Xúc động chuyện kể đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại
Câu chuyện đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong... đã gây xúc động mạnh trong không khí cả nước hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cách đây tròn 50 năm, ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 không chỉ là thành quả của ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước bất diệt, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; là sự hi sinh to lớn của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc từ Bắc chí Nam, trong đó có những người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh, anh dũng, ngoan cường, quả cảm trong chiến đấu.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung (bìa phải), Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tặng hoa Trung tá Nguyễn Thị Hòa, bà Bùi Thị Vân - Đại đội nữ lái xe Trường Sơn) và bà Hoàng Kim Vinh - cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ.
Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn chia sẻ, bà và bà Bùi Thị Vân - người từng được ví là Hoa khôi của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại là 2 trong số 45 nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn, đại đội nữ lái xe duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Được thành lập ngày 18/12/1968, đại đội nữ lái xe Trường Sơn có nhiệm vụ vận chuyển bộ đội, vũ khí, trang bị, hậu cần - kỹ thuật ra chiến trường và chuyển thương binh nặng về tuyến sau qua những trọng điểm đánh phá ác liệt của Không quân Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Hòa xúc động nhớ lại: "Chúng tôi lái xe xuyên đêm, băng qua trọng điểm ác liệt. Có những chuyến đi không biết có trở về, nhưng ai cũng vững lòng, bởi phía trước là tiền tuyến, phía sau là đồng đội cần được đưa về. Những năm tháng ấy, gian khổ nhưng đầy tự hào…".
Bà Bùi Thị Vân cũng không giấu nổi sự bùi ngùi: "Tuổi thanh xuân của chúng tôi gắn với khói lửa, bom đạn. Nhưng tình đồng đội, tình yêu Tổ quốc đã tiếp sức cho mỗi vòng quay vô lăng. Hôm nay gặp lại đồng đội, thấy ấm lòng vì quá khứ không bị lãng quên".
Bà Hoàng Thị Kim Vinh, cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ gây xúc động với câu chuyện để lại con thơ, lúc đó mới 2 tuổi để dấn thân vào tuyến lửa. Bà đại diện cho những tấm gương sáng ngời của lớp lớp thanh niên Việt Nam, những người không tiếc tuổi thanh xuân, máu xương vì hòa bình, độc lập của Tổ quốc.

Các nhân chứng lịch sử đem tới những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng.
Trong những dòng nhật ký gửi con trai, người mẹ Kim Vinh đã thể hiện lòng quyết tâm muốn cống hiến thanh xuân cho dát nước: “Con ạ! Lúc nộp đơn, mẹ suy nghĩ rất nhiều, nộp đơn để mà đi, hay nộp đơn vì hình thức. Một số người xung quanh mẹ cho rằng, mẹ chỉ nộp đơn cho có vẻ ta đây tiến bộ chứ có con mọn thì đi làm sao được... Còn mẹ nghĩ khác, mẹ muốn được cống hiến khi mẹ còn trẻ...”. Lúc đó, chồng của Kim Vinh đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau khi chồng hy sinh, bà nén vượt lên nỗi đau để tiếp tục cống hiến.
"Tôi lên đường khi con còn ẵm ngửa. Ngày chồng hy sinh, tôi nén đau thương để tiếp tục hành trình. Nhìn lại, tôi không hối tiếc vì đó là lựa chọn vì độc lập, vì tương lai Tổ quốc", bà Vinh xúc động.
Câu chuyện của các bà Đào Thị Thạc, vợ thương binh nặng 1/4 Lê Đức Thuận, hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân; bà Phan Thị Kim Song, vợ thương binh nặng Cao Văn Thành... khiến người nghe lặng đi. Họ không trực tiếp ra chiến trường chiến đấu, nhưng đã thể hiện tinh thần “bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam tình nguyện kết duyên với thương binh trở về từ cuộc chiến, chăm sóc, yêu thương, đem lại hạnh phúc, bù đắp những tổn thương mà chiến tranh gây ra cho những người lính...
Lắng nghe chia sẻ từ những người phụ nữ, thương binh nặng Cao Văn Thành cũng đã chia sẻ về những dấu ấn không phai mờ trong chiến tranh và tình cảm trân trọng ông dành cho người bạn đời tần tảo của mình.
Trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chương trình giao lưu "Huyền thoại Trường Sơn" và gặp mặt Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, đại diện nữ cựu thanh niên xung phong, vợ thương binh nặng, cán bộ Hội thuộc gia đình chính sách tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước trường kỳ của dân tộc đã được tổ chức sáng 24/4 tại Hà Nội. Chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh bày tỏ niềm tự hào và trân trọng gửi lời tri ân các mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với đất nước đã có cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước; đặc biệt là các nữ cựu chiến sĩ Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong, các mẹ - vợ liệt sỹ, nữ thương binh, vợ thương binh tham gia chương trình.