2 thanh niên trộm xe máy rồi tháo rời đem bán có bị tội hủy hoại tài sản?

Theo luật sư, hành vi tháo rời chiếc xe máy của 2 thanh niên nhằm mục đích để tiêu thụ tài sản trộm cắp được dễ dàng. Do vậy, các đối tượng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội là trộm cắp tài sản.

Như PLO đã thông tin, ngày 18-7, Công an phường Sóc Trăng, TP Cần Thơ cho biết đang củng cố hồ sơ xử lý Sơn Hoàng Anh và Ngô Anh Phương về hành vi trộm cắp tài sản.

 Cả 2 đang tháo rời xe máy trộm cắp được thì bị bắt quả tang.

Cả 2 đang tháo rời xe máy trộm cắp được thì bị bắt quả tang.

Trước đó, Công an phường Sóc Trăng tiếp nhận tin báo của ông TVB về việc bị mất trộm một xe máy trị giá khoảng 22 triệu đồng.

Tiến hành xác minh, lực lượng công an phát hiện bắt quả tang Sơn Anh và Anh Phương đang tháo rời 1 chiếc xe máy tại nhà Sơn Anh. Cả hai được mời về trụ sở công an để làm việc.

2 thanh niên này đã thừa nhận hành vi trộm xe máy ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đồng thời khai nhận vừa thực hiện thêm 1 vụ trộm xe máy khác tại đường Nguyễn Huệ, phường Phú Lợi.

Từ vụ này, bạn đọc thắc mắc là hành vi tháo rời chiếc xe máy của hai thanh niên có bị tội hủy hoại tài sản hay không?

Trao đổi với PLO, luật sư Bùi Trần Nhật Vi (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng theo Điều 178 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì đối với hành vi hủy hoại tài sản mục đích của hành vi là nhằm vào việc làm cho tài sản mất đi hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục được. Nếu mục đích của người thực hiện hành vi là mục đích khác thì không thể là cấu thành của tội hủy hoại tài sản.

Theo luật sư Vi, tại Công văn trao đổi nghiệp vụ số 233/TANDTC-PC ngày 1-10-2019 của TAND Tối cao hướng dẫn thì “Trường hợp người thực hiện 1 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu TNHS về tội nặng hơn. Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu TNHS về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm…”

Luật sư Vi cho rằng trong tình huống trên, mục đích của Hoàng Anh và Anh Phương là tháo rời chiếc xe máy nhằm để dễ dàng tiêu thụ tài sản trộm cắp. Hành vi này của 2 thanh niên thỏa mãn dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản và tội hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, do việc hủy hoại chỉ là phương pháp để các đối tượng đạt được mục đích đối với hành vi trộm cắp tài sản nên trong trường hợp này các đối tượng chỉ phải chịu TNHS về 1 tội nặng hơn là tội trộm cắp tài sản.

Cạnh đó, theo luật sư Vi, đối với hành vi trộm cắp tài sản thì ngoài việc lấy cắp tài sản của người khác, người phạm tội còn phải thực hiện một chuỗi hành vi khác như xâm phạm gia cư bất hợp pháp; phân, chia tài sản trộm cắp được để tiêu thụ… nhằm mục đích chiếm được tài sản của người khác và đem đi tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính về cho mình. Đây là những hành vi tất nhiên khi thực hiện trộm cắp tài sản. Việc áp dụng TNHS của một trong một chuỗi hành vi trộm cắp tài sản sẽ làm mất đi dấu hiệu điển hình của tội trộm cắp tài sản.

Còn về hậu quả thì chỉ có một, đó là gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu và nguyên tắc khi xử lý là nếu tài sản bị trộm cắp còn thì phải trả về cho chủ sở hữu, nếu tài sản không còn thì phải bồi thường giá trị bằng tiền cho chủ sở hữu. Việc người trộm cắp sau khi chiếm được tài sản của người khác thì họ phải gánh chịu hậu quả pháp lý đối với toàn bộ giá trị tài sản mà họ chiếm đoạt được. Vì vậy, nếu họ có xử lý tài sản trộm cắp như thế nào thì cũng không làm giảm bớt trách nhiệm pháp lý của họ. "Do đó việc áp thêm hành vi hủy hoại tài sản đối là không phù hợp", bà Vi nói.

Đồng tình, luật sư Trần Trọng Hiếu (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất giá trị sử dụng hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản.

Trong vụ án trên, mục đích của Hoàng Anh và Anh Phương ý định chính là trộm cắp tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bị hại. Hoàng Anh và Anh Phương thực hiện xong hành vi phạm tội trộm cắp, còn việc tháo rời chiếc xe máy mục đích là để có thể tiêu thụ tài sản trên được dễ dàng và tránh bị phát hiện.

Do vậy, theo luật sư Hiếu, hành vi tháo rời chiếc xe máy của Hoàng Anh và Anh Phương tuy có thỏa mãn dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, nhưng việc hủy hoại này nhằm mục đích để các đối tượng tiêu thụ tài sản trộm cắp được dễ dàng. Do vậy, các đối tượng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 1 tội là tội trộm cắp tài sản mới phù hợp với quy định của pháp luật.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/2-thanh-nien-trom-xe-may-roi-thao-roi-dem-ban-co-bi-toi-huy-hoai-tai-san-post861028.html
Zalo