Xung đột Nga-Ukraine: Tối hậu thư, cuộc chiến 50 ngày và điều gì sẽ diễn ra

Tuyên bố ngày 14/7 của Tổng thống Donald Trump về Nga và xung đột ở Ukraine như một 'tối hậu thư', đặt ra nhiều vấn đề lớn, gây xáo động, khiến thế giới bận tâm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt các mức thuế 100% đối với Nga và các đối tác thương mại của Moscow nếu không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 50 ngày tới. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt các mức thuế 100% đối với Nga và các đối tác thương mại của Moscow nếu không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 50 ngày tới. (Nguồn: Getty Images)

Một mũi tên nhắm nhiều đích

Dư luận quốc tế đánh giá đây là bước ngoặt trong chính sách của Washington đối với Moscow và Kiev. Điều này thực ra cũng không quá bất ngờ, bởi thay đổi là thói quen của Tổng thống Mỹ và thực trạng chiến trường Ukraine có thể khiến các con bài buộc Nga chấp nhận đàm phán ngừng bắn bị giảm giá, ảnh hưởng đến thể diện ông chủ Nhà Trắng.

Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, nếu trong 50 ngày mà Điện Kremlin không chấp nhận ngừng bắn, đàm phán thì sẽ chịu đòn trừng phạt thứ cấp áp thuế tới 100% nhằm vào các quốc gia mua dầu, khí của Nga, cắt đứt nguồn tài chính chủ yếu. Kèm theo đó là nối lại viện trợ vũ khí, nâng cao sức mạnh phòng thủ của Kiev. Theo Washington, đó sẽ là điều tồi tệ với Moscow.

Đây là một “mũi tên nhắm nhiều đích” của Nhà Trắng. Một, gây sức ép tối đa, thúc ép Nga đàm phán ngừng bắn theo kịch bản của Mỹ. Hai, hỗ trợ vật chất, vực dậy tinh thần, không để Ukraine thất thế hơn cả trên chiến trường và bàn đàm phán. Ba, tránh tiếng bỏ mặc đồng minh EU, NATO lúc khó khăn. Bốn, thể hiện lập trường cứng rắn, tránh bị chia rẽ, phản đối trong nội bộ Hoa Kỳ.

Theo tính toán, Washington đạt được nhiều mục đích, không phải bỏ tiền túi, thu lợi nhuận từ bán vũ khí; ép đồng minh châu Âu, thành viên NATO chấp nhận chi trả ô bảo hộ của Mỹ; tránh bị sa lầy vào cuộc chiến kéo dài, không sáng sủa; mà vẫn giữ vai trò cầm trịch, thể hiện tiếng nói “có gang có thép” của ông chủ Nhà Trắng. Đúng là “vừa có tiếng vừa có miếng”.

Châu Âu, Ukraine nửa mừng nửa lo

Mừng vì động thái của Tổng thống Donald Trump thể hiện sự “quay xe” với Tổng thống Vladimir Putin; ngồi “chung thuyền” với đồng minh châu Âu, gỡ thế bí và tiếp thêm động lực cho EU và Ukraine. Họ tin rằng đó là cơ sở để quyết thực hiện phương châm: không để Nga thắng, Ukraine thua và ép Moscow chấp nhận ngừng bắn, đàm phán theo điều kiện của phương Tây.

Với một loạt động thái trước và sau ngày 14/7, NATO và phương Tây không còn che giấu sự can dự trực tiếp và thể hiện quyết tâm theo đuổi đến cùng cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga. Nhưng hiện thực hóa quyết tâm không hề đơn giản.

Huy động chục tỷ USD mua vũ khí Mỹ là một chuyện; chuyển giao ngay và luôn, nhất là hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine lại là chuyện khác. Kho vũ khí chiến lược của châu Âu không quá dư giả, lại còn phải phòng phản ứng của Nga. Chuyển rồi đợi mua của Mỹ bù vào, khác nào “bỏ trống” nhà mình.

Thủ tướng Đức từng hứa viện trợ tên lửa tầm xa Taurus, nhưng phải “né, lách” bằng cách cung cấp tài chính, hỗ trợ công nghiệp quốc phòng Ukraine sản xuất tên lửa có tính năng tương đương. Nhiều nước cũng ở tình thế tương tự.

Hơn nữa sự đồng thuận nội bộ cũng không đơn giản. Ngay đường đi đến thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga vào cuối ngày 18/7, mà EU dày công chuẩn bị trong nhiều tháng, cũng không mấy suôn sẻ.

Toan tính trừng phạt 100% nhằm chặn đường sống của Nga cũng vậy. Ấn Độ có thể tính toán chuyển hướng một phần sang nhập khẩu dầu khí từ phương Tây. Một số nước có thể theo hướng đó, nhưng Bắc Kinh, bạn hàng lớn nhất của Nga thì chưa hẳn. Mỹ từng áp thuế 125% với Trung Quốc, rồi phải xuống thang. Bắc Kinh khó từ bỏ nguồn lợi lớn về kinh tế và chính trị. Moscow đã chịu hơn 20.000 lệnh trừng phạt, nên sẽ tìm được cách thich ứng.

Ukraine đương nhiên là “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Nhưng Kiev cũng cùng có chung nỗi băn khoăn như của đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU bà Kaja Kallas, sao không ép “ngay và luôn” mà phải để tận 50 ngày. Thời gian dài sẽ giảm áp lực và trong 50 ngày đó, rất nhiều chuyện có thể xảy ra. Ngược lại, không ít người cho rằng phải có thời gian để các bên thu xếp, điều chỉnh quan điểm, chính sách về một cuộc xung đột nhiều toan tính, đã kéo dài sang năm thứ tư.

Sự kiện “tối hậu thư” khiến cộng đồng quốc tế băn khoăn, lo ngại và chia rẽ. Nhiều nước lo cánh cửa ngoại giao sẽ khóa chặt. Đa số các nước phương Tây kỳ vọng “cú sốc” sẽ thúc đẩy Nga ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt xung đột. Nhưng không ít nước cho rằng sự chống lưng càng khuyến khích Ukraine, khiến cuộc xung đột càng kéo dài khốc liệt. Điều tác động lớn mà dư luận rất quan tâm là động thái tiếp theo của Moscow.

Nga sẽ phản ứng ra sao

Một số quan chức Nga tỏ ra không coi trọng tuyên bố của Washington. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đánh giá “tối hậu thư mang tính kịch trường”. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkop cho rằng đó là “điều không thể chấp nhận được và vô nghĩa”.

Điện Kremlin tỏ ra thận trọng, chưa đưa ra tuyên bố chính thức, nhưng có thể dự báo về phản ứng của Moscow. Một mặt, Nga vẫn tuyên bố sẵn sàng đối thoại cuộc thứ ba với Ukraine. Mặt khác, Moscow vẫn chủ động duy trì liên lạc với Washington, tìm kiếm sự thấu hiểu thực tế và cách tháo gỡ bế tắc. Mỹ cũng chưa có dấu hiệu đóng chặt cánh cửa này.

Nhưng như vậy không có nghĩa là Moscow thỏa hiệp, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của NATO, phương Tây. Nga tin rằng động thái mới của Mỹ và đồng minh khiến họ khó khăn hơn, nhưng không thể đảo ngược cục diện chiến trường.

Áp lực sẽ thúc đẩy Nga khẩn trương tận dụng khoảng thời gian Ukraine đang khó khăn, vũ khí viện trợ chưa hoàn chỉnh, chưa phát huy hết tác dụng, tiếp tục gia tăng các đòn tấn công quy mô lớn, như những ngày đầu tháng 7 và có thể hơn. Moscow sẽ điều chỉnh chiến thuật theo tình hình mới, tập trung đánh phá các loại vũ khí Ukraine mới được viện trợ.

Nga có thể tấn công vũ khí viện trợ trên đường vận chuyển, triển khai vào trận địa. Nhưng chưa đánh trực tiếp vào điểm xuất phát trên lãnh thổ các nước khác, vì chưa muốn khởi động cuộc chiến tranh trực tiếp với NATO. Trọng tâm của Điện Kremlin là tập trung nỗ lực, phá hủy lớn tiềm lực quân sự của Ukraine, làm tiêu tan hy vọng viện trợ quân sự để giành thắng lợi của NATO, phương Tây; buộc Kiev cơ bản chấp thuận các điều kiện của Moscow.

Trong 50 ngày tới, tình thế mới và nỗ lực cao của các bên sẽ khiến cuộc xung đột thêm ác liệt và diễn biến phức tạp.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-toi-hau-thu-cuoc-chien-50-ngay-va-dieu-gi-se-dien-ra-321242.html
Zalo