanh chóng xác định rằng với Tổng thống Donald Trump, chiến lược khôn ngoan nhất không phải là đối đầu, mà là thích nghi.
Trong mắt ông Merz, Tổng thống Trump không phải là một đồng minh truyền thống dễ đoán, mà là một đối tác kinh doanh – nơi mọi thứ đều có thể thương lượng được, miễn là ngôn ngữ được sử dụng là lợi ích thực tiễn, không phải giá trị trừu tượng. Chính vì thế, Berlin không tìm cách thuyết phục Washington bằng các tuyên ngôn về dân chủ hay trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, mà với tư cách một khách hàng lớn mua vũ khí Mỹ.
Chính sách này vừa phản ánh nỗ lực "giảm thiểu rủi ro" mà Berlin nhìn thấy trong nhiệm kỳ hiện tại của ông Trump, vừa là bước chuyển dứt khoát khỏi những ảo tưởng cũ về việc châu Âu có thể duy trì thế trung lập chiến lược. Trong kỷ nguyên nơi Washington không còn muốn “trả tiền cho tất cả”, ông Merz lựa chọn cách để Đức trở thành đối tác tiềm năng của Mỹ, thay vì là gánh nặng tài chính.