Xuất ngoại bằng đường vòng

Xuất ngoại để làm giàu, để đổi đời luôn là giấc mơ của một bộ phận không nhỏ người Việt từ trước đến nay. Thế nhưng, bên cạnh đại đa số lựa chọn con đường đi 'chính ngạch', vẫn có không ít người chấp nhận rủi ro, đánh đổi để được ra nước ngoài mưu sinh. Không chỉ tạo cơ hội cho kẻ xấu trục lợi mà có khi còn phải trả cái giá cực đắt, thậm chí là bằng cả tính mạng.

Cảnh báo xuất ngoại bằng Visa du lịch trá hình

Cuối năm 2024, do có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc nhưng bản thân không đủ điều kiện nhập cảnh vào nước sở tại, Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1993), trú tại xã Thiên Nhẫn, tỉnh Nghệ An và Trần Văn Thắng (sinh năm 1975), trú tại xã Cẩm Giàng, TP Hải Phòng đã nhờ Đặng Văn Cảnh (sinh năm 1985), trú tại xã Thiên Nhẫn để nhờ giúp đỡ. Vốn là người đã từng có thời gian làm việc tại Hàn Quốc, Cảnh đã liên hệ Nguyễn Thị Thoan (sinh năm 1978), trú tại xã Đức Minh, tỉnh Hà Tĩnh và Hoàng Thị An (sinh năm 1992), trú tại xã Quang Bình, tỉnh Tuyên Quang là những người quen biết, cùng có thời gian hoạt động trong lĩnh vực này với nhau để bàn bạc.

Một nạn nhân bị lừa đi xuất khẩu lao động, sau nhiều năm may mắn trốn về được với gia đình.

Một nạn nhân bị lừa đi xuất khẩu lao động, sau nhiều năm may mắn trốn về được với gia đình.

Sau khi trao đổi, cả ba thống nhất sẽ tìm cách đưa Thắm và Thắng trốn sang Hàn Quốc lao động bằng Visa du lịch, với mức giá 350 triệu đồng mỗi người. Để thực hiện hành vi, sau khi hoàn tất các thủ tục theo diện Visa du lịch, với mục đích “tráng Visa”, nhóm người trên đã đưa hai người nhập cảnh vào Thái Lan đi du lịch trước khi trở về Việt Nam bằng đường hàng không tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tại đây, cả hai tiếp tục làm thủ tục quá cảnh tại Thượng Hải (Trung Quốc) rồi bay sang đảo Jeju (Hàn Quốc). Tuy nhiên, chỉ có Nguyễn Thị Thắm là nhập cảnh trót lọt, còn Trần Văn Thắng bị lực lượng chức năng Hàn Quốc phát hiện, bắt giữ rồi trục xuất về Việt Nam. Vào cuộc điều tra, đến đầu tháng 7/2025, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can nói trên về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Cũng trong thời gian này, thông qua công tác nghiệp vụ cơ bản, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an Hà Tĩnh đã phát hiện, triệt phá thành công đường dây tổ chức môi giới đưa người khác ra nước ngoài với thủ đoạn hết sức tinh vi bằng cách xin cấp hộ chiếu, visa dưới danh nghĩa nhà sư để xuất ngoại thông qua Đại sứ quán. Chủ mưu trong đường dây là Đậu Thị Khuyên (sinh năm 1972), trú tại xã Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Với sự giúp sức của Nguyễn Thị Ngọc Hằng (sinh năm 1978), trú tại TP. Hồ Chí Minh và Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1996), trú tại tỉnh Đồng Nai, khi có công dân có nhu cầu xuất khẩu lao động sang các nước như Mỹ, Canada, Đức, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhóm đối tượng trên sẽ tạo vỏ bọc của công dân là một nhà sư.

Công an Nghệ An nỗ lực tuyên truyền đến người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa ra nước ngoài làm công việc nhẹ lương cao.

Công an Nghệ An nỗ lực tuyên truyền đến người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa ra nước ngoài làm công việc nhẹ lương cao.

Để qua mặt cơ quan chức năng, công dân sẽ được cạo trọc đầu, mặc đồ tu hành rồi được đưa đến một ngôi chùa tại TP. Đà Nẵng chụp ảnh, giả tham gia các hoạt động của chùa, mục đích là để ngụy trang hồ sơ xin cấp thị thực. Tiếp đó, các đối tượng sẽ liên hệ với các cơ sở tôn giáo tại nước sở tại để xin thư mời tham gia các hoạt động Phật giáo - Vesaka cho công dân có nhu cầu xuất ngoại dưới danh nghĩa là nhà sư đang tu tập tại chùa ở Việt Nam. Chi phí cho chuyến xuất ngoại bằng con đường giả sư này là 300 triệu đồng.

Thời gian này, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đang trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án hình sự liên quan đến đường dây lừa đảo, núp bóng hoạt động lợi dụng du lịch, xuất cảnh trái phép để lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, cụ thể là xuất ngoại sang Hàn Quốc, trong đó nạn nhân chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Trung. Lợi dụng việc được cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, một số cá nhân, tổ chức mặc dù không được cấp phép, không đủ điều kiện nhưng vẫn tổ chức các tour du lịch miễn thị thực hoặc xin visa du lịch tự túc tại Lãnh sự quán.

Sau khi giúp công dân nhập cảnh vào Hàn Quốc, sẽ bố trí họ trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Các khách hàng chủ yếu là người lao động tự do, hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong đó nhiều công dân là người dân tộc thiểu số. Số liệu thống kê cho thấy, có ít nhất 137 công dân là người Nghệ An và 135 công dân trú tại tỉnh Hà Tĩnh đã xuất ngoại chui bằng con đường du lịch, thăm thân rồi ở lại nước ngoài lao động bất hợp pháp, với kinh phí từ 11.500 đến 18.000 USD mỗi người.

Công an hai nước Việt Nam - Lào phối hợp trao trả 36 công dân Việt bị lừa, ép vào làm việc tại các trung tâm lừa đảo ở đặc khu Tam Giác Vàng.

Công an hai nước Việt Nam - Lào phối hợp trao trả 36 công dân Việt bị lừa, ép vào làm việc tại các trung tâm lừa đảo ở đặc khu Tam Giác Vàng.

Thiên đường không có trong container, dưới boong tàu

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã siết chặt công tác nhập cảnh, nhập cư đối với người lao động khiến giấc mơ xuất ngoại làm giàu của một bộ phận người Việt bị bó hẹp. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu không hề giảm, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn tìm cách lén lút đưa người đi làm việc chui bằng các con đường không chính thống để vào các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Úc và các nước Trung Đông. Lộ trình chung mà các tổ chức này vạch ra là vượt biên thông qua các phương tiện vận tải hàng hóa xuất khẩu như container, trên các tàu biển, quá cảnh qua nhiều quốc gia khác nhau nên có những chuyến xuất ngoại có khi kéo dài nhiều tháng trời, với chi phí lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn đô la Mỹ.

Tuy nhiên, rủi ro thì vô cùng lớn, nhiều khi đánh đổi bằng cả chính mạng sống khi phải sinh tồn hàng chục tiếng đồng hồ trong không gian hẹp, thiếu không khí và nhiệt độ quá lạnh. Đã hơn 5 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra “thảm kịch” 39 lao động Việt tử vong trong container khi đang cố nhập cảnh chui vào Vương quốc Anh, đến nay ông Phạm Văn Th., trú tại khối 7 thị trấn Nghèn (nay là xã Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa hết day dứt, ân hận, đau xót và luôn tự trách mình đã gián tiếp đẩy đứa con gái ruột 26 tuổi vào cửa tử trên chuyến xe định mệnh. Vì muốn sang Anh làm việc, ông Th. chấp nhận bỏ ra số tiền 22.000 USD cho nhóm đối tượng trú tại Nghệ An, Hà Tĩnh và TP. Cần Thơ để lo cho con gái là Phạm Thị Trà My nhập cảnh vào Vương quốc Anh.

3 đối tượng “vẽ đường vòng” xuất ngoại để đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép vừa bị khởi tố.

3 đối tượng “vẽ đường vòng” xuất ngoại để đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép vừa bị khởi tố.

Đầu tháng 10/2019, Trà My cùng 38 công dân Việt vượt biên chui sang Trung Quốc, sau đó được chuyển quá cảnh sang Pháp bằng container chở hàng vượt biển vào nước Anh. Gần 1 tháng lênh đênh trên đại dương và chen chúc nhau trong container chở hàng, rạng sáng ngày 23/10, Trà My cùng 38 người Việt (trong đó có 10 công dân Hà Tĩnh) đã bị tử vong trong container khi cập bến tại Hạt Essex, Vương quốc Anh. Cuối tháng 3/2023, cơ quan chức năng phát hiện ở vùng biển ngoài khơi Đài Loan một chiếc tàu bị chìm, 16 người xác định là đã tử vong, trong đó có 7 công dân Việt Nam chủ yếu đến từ các tỉnh miền Trung. Các cuộc điều tra sau đó đã cho thấy, đây là những người Việt đã cố gắng nhập cảnh chui vào Đài Loan để tìm kiếm cơ hội việc làm, không may gặp nạn trên biển.

Theo Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, thời gian qua, vấn nạn lừa đảo, mua bán người hoặc dụ dỗ đưa người ra nước ngoài làm việc trá hình có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng. Mờ mắt vì tiền, các đối tượng không từ bất cứ thủ đoạn nào, thậm chí một số người là cán bộ, đảng viên, công chức ở các xã miền núi, từ chỗ tuyên truyền phòng, chống mua bán người, đã không bước qua được cám dỗ, trở thành những kẻ mua bán người lúc nào không hay. Thậm chí, có một số trường hợp anh ruột, chị gái lừa bán cả em trai, người thân trong gia đình.

Bị cáo Vy Văn Nhập (Nghệ An) và Phạm Thị Tuyết Chinh (Ninh Bình) vừa bị tuyên phạt 18 năm 6 tháng tù vì lừa đưa 5 người Việt sang Lào ép làm việc tại công ty lừa đảo trên không gian mạng ở Tam Giác Vàng (Tháng 3/2025).

Bị cáo Vy Văn Nhập (Nghệ An) và Phạm Thị Tuyết Chinh (Ninh Bình) vừa bị tuyên phạt 18 năm 6 tháng tù vì lừa đưa 5 người Việt sang Lào ép làm việc tại công ty lừa đảo trên không gian mạng ở Tam Giác Vàng (Tháng 3/2025).

Trước đây, chủ yếu các đường dây mua bán người đưa sang Trung Quốc, Đài Loan nhưng trong vài năm gần đây đã chuyển hướng sang Lào, Campuchia hoặc tiếp tục đưa tiếp sang nước thứ ba dưới chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”. Tại các nước sở tại, công dân bị dụ dỗ rồi ép buộc, đào tạo để tham gia làm nhiệm vụ lừa đảo trên mạng xã hội cho các công ty do người Trung Quốc làm chủ, hoạt động tại các đặc khu kinh tế; nếu không làm được sẽ bị cưỡng bức, đánh đập, tra tấn, chích điện. Đối với nữ giới, nhiều trường hợp còn bị ép kết hôn trái pháp luật hoặc hoạt động mại dâm. Nếu muốn về nước, công dân phải gọi về cho người thân, gia đình để nộp một khoản tiền chuộc lớn.

Để không tự biến mình trở thành những chuyến “hàng người” tiềm ẩn nhiều nguy cơ sa chân cạm bẫy nơi xứ người, cơ quan chức năng khuyến cáo trước hết mỗi công dân hãy tự biết bảo vệ mình. Hãy lựa chọn con đường hợp pháp nếu muốn xuất ngoại để thay đổi số phận, và tuân thủ pháp luật của Việt Nam cũng như công ước quốc tế về người lao động di cư để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Thiện Thành

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/xuat-ngoai-bang-duong-vong-i775192/
Zalo