Xung đột Gaza và tương lai bất định của Hamas

Nhóm vũ trang Hamas đối mặt tương lai bất định khi các đồng minh thân thiết của họ dường như không còn mấy mặn mà với cuộc xung đột Gaza, trong khi thỏa thuận ngừng bắn vẫn là điều xa vời.

Xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza đã kéo dài hơn 1 năm. Nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas từng tin rằng nếu xung đột tiếp tục lan rộng tại Trung Đông nhóm này sẽ có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc chiến với Israel.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) - được xem là một bước tiến của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm kiềm chế xung đột tại Trung Đông lan rộng và giải quyết xung đột Israel-Hamas - đã khiến chiến lược của Hamas tan rã, theo tờ The New York Times. Thậm chí, theo một số quan chức Mỹ, chiến lược này của Hamas có thể ảnh hưởng quan hệ giữa Hamas và Hezbollah.

 Một tòa nhà bị phá hủy ở Gaza vào tháng 10. Xung đột Gaza đã kéo dài hơn 1 năm. Ảnh: REUTERS

Một tòa nhà bị phá hủy ở Gaza vào tháng 10. Xung đột Gaza đã kéo dài hơn 1 năm. Ảnh: REUTERS

Hamas ngày càng đơn độc

Sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7-10-2023, lãnh đạo Hamas – ông Yahya Sinwar đã tìm cách lôi kéo Hezbollah và Iran (hai đồng minh quan trọng của nhóm này) vào cuộc chiến với Israel. Các quan chức Mỹ cho rằng nếu chiến lược trên vẫn còn phát huy hiệu lực, Hamas sẽ không chấp nhận các thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, sau việc Israel đổ bộ trực tiếp Lebanon, hạ nhiều lãnh đạo Hezbollah và đạt được thỏa thuận với nhóm này, Hamas dường như ngày càng bị cô lập.

Trong khi đó, Iran – quốc gia có quan hệ thân thiết Hamas và Hezbollah – cũng muốn tránh một cuộc chiến trực tiếp với Israel. Hệ thống phòng không của Iran đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong một cuộc tấn công của Israel vào nước này hồi tháng 10.

Sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, phía Iran dường như cũng dè dặt hơn trong các động thái của họ với Israel – đồng minh thân thiết của Mỹ.

Chính Hamas cũng đang trong một tình thế rất khó khăn trong xung đột Gaza. Hàng chục chỉ huy Hamas và hàng ngàn chiến binh của nhóm này đã thiệt mạng trong cuộc xung đột với Israel.

Nhiều người dân Gaza cũng cho rằng cho cuộc tấn công của Hamas vào Israel đã khởi động cuộc chiến và là nguyên nhân khiến Gaza bị tàn phá như ngày nay. Đến nay, dù Hamas không bị tan rã, nhưng họ không còn kiểm soát hoàn toàn Dải Gaza như trước đây.

"Hamas hiện đang đơn độc. Vị thế của họ đã bị suy yếu nghiêm trọng" – ông Tamer Qarmout, GS chính sách công tại Viện nghiên cứu sau đại học Doha (Qatar), nhận định về xung đột Gaza.

 Ông Yahya Sinwar (người đi đầu) được cho là đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào tháng 10. Xung đột Gaza đã kéo dài hơn 1 năm. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ông Yahya Sinwar (người đi đầu) được cho là đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào tháng 10. Xung đột Gaza đã kéo dài hơn 1 năm. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Hamas muốn thỏa thuận, Israel vẫn cứng rắn

Một số thành viên của ban lãnh đạo chính trị Hamas hiện đã rời Qatar và tạm thời chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Mousa Abu Marzouk – quan chức cấp cao Hamas – cho biết trước khi bị Israel hạ vào cuối tháng 10, ông Sinwar đã giao nhiệm vụ cho hội đồng chính trị gồm 5 thành viên cấp cao của Hamas tại Qatar điều hành công việc của nhóm.

Từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra, ông Sinwar là người trực tiếp chỉ đạo các chiến lược của Hamas. Theo ông Marzouk, sở dĩ ông Sinwar ủy quyền cho hội đồng chính trị Hamas ra quyết định là vì "ông ấy đang ở tiền tuyến chiến đấu" và gặp khó khăn trong việc giao tiếp với các nhà lãnh đạo Hamas bên ngoài Gaza.

Bên cạnh đó, theo ông Osama Hamdan – thành viên cấp cao của Hamas – 2 tuần trước khi qua đời, ông Sinwar đã gửi một thông điệp tới các nhà lãnh đạo Hamas, yêu cầu họ chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài.

"Cuộc chiến càng kéo dài, chúng ta càng tiến gần đến giải phóng. Hãy chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao lâu dài chống lại hành vi chiếm đóng này" – ông Hamdan thuật lại lời của ông Sinwar về xung đột Gaza.

Tuy nhiên sau cái chết của ông Sinwar, tình hình xung đột Gaza đã có nhiều thay đổi. Phía Iran thể hiện rõ ý định không muốn đối đầu trực tiếp với Israel, trong khi Hezbollah hứng chịu nhiều tổn thất trong các cuộc giao tranh với Israel.

Dù vậy, đó không phải là tất cả vấn đề mà Hamas đang gặp phải. Nội bộ Hamas vẫn chia rẽ về các vấn đề quan trọng khác, bao gồm việc nhóm này có nên ở lại Gaza hậu xung đột hay không và vẫn chưa tìm ra được người thay thế ông Sinwar.

Theo The New York Times, trước tình thế này, một số nhà lãnh đạo Hamas đã xem xét đến việc nhượng bộ Israel, để đổi lại việc Israel kết thúc xung đột và rút quân khỏi Gaza. Nhượng bộ này có thể là Hamas sẽ đồng ý cho Israel tạm thời duy trì sự hiện diện tại khu vực tiếp giáp giữa Gaza với Ai Cập.

Các cơ quan tình báo của một số quốc gia Trung Đông cũng cho rằng Hamas đang có dấu hiệu sẵn sàng nhượng bộ. Các quan chức tình báo cho biết áp lực từ Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ – những quốc gia có quan hệ với Hamas – có thể đã góp phần vào sự thay đổi này.

 Một ngôi nhà ở Gaza tan hoang do xung đột. Xung đột Gaza đã kéo dài hơn 1 năm. Ảnh: GETTY IMAGAES

Một ngôi nhà ở Gaza tan hoang do xung đột. Xung đột Gaza đã kéo dài hơn 1 năm. Ảnh: GETTY IMAGAES

Các quan chức Mỹ và Palestine cũng cho rằng hội đồng chính trị của Hamas dường như sẵn sàng tiến tới thỏa thuận ngừng bắn với Israel, nếu Israel sẵn sàng thỏa hiệp.

Tuy nhiên, phía Israel vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn. Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu dường như đang chờ ông Trump nhậm chức để có thể đưa ra quyết định cuối cùng trong cuộc đàm phán với Hamas về xung đột Gaza.

Các quan chức phương Tây cũng cho rằng Israel dường như vẫn hoài nghi về ý tưởng của Mỹ và các nước Ả Rập về việc quản lý Gaza hậu xung đột. Ông Netanyahu tin rằng các kế hoạch đưa chính quyền Palestine vào điều hành Gaza chắc chắn sẽ thất bại và Hamas có thể nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/xung-dot-gaza-va-tuong-lai-bat-dinh-cua-hamas-post822600.html
Zalo