Xúc động tiễn biệt GS-TS Võ Tòng Xuân
Nhiều đoàn đại diện các đơn vị, cơ quan, ban, ngành, chính quyền các địa phương cùng bạn bè trong và ngoài nước, học sinh, sinh viên, bà con láng giềng... đã đến tiễn biệt GS-TS Võ Tòng Xuân
Tang lễ GS-TS Võ Tòng Xuân được Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Nam Cần Thơ và Trường ĐH An Giang cùng gia đình tổ chức từ ngày 19 đến 22-8.
Nhiều đóng góp lớn
Sáng 22-8, sau lễ truy điệu, xe tang đưa linh cữu GS-TS Võ Tòng Xuân từ Nhà Tang lễ TP Cần Thơ di chuyển về quê nhà của ông ở Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) để an táng. Khi xe đi ngang Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường ĐH An Giang (những nơi GS-TS Võ Tòng Xuân từng công tác), hàng ngàn sinh viên, giảng viên và người dân đã đứng bên đường xúc động tiễn biệt ông.
Trước đó, tại lễ truy điệu, ông Lê Văn Nưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang, Trưởng Ban Lễ tang - ôn lại quá trình cống hiến trọn đời của GS-TS Võ Tòng Xuân cho nền nông nghiệp nước nhà cũng như những đóng góp của ông cho các nước nghèo ở châu Phi. "Giờ đây, GS-TS Võ Tòng Xuân không còn nữa nhưng công lao, sự đóng góp của ông vẫn còn để lại dấu ấn đối với nhân dân, chúng ta luôn ghi nhớ và trân trọng" - ông Lê Văn Nưng nói.
Lời điếu của Ban Lễ tang nêu rõ với tình yêu khoa học và khao khát phục vụ quê hương, đất nước, năm 1971, giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, GS-TS Võ Tòng Xuân đã trở về nước làm việc. Ông đưa giống lúa IR36 từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế về Việt Nam và hợp tác với nông dân áp dụng kỹ thuật cấy một tép, nhờ đó tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp.
Ông cùng các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều đề tài liên quan cây lúa cao sản, kỹ thuật trồng lúa, phổ biến kỹ thuật canh tác mới, công bố nhiều bài báo khoa học và đề xuất các chính sách nông nghiệp. Ông cũng là tác giả nhiều công trình khoa học nghiên cứu sử dụng đất phèn ĐBSCL và nghiên cứu hệ thống canh tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp...
Trong những ngày diễn ra lễ tang, nhiều đoàn đại diện lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo các địa phương gồm Sóc Trăng, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, An Giang cùng đông đảo học sinh, sinh viên, cựu sinh viên, nông dân, láng giềng... đã đến viếng GS-TS Võ Tòng Xuân. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, dẫn đầu đoàn viếng GS-TS Võ Tòng Xuân và chia buồn, động viên gia quyến.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tỏ lòng vô cùng thương tiếc Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Võ Tòng Xuân. "Ông là nhà khoa học lỗi lạc, người thầy tận tụy, người bạn chân thành của hàng triệu nông dân Việt Nam. Thành kính tiễn biệt thầy với niềm tiếc thương vô hạn!" - ông Trần Việt Trường xúc động.
Đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) do Thứ trưởng Hoàng Trung và lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Viện Lúa ĐBSCL cũng đã đến viếng GS-TS Võ Tòng Xuân.
Không thể dự trực tiếp lễ viếng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã quay đoạn clip gửi lời chia buồn cùng gia đình GS-TS Võ Tòng Xuân. "GS-TS Võ Tòng Xuân là người gợi ý cho tôi phải cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo để phát triển bền vững hơn. Bà con ĐBSCL biết ơn người tạo ra giống lúa IR. Chúng ta khi hát bài ca về cây lúa thì cũng hãy hát về một người thầy!" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh các hiệp hội, doanh nghiệp lúa gạo đều nhớ về một trong những người khởi tạo một ngành hàng mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và hình ảnh thương hiệu quốc gia.
Phát triển quan hệ hợp tác với nhiều nước
Đoàn đại diện Chính phủ Úc - gồm đại diện Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP HCM và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc - đã đến viếng GS-TS Võ Tòng Xuân. Theo bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc, GS-TS Võ Tòng Xuân là cố vấn người Việt Nam đầu tiên của Hội đồng Cố vấn chính sách của Úc về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế khoảng 25 năm trước.
"Xin được bày tỏ lòng thành kính và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của GS-TS Võ Tòng Xuân - người luôn tâm huyết, phấn đấu không mệt mỏi vì sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam; người luôn khích lệ và là tấm gương sáng cho biết bao thế hệ nhà khoa học trẻ; người đặt nền móng cho mối hợp tác bền chặt giữa Úc và Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu nông nghiệp" - bà An ghi sổ tang.
Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM ONO Masuo cho hay GS-TS Võ Tòng Xuân là du học sinh tại Trường ĐH Kyushu Nhật Bản vào năm 1974. Dành trọn đời để nghiên cứu về cây lúa, ông được nhiều bạn bè quốc tế yêu mến gọi là "Dr. Rice". Đặc biệt, vì sự đóng góp quý báu nhiều năm trong phát triển mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam ở lĩnh vực nông nghiệp, GS-TS Võ Tòng Xuân đã được Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc, tia sáng vàng với ruy băng cổ vào năm 2021.
"Sự ra đi của ông là mất mát to lớn đối với gia đình và những người yêu mến ông. Thay mặt cho Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM, xin bày tỏ lòng kính trọng đối với những đóng góp to lớn của GS-TS Võ Tòng Xuân và hy vọng các thế hệ nối tiếp sẽ nỗ lực hết mình như ông trên con đường xây dựng, phát triển mối quan hệ hữu nghị Nhật - Việt cho hôm nay và mai sau" - ông ONO Masuo viết sổ tang.
Luôn đồng hành với nông dân
Túc trực bên linh cữu GS-TS Võ Tòng Xuân từ tối 19-8, ông Ngô Minh Giàu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Năm Giàu (tỉnh Sóc Trăng), kể ông biết GS-TS Võ Tòng Xuân từ năm 2015 tại một hội thảo được tổ chức ở tỉnh Đồng Tháp. Thời điểm đó, ông Giàu mới trồng thanh nhãn nên đã đem trái nhãn đến giới thiệu tại hội thảo. Năm 2016, GS-TS Võ Tòng Xuân tới tìm ông để kết nối công việc. Đến năm 2021, ông Giàu được GS-TS Võ Tòng Xuân hỗ trợ thành lập HTX, nhờ đó diện tích trồng thanh nhãn cũng mở rộng hơn 12 ha, đời sống của nông dân tốt hơn. "GS-TS Võ Tòng Xuân còn đang ấp ủ hỗ trợ cho một mô hình HTX ở Hậu Giang với quy mô mục tiêu 200 ha..." - ông Giàu bùi ngùi kể.