Xuất nhập khẩu tháng 1 giảm tốc giữa biến động toàn cầu

Xuất nhập khẩu Việt Nam giảm trong tháng đầu năm nay do nhu cầu suy yếu và biến động kinh tế toàn cầu, dù cán cân thương mại vẫn duy trì xuất siêu hơn 3 tỷ USD.

Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng đầu năm khá ảm đạm. Ảnh: Hoàng Anh

Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng đầu năm khá ảm đạm. Ảnh: Hoàng Anh

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng đầu năm nay đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,03 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 9,49 tỷ USD, giảm 11,2%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,6 tỷ USD, giảm 5%.

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm ưu thế với 29,43 tỷ USD, tương đương 89% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bảy mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch trên 1 tỷ USD chiếm 67,9% tổng giá trị xuất khẩu, bao gồm hàng điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại, máy móc, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, cùng phương tiện vận tải và phụ tùng.

Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước như xơ, sợi dệt tăng 63%, đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng trên 25%, hạt tiêu cũng ghi nhận mức tăng tương tự.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 1/2025 đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 10,89 tỷ USD, giảm 22,2%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 19,17 tỷ USD, giảm 8,7%.

Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 52%, nguyên liệu sản xuất chiếm 42%.

Ba mặt hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch, gồm điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc, thiết bị và vải.

Một số mặt hàng có mức tăng trưởng đáng chú ý so với cùng kỳ năm trước, như hạt điều, sữa, dầu mỡ động thực vật và ô tô nguyên chiếc, đều tăng trên 17%.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đầu năm nay với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD. Còn Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất với 11,6 tỷ USD.

Xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất siêu sang EU đạt 2,7 tỷ USD, giảm 18%. Xuất siêu sang Nhật Bản tăng 16,4% lên 0,3 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập siêu 5,8 tỷ USD từ Trung Quốc, giảm 19,6%, nhập siêu từ Hàn Quốc tăng 2,8% lên 1,9 tỷ USD, và nhập siêu từ ASEAN tăng mạnh 241,3% lên 1,2 tỷ USD.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, năm 2025 đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu trên 10-12% so với năm trước, với cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trên 20 tỷ USD.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thế giới, đặc biệt là chính sách của các nền kinh tế lớn. Rủi ro từ các đối tác thương mại như Mỹ và Trung Quốc đòi hỏi dự báo chính xác để xây dựng kịch bản ứng phó.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cảnh báo về nguy cơ "cuộc chiến thuế quan mới" do chính sách khó đoán của Mỹ. Mỹ đã công bố áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, thêm 10% với Trung Quốc từ ngày 4/2, sau đó tạm dừng thuế với Mexico và Canada. Bắc Kinh lập tức đáp trả, làm leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp thách thức do xung đột leo thang, tốc độ phục hồi chậm. Một số nền kinh tế lớn đã giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/xuat-nhap-khau-thang-1-giam-toc-giua-bien-dong-toan-cau-d38936.html
Zalo