Xúc cảm ở khu lưu niệm thi nhân Hàn Mặc Tử

Quy Nhơn - thành phố ven biển nhỏ xinh với bãi cát hình lưỡi liềm trải dài từ khu cảng cá tới đồi Ghềnh Ráng, đầy ắp những câu chuyện và ký ức, nơi có những con người sống với niềm tin và tình yêu mạnh mẽ, như những sơ (soeur) trong tu viện làng Phong, hay nghệ sĩ Dzũ Kha - người đã nguyện gắn bó cuộc đời mình với việc giữ lửa cho thơ Hàn Mặc Tử.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng từ khi còn nhỏ, tôi đã gắn bó với quê nội Quy Nhơn (Bình Định).

Mỗi lần về quê, tôi thường được chú út chở đi khám phá những điều thú vị mới, trong đó có khu vực "eo Nín Thở" - nơi từng là một làng chài nhỏ, nay đã được quy hoạch xanh, sạch, đẹp để người dân và khách du lịch có thêm chỗ vui chơi.

Đứng tại đây, hướng mắt nhìn sang phải Ghềnh Ráng có đỉnh dốc Mộng Cầm - nơi an nghỉ của thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Nhiều lần tới đây, thăm khu làng Cùi (Trại Phong Quy Hòa), tôi đã vào căn phòng nơi Hàn Mặc Tử sống những năm tháng cuối đời, đọc đi đọc lại những dòng chữ nguệch ngoạc ông viết gửi mẹ, gửi em trai, để thấy nỗi niềm và số phận của một người con tha hương nương nhờ cộng đồng.

Những chuyến viếng thăm khu lưu niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử với tôi cũng là một cuộc hành trình sâu sắc hơn về tinh thần và cảm xúc, giúp tôi hiểu thêm về sự kết nối tinh thần và giá trị vô giá của tình người và lòng tận tụy.

 Vẻ đẹp biển Quy Nhơn.

Vẻ đẹp biển Quy Nhơn.

Lần về Quy Nhơn này, sự chiêm nghiệm của tôi được lấp đầy bằng những trải nghiệm mới đầy tính kết nối.

Một trong số đó, là được cùng đi dạo và trò chuyện với sơ trưởng của tu viện trong làng Phong. Qua lời kể của nữ tu, tôi được biết thêm về câu chuyện đầy cảm hứng của những người phụ nữ hiến trọn đời mình cho sứ mệnh cứu người.

Suốt hơn 80 năm qua, hết thế hệ này đến thế hệ khác, các sơ đã rời xa gia đình, quê hương, đến sống trong một cộng đồng mà thời ấy từng bị xã hội xa lánh - những người bệnh phong. Họ không chỉ mang đến sự chữa lành về thể xác, mà còn đem lại hy vọng, sự an ủi và niềm tin vào Chúa cho những mảnh đời bất hạnh.

Cũng chính tại trại phong Quy Hòa, Hàn Mặc Tử - thi sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh - đã trải qua những ngày tháng cuối đời trong sự chăm sóc và bảo bọc của các sơ. Những trang thơ đầy cảm xúc của Hàn Mặc Tử đã cho hay, cuộc đời ông, với những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, đã tìm được sự xoa dịu bởi bàn tay nhân ái và tấm lòng bác ái của các nữ tu trong những ngày cuối cùng.

Một câu chuyện khác - bút lửa Dzũ Kha. Ông là người nghệ sĩ lang bạt, nhưng từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã tự nguyện rời xa gia đình để dựng một túp lều cỏ cạnh mộ Hàn Mặc Tử.

Ngày ngày, ông khắc thơ của Hàn Mặc Tử lên gỗ thông bán lấy tiền, không phải chỉ để mưu sinh, mà là để giữ lửa thơ Hàn. Đối với ông, mộ phần ấy không chỉ là nơi an nghỉ cuối cùng của một nhà thơ yểu mệnh, mà còn là biểu tượng của một linh hồn vẫn sống động, của niềm tin rằng cái đẹp và giá trị tinh thần có thể vượt qua mọi giới hạn thời gian.

Động lực đã giữ Dzũ Kha kiên trì suốt mấy chục năm trời trong công việc tưởng chừng vô cùng đơn độc không chỉ là tình yêu dành cho thơ Hàn, mà còn là một sứ mệnh cao cả hơn: Bảo vệ và lan tỏa ánh sáng của một giá trị tinh thần mà ông tin là không thể mất đi.

Ông nhớ từng dòng, từng chữ và tin rằng, trong mỗi câu thơ Hàn mình khắc lên gỗ, đều mang theo câu chuyện, mang theo những ký ức và nhân sinh quan đầy trắc ẩn mà nhà thơ trẻ ấy gửi gắm.

 Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng.

Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng.

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết rằng: "Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này một chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử".

Câu chuyện cuộc đời thi sĩ họ Hàn, của các sơ và bút lửa Dzũ Kha thực đã hòa quyện thành một mạch ngầm mạnh mẽ - biểu tượng của tình yêu, lòng trắc ẩn và khát vọng sống tử tế.

Hành trình ấy nhắc nhở tôi rằng, để giữ được ngọn lửa của niềm tin, của khát vọng, cần một sự dấn thân không vụ lợi, một động lực bền bỉ, sục sôi, như những đốm than trong đêm đông buốt giá - xung quanh càng tối tăm nguội lạnh, càng phải giũa mình sáng hơn và vươn lên.

Đó cũng là cách mỗi chúng ta có thể trân trọng, nâng đỡ lẫn nhau, như Dzũ Kha dành cho Hàn, hay như các soeur ở làng Phong đã làm với những bệnh nhân phong - cống hiến âm thầm mà sâu sắc, để lại những giá trị vô giá cho đời.

Bài và ảnh: HOÀI NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/xuc-cam-o-khu-luu-niem-thi-nhan-han-mac-tu-811888
Zalo