Xúc động đêm thơ nhạc kịch 'Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi'

Tối 16/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra đêm thơ nhạc kịch 'Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi' nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh tác giả Lưu Quang Vũ, 35 ngày mất của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, cặp vợ chồng tài hoa bậc nhất của văn chương, kịch nghệ Việt Nam.

Bài thơ "Lá thu" qua giọng đọc của NSƯT Minh Trang. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Bài thơ "Lá thu" qua giọng đọc của NSƯT Minh Trang. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Chương trình do gia đình hai cố tác giả phối hợp cùng Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức.

Đêm thơ, nhạc kịch "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" được dàn dựng công phu, sáng tạo, quy tụ nhiều nghệ sỹ tên tuổi: Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Kỷ, Nghệ sỹ Ưu tú Minh Trang, Nghệ sỹ Ưu tú Tạ Tấn Minh, diva Mỹ Linh, ca sỹ Vũ Thắng Lợi, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc sỹ Lê Tâm; Nhạc sỹ Trần Đức Minh đạo diễn âm nhạc; Nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực tổng đạo diễn; Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Kỷ chỉ đạo nghệ thuật; Nghệ sỹ Ưu tú Doãn Bằng thiết kế sân khấu.

Đêm nghệ thuật bao gồm 4 chương, với tựa đề là những câu thơ và tác phẩm nổi tiếng của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật, chương trình tái hiện lại cuộc đời ngắn ngủi nhưng thấm đẫm tình yêu và khao khát sống đẹp, sống ý nghĩa của cây bút tài năng một thời - người được mệnh danh là nhà biên kịch tiên phong trong nền kịch nghệ Việt Nam ở thời Đổi Mới.

Trong đó, chương I với tên gọi "Hồn dân tộc dạy ta làm thi sỹ" với những tác phẩm nói về tính công dân trong thơ Lưu Quang Vũ. Đó là những thi phẩm khẳng định trăn trở của Lưu Quang Vũ với "hồn dân tộc". Đó là các thi phẩm "Việt Nam ơi", "Trung Hoa", "Người cùng tôi". Ở phần kết chương, giọng ca trong trẻo từng là hiện tượng của The Voice Kids Bùi Hà My thể hiện các ca khúc phổ thơ Lưu Quang Vũ gồm "Mắt một mí" của nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến và ca khúc "Phố ta" của nhạc sỹ Nguyễn Lê Tâm, mang đến cho công chúng những cảm xúc ấn tượng.

Chương II với chủ đề "Anh yêu em và anh tồn tại" nhắc tới 3 người phụ nữ đã ảnh hưởng tới cuộc đời, cũng như để lại nhiều dấu ấn trong các sáng tác của Lưu Quang Vũ.

Người thứ nhất là diễn viên điện ảnh Tố Uyên - nữ chính trong bộ phim "Con chim vành khuyên", Lưu Quang Vũ đã trao cho bà tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ, để rồi chia tay sau đó khi nhận thấy có quá nhiều điều không hòa hợp.

Người thứ hai là nữ họa sỹ Nguyễn Thị Hiền - tri kỷ của ông trong những "tháng năm đau xót và hy vọng", những tháng năm mà Lưu Quang Vũ lận đận kiếm sống cũng như đi tìm con đường của mình trong nghệ thuật.

Người thứ ba là nữ sỹ Xuân Quỳnh - người bạn thơ đồng điệu, mối tình của đời ông, người đã có 15 năm đi bên cạnh Lưu Quang Vũ, người đã cùng ông đi qua những tháng ngày thăng hoa cả về tình yêu và sự nghiệp, đến phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay…

Bài thơ "Trung Hoa" qua giọng đọc của NSƯT Lê Chức. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Bài thơ "Trung Hoa" qua giọng đọc của NSƯT Lê Chức. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Chương III có chủ đề "Hồn Trương Ba - da hàng thịt" - tên một tác phẩm kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ một lần nữa được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Với phong cách biểu hiện - ước lệ của nghệ thuật sân khấu truyền thống, nghệ sỹ Trần Lực và đoàn kịch Lucteam đã mang tới cho khán giả một đêm diễn nhiều sáng tạo mới mẻ. Ở đó, các diễn viên đã dùng nhiều phương thức biểu đạt khác nhau để thể hiện những vấn đề, những con người - nhân vật được phản ánh trong vở diễn… mang đến nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả.

Chương kết "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" khép lại chương trình với các khúc "Nhà chật" (phổ thơ Lưu Quang Vũ, nhạc Nguyễn Lê Tâm) kể lại cuộc sống gian khổ nhưng đầy lãng mạn và yêu thương trong căn phòng 6m2 của gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Với "Thuyền và biển" và đặc biệt "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" - ca khúc của Nguyễn Vĩnh Tiến cũng chính là ca khúc chủ đề của chương trình - qua giọng hát diva Mỹ Linh một lần nữa khẳng định niềm tin bất diệt vào tình yêu và cuộc sống.

Bài thơ "Người cùng tôi" qua giọng đọc của NSƯT Đỗ Kỷ. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Bài thơ "Người cùng tôi" qua giọng đọc của NSƯT Đỗ Kỷ. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Tại chương trình, khán giả đặc biệt xúc động khi được nghe các nghệ sỹ thể hiện bài thơ "Thư viết cho Quỳnh trên máy bay", được Lưu Quang Vũ viết tháng 5/1988 và bài thơ "Thời gian trắng" của Xuân Quỳnh, viết tháng 6/1988. Đây là hai bài thơ được coi là cuối cùng của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Đặc biệt, đoạn băng audio Lưu Quang Vũ nói về sân khấu mà gia đình mới tìm thấy cũng tạo ấn tượng mạnh với khán giả.

Từ những cảm xúc đặc biệt, ấn tượng và sâu lắng của đêm nghệ thuật, công chúng đã có thêm những hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948- 1988). Có thể nói, tình yêu và Tổ quốc là hai cảm hứng lớn lao nhất trong thơ ca, trong các truyện ngắn cùng hơn 50 kịch bản sân khấu của ông. Tuy chỉ sống 40 năm trên dương thế, nhưng những dấu ấn mà Lưu Quang Vũ để lại cho đời vô cùng sâu đậm, sống mãi đến bây giờ. Ông là tác giả trẻ nhất được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.

Vợ ông, nữ sỹ Xuân Quỳnh (1942-1988), tác giả của những bài thơ nổi tiếng như: "Sóng", "Thuyền và biển", "Thơ tình cuối mùa thu", "Tự hát"... cũng tự hào là một trong những gương mặt thơ nữ được yêu mến nhất. Bà cũng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

Ngày 29/8/1988, vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ qua đời trong một vụ tai nạn giao thông ở Hải Dương, trên đường đi dựng kịch trở về. Để ghi nhớ những đóng góp giá trị của hai tác giả Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tên ông bà được đặt tên cho nhiều đường phố ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đồng Hới, Thành phố Hồ Chí Minh và mới đây nhất là tại Hà Nội.

Phương Lan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/xuc-dong-dem-tho-nhac-kich-gio-va-tinh-yeu-thoi-tren-dat-nuoc-toi-20230816215529514.htm
Zalo