Xung đột Nga- Ukraine: Thế khó của châu Âu
Những tuyên bố dồn dập từ phía Mỹ đang đẩy châu Âu vào thế khó trên tiến trình giải quyết xung đột Nga- Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực bảo đảm sự tham gia của khối này trên bàn đàm phán, trong bối cảnh vai trò của lục địa già có thể bị ảnh hưởng nếu thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa ngày 17/2 nhấn mạnh, Liên minh châu Âu (EU) cần tham gia đàm phán với Nga về cuộc xung đột ở Ukraine và xây dựng một cấu trúc an ninh mới. Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times (Anh), ông Costa cho rằng nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thúc đẩy châu Âu đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc bảo đảm an ninh khu vực, thì EU cần đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình cấu trúc an ninh tương lai. Đây là tuyên bố mới nhất được lãnh đạo châu Âu đưa ra sau một loạt các động thái của Mỹ liên quan đến tiến trình đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU chụp ảnh chung tại một hội nghị ở Brussels, Bỉ năm 2024. Ảnh: EEA
Trước đó, hôm 15/2, đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg, đã làm châu Âu chấn động khi tuyên bố rằng EU sẽ không có ghế trong bàn đàm phán. Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Hội nghị An ninh Munich về triển vọng châu Âu có mặt tại bàn đàm phán hòa bình Nga - Ukraine, ông Kellogg cho biết: "Tôi là người theo trường phái hiện thực. Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra. Điều chúng ta không muốn làm là tham gia vào một cuộc thảo luận nhóm lớn".
Trong một động thái xoa dịu, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 16/2 khẳng định rằng Kiev và châu Âu sẽ đóng vai trò trong bất kỳ "cuộc đàm phán thực sự" nào nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Ông ngụ ý rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga trong tuần này là cơ hội để đánh giá mức độ nghiêm túc của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng trấn an châu Âu về lo ngại bị gạt ra ngoài trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với CBS, ông Rubio nhấn mạnh rằng quá trình đàm phán vẫn chưa chính thức bắt đầu và nếu tiến triển, Ukraine cùng các quốc gia châu Âu khác chắc chắn sẽ tham gia. Song, điều này chưa đủ để xoa dịu châu Âu, nhất là khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance vừa có bài phát biểu chỉ trích gay gắt các đối tác EU. Những bình luận của Phó Tổng thống Vance về cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ám chỉ rằng “mối quan hệ kéo dài nhiều thập kỷ giữa châu Âu và Mỹ hiện đang kết thúc”.
Theo Reuters, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 17/2 để thảo luận về chiến sự ở Ukraine và an ninh châu Âu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một bình luận trước thềm hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc EU tham gia tiến trình đàm phán nhằm giải quyết xung đột tại Ukraine. Ông Scholz bác bỏ khả năng có thỏa thuận riêng giữa Mỹ và Nga về vấn đề Ukraine, khẳng định châu Âu sẽ không chấp nhận điều đó. Phản ứng trước thông tin từ Mỹ rằng châu Âu sẽ không trực tiếp tham gia tại bàn đàm phán, ông Scholz khẳng định châu Âu có quyền đưa ra quan điểm và lập trường trong các cuộc đàm phán, nhấn mạnh rằng những đảm bảo an ninh mà không có sự tham gia của châu Âu là điều không thể.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho biết EU có đủ các nguồn tài chính để tiếp tục hỗ trợ Ukraine ngay cả khi Mỹ ngừng viện trợ. Cùng quan điểm này, Ngoại trưởng Thụy Điển Maria Malmer Stenergard lưu ý rằng sau khi thiết lập được nền hòa bình ở Ukraine thì việc đảm bảo duy trì nền hòa bình là điều quan trọng, vì vậy Thụy Điển không loại trừ bất kỳ biện pháp hỗ trợ nào, bao gồm cả việc điều lực lượng tham gia bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào ở Ukraine sau khi các bên đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột. Từ Anh, Thủ tướng Keir Starmer cũng cho biết London sẵn sàng điều lực lượng đến Ukraine để tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sau khi xung đột kết thúc.
Trong một diễn biến có liên quan, Theo The Kyiv Post ngày 17/2, tuần trước, Mỹ đã gửi danh sách các câu hỏi đến đại diện châu Âu trước thềm Hội nghị An ninh Munich. Cuộc thăm dò ngoại giao này, bao gồm sáu câu hỏi rõ ràng và trực tiếp, đánh dấu một trong những lần chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ kỳ vọng đối với các đối tác châu Âu trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Các câu hỏi bao gồm các chủ đề như những quốc gia nào là không thể thiếu đối với an ninh của Ukraine, cần một lực lượng bộ binh lớn đến mức nào để duy trì hòa bình và Mỹ sẽ cần cung cấp bao nhiêu nhân lực cũng như vũ khí để duy trì một thỏa thuận hòa bình. Hai nhà ngoại giao châu Âu đã xác nhận với Reuters rằng họ vẫn đang tranh luận về cách trả lời yêu cầu này và đang cân nhắc lợi ích của việc đưa ra một phản hồi tập thể.
Báo Kommersant của Nga dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết các cuộc đàm phán về Ukraine với sự tham gia của phái đoàn Nga dự kiến diễn ra tại thủ đô Riyadh của Arab Saudi ngày 18/2. Hiện tại, các quan chức ở Kiev và Brussels đang chờ đợi kết quả của cuộc họp, nhất là khi ông Trump từng tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ tiếp tục tại đó – dù các quan chức Ukraine không nhận được lời mời tham gia. Trong khi đó, các nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết hội nghị thượng đỉnh tại Pháp dự kiến sẽ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch, cùng với các quan chức cấp cao của EU và NATO.