Xúc động với tình yêu Việt Nam trong phim 'Khải hoàn ca giữa lòng Paris'
Phim tài liệu 'Khải hoàn ca giữa lòng Paris' tái hiện hình ảnh 3 người hùng treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris.
Sau gần 2 năm giới thiệu phần 1 của bộ phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước", TFS tiếp tục ra mắt phần tiếp theo với tên gọi Khải hoàn ca giữa lòng Paris, dài 2 tập (biên kịch và đạo diễn Ngô Quang Thịnh).
Tái hiện tình yêu Việt Nam của 3 người bạn Thụy Sĩ
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện bộ phim, đạo diễn Quang Thịnh cho biết, khi nhận được đề tài này ê-kíp suy nghĩ khá lâu.
"Bởi câu chuyện ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tất cả mọi người đã biết rất rõ. Đó là những giá trị không bao giờ thay đổi được. Ê-kíp mong muốn tìm một góc khai thác mới và quyết định chọn khía cạnh ngoại giao của Bác...." - đạo diễn Quang Thịnh bày tỏ.
Theo đạo diễn Quang Thịnh, nếu phần 1 ê-kíp chủ yếu tập trung vào việc tái hiện lại câu chuyện. Thì trong phần 2 Khải hoàn ca giữa lòng Paris, bộ phim có kết hợp cả hiệu ứng đồ họa cũng như kỹ xảo trong việc miêu tả lại hành trình trèo lên để treo lá cờ trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris của 3 người bạn Thụy Sĩ.
Chị Phạm Ngọc Lan, biên tập bộ phim cũng tiết lộ thêm, trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm 2024 của ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard là hai trong ba người bạn Thụy Sĩ, báo chí TP.HCM đã khai thác rất nhiều câu chuyện về hai nhân vật cũng như sự kiện này.
"Vì vậy ê-kíp cũng rất lo lắng và xác định phải tìm được chi tiết độc đáo nhất mà báo chí chưa tìm thấy. Cuối cùng, tất cả nhất trí chọn điểm nhấn chính là câu chuyện về hành trình leo lên đỉnh tháp với độ cao 96m giữa đêm khuya trong điều kiện thời tiết lạnh giá của Paris để treo thành công lá cờ" – chị Phạm Ngọc Lan cho hay.
Bộ phim tài liệu Khải hoàn ca giữa lòng Paris gồm 2 tập.
Tập 1: Từ Le Harve đến Paris: sẽ khai thác khái quát những câu chuyện về các hoạt động của Bác Hồ trong giai đoạn tìm đường cứu nước, điểm qua những nơi gắn với hình ảnh của Người tại Pháp để từ đó cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa nước Pháp với Bác và của Bác với nước Pháp, là tiền đề cho những sự kiện sau này giữa hai quốc gia.
Tập 2: Lá cờ trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris sẽ tập trung khai thác sự kiện 3 người Thụy Sĩ treo cờ Việt Nam trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris để từ đó thấy được tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lan tỏa tinh thần yêu nước, đấu tranh vì hòa bình, cho chính nghĩa và lẽ phải đã có tác động mạnh mẽ đến những người yêu nước trên thế giới như thế nào.
"Khải hoàn ca giữa lòng Paris" đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên chính trường trước thềm Hội nghị Paris năm 1973, là tiền đề để Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam đến thống nhất trọn vẹn.
Đặc biệt là câu chuyện về 3 thanh niên người Thụy Sĩ (ông Olivier Parriaux, ông Bernard Bachelard và Nóe Graff) đã dũng cảm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris đúng vào ngày mở đầu vòng đàm phán Hội nghị Paris (19-1-1969) cũng sẽ lần đầu tiên được kể lại chi tiết trong bộ phim này.
Kỳ công cho một dự án
Khải hoàn ca giữa lòng Paris được ghi hình ở 2 quốc gia Pháp và Thụy Sĩ, đặc biệt ở Pháp, đoàn phim ghi hình ở những địa điểm mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những nơi mà phái đoàn Việt Nam đã lưu trú trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris.
Quá trình chuẩn bị, ê-kip đã tìm kiếm và tổng hợp rất nhiều tư liệu trong và ngoài nước để có những thông tin chính xác và khách quan nhất cho bộ phim....
Bên cạnh đó, ê-kip làm phim còn có sự cố vấn của các Giáo sư Tiến sĩ, các nhà sử học như PGS.TS Hà Minh Hồng, GS.TS Trình Quang Phú, bà Helen Luc, Nguyên thượng nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp, nhà báo Hà Đăng, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương…
Phim tài liệu Khải hoàn ca giữa lòng Paris sẽ phát sóng lúc 20 giờ ngày 26 và 27-1 trên các nền tảng số của HTV - TFS và 22 giờ 30 ngày 26-1, 22 giờ ngày 27-1 trên HTV9.