Xúc tiến điểm đến du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum với các tỉnh Tây Nam Bộ

Ngày 23/7, tại thành phố Cần Thơ, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch liên vùng giữa Hà Nội - Ninh Bình - Kon Tum với các tỉnh Tây Nam Bộ.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội khẳng định Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng và phong phú. ĐBSCL là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi…

Giới thiệu thông tin du lịch Hà Nội bên lề hội nghị. Ảnh: Linh Tâm

Giới thiệu thông tin du lịch Hà Nội bên lề hội nghị. Ảnh: Linh Tâm

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai nhiều chương trình, hoạt động hợp tác với các địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL. Sở Du lịch Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ, tạo điều kiện, tổ chức kết nối và chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn triển khai nhiều chương trình, mô hình du lịch mới, phù hợp với từng địa phương, xây dựng nên các tuyến du lịch.

"Đã có nhiều công ty lữ hành, du lịch tại Thủ đô tổ chức tour du lịch khám phá khu vực ĐBSCL. Có thể khẳng định du lịch miền Tây Nam Bộ thực sự rất hấp dẫn đối với du khách Hà Nội bởi sự khác biệt về văn hóa, con người hiền lành, mến khách và những sản phẩm du lịch sông nước vô cùng đặc sắc", lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết.

Các doanh nghiệp Hà Nội khảo sát điểm đến, dịch vụ du lịch tại Cần Thơ. Ảnh: Linh Tâm

Các doanh nghiệp Hà Nội khảo sát điểm đến, dịch vụ du lịch tại Cần Thơ. Ảnh: Linh Tâm

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình đề nghị các doanh nghiệp du lịch tiếp tục tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước của các địa phương trong việc xây dựng và triển khai các chương trình liên kết, phát triển du lịch đảm bảo đi vào thực chất, hiệu quả, cũng như xác định chiến lược phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình mới trong thời gian tới. Qua đó, hình thành và phát triển các tour, tuyến, sản phẩm du lịch liên kết thực sự chất lượng, phục vụ đa dạng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Cường - Trưởng ban Quản lý và phát triển hội viên của Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Tràng An cho biết hợp tác liên kết du lịch đã được chứng minh mang lại nhiều hiệu quả, giúp mang lại nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng và thu hút du khách.

"Thời gian qua, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã thúc đẩy các mối liên kết giữa doanh nghiệp hội viên với cơ quan quản lý, giữa công ty lữ hành với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch. Một thành công điển hình là sản phẩm du lịch charter tàu hỏa Hà Nội - Quảng Bình nhiều năm qua vẫn duy trì với lượng khách đều đặn. Đây là kết quả hợp tác của nhiều bên, như các công ty lữ hành tại Hà Nội, ngành đường sắt, cơ sở lưu trú, dịch vụ và cơ quan quản lý du lịch tại tỉnh Quảng Bình.

Trong khu vực, Trung Quốc và Thái Lan cũng làm rất tốt công tác liên kết nhằm giảm các chi phí cấu thành tour du lịch, từ vé máy bay, dịch vụ ăn uống cho đến khách sạn... Nhờ đó các nước này đã thu hút đông đảo khách du lịch Việt Nam vì giá tour cạnh tranh sòng phẳng với tour trong nước. Đó là những mô hình, cách làm tốt để ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác cũng có thể học hỏi, tạo chính sách kích cầu riêng và phù hợp", ông Nguyễn Hữu Cường phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể hóa các liên kết du lịch

Trong 6 tháng đầu năm 2024, khách tham quan du lịch đến với thành phố Cần Thơ đạt khoảng 3,7 triệu lượt khách

Trong 6 tháng đầu năm 2024, khách tham quan du lịch đến với thành phố Cần Thơ đạt khoảng 3,7 triệu lượt khách

Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả và cụ thể hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh ĐBSCL, một số ý kiến tại hội nghị cho rằng cần kết nối các sản phẩm du lịch gắn với các hãng hàng không để tăng tần suất các chuyến bay; có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành và lưu trú cùng với các hãng hàng không xây dựng các gói sản phẩm ưu đãi, kích cầu du lịch nội địa.

Thành phố Cần Thơ cần phát huy vai trò kết nối các điểm đến, nhờ sở hữu vị trí trung tâm vùng ĐBSCL và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ - ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết: "Thành phố Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, với hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi kết nối từ TP.HCM đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là một trong 2 sân bay quốc tế của ĐBSCL và là một trong những sân bay có nhiều đường bay nhất vùng ĐBSCL, đóng góp quan trọng trong phát triển du lịch thông qua các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu di chuyển, giao thương, du lịch của người dân và du khách".

Không gian quảng bá du lịch Kon Tum tại hội nghị. Ảnh: Linh Tâm

Không gian quảng bá du lịch Kon Tum tại hội nghị. Ảnh: Linh Tâm

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương cũng phải tăng cường trao đổi công tác, kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc quản lý, bảo đảm giữ vững môi trường du lịch xanh, thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn, bền vững.

Các địa phương cần thường xuyên phối hợp tổ chức kết nối doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý nhà nước, thống nhất xây dựng một số sản phẩm du lịch căn cứ trên thế mạnh đặc thù để kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh ĐBSCL.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đề xuất: "Cần kết nối các chuỗi giá trị đặc trưng để tạo thành chuỗi những sản phẩm du lịch hấp dẫn, hướng đến sự chuyên nghiệp và đa dạng, phát huy tính liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch chung của các vùng, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của cụm Tây Nguyên với các tỉnh phía Bắc, cụm Tây Nguyên với cụm đồng bằng sông Cửu Long như một điểm đến có giá trị và thú vị ở Việt Nam... Liên kết vùng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch hiệu quả, sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch không chỉ nằm trong một tỉnh mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi hành chính địa phương, một quốc gia, một khu vực".

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/xuc-tien-diem-den-du-lich-giua-ha-noi-ninh-binh-kon-tum-voi-cac-tinh-tay-nam-bo-post1109779.vov
Zalo