Xuất khẩu xanh: Hành trình tất yếu
Xuất khẩu xanh không chỉ là lựa chọn cho tương lai mà còn là hướng đi bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về chiến lược và tầm nhìn của ngành Công Thương trên hành trình kiến tạo tương lai xanh.
Năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các yếu tố như xung đột quân sự và bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong đó, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, năm qua lĩnh vực nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, chủ yếu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng trưởng trở lại cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, cũng như những tín hiệu tích cực về các đơn hàng nhận được trong thời gian tới.
Trong khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều có mức tăng tích cực, đặc biệt các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch, tăng mạnh nhờ nhu cầu hồi phục. Các thị trường lớn khác như Trung Quốc, EU cũng duy trì mức tăng trưởng khả quan.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 vẫn tồn tại một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Thứ nhất, xuất khẩu vẫn tập trung nhiều vào một số thị trường lớn. Điều này tuy mang lại kim ngạch lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro khi các thị trường này thay đổi chính sách hoặc đối mặt với biến động kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn.
Thứ hai, ngành điện tử, dệt may, da giày và nhiều lĩnh vực khác vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài, khiến chuỗi cung ứng dễ bị gián đoạn khi xảy ra biến động toàn cầu. Dù vậy, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được đẩy mạnh để giảm phụ thuộc và nâng cao giá trị nội địa hóa.
Thứ ba, hạ tầng logistics chưa đồng bộ và chi phí vận chuyển còn cao so với các nước trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Thứ tư, nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là ở các ngành yêu cầu kỹ thuật và công nghệ cao, ảnh hưởng đến khả năng phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng. Đây là một thách thức dài hạn, và để khắc phục, cần tăng cường các chương trình đào tạo chuyên sâu, tập trung vào kỹ năng thực hành và kết nối chặt chẽ với nhu cầu doanh nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách đãi ngộ tốt và cải thiện môi trường làm việc để thu hút lao động chất lượng cao.
Thứ năm, yêu cầu sản xuất xanh, giảm khí thải, và truy xuất nguồn gốc từ các thị trường quốc tế ngày càng tăng cao, trong khi chỉ một số ít doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành hàng Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững, tận dụng các xu hướng tiêu dùng mới.
Kết quả xuất khẩu tích cực trong năm 2024 của Việt Nam đạt được nhờ vào nhiều yếu tố quan trọng. Thứ nhất, đó là sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Một số thị trường lớn như Mỹ, EU, và châu Á dần hồi phục, kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Thứ hai, các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA..., tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế với mức thuế ưu đãi, và gia tăng khả năng cạnh tranh. Thứ ba, công tác đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu đang dần phát huy hiệu quả khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới và thúc đẩy xuất khẩu nhiều sản phẩm mới bên cạnh nhóm hàng chủ lực như điện tử, nông sản và dệt may.
Thứ tư, năng lực sản xuất và xuất khẩu nội tại đã và đang dần được cải thiện tích cực. Các doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư công nghệ, và gia tăng giá trị nội địa hóa trong chuỗi cung ứng.
Thứ năm, đó chính là sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành, thực thi các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn về logistics và đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế.
Phát triển xanh, tăng trưởng xanh và xuất khẩu xanh đang là xu hướng phát triển tất yếu. Vậy Bộ Công Thương đã và đang triển khai những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua khó khăn, tận dụng các cơ hội từ các FTA?
Phát triển xanh, tăng trưởng xanh và xuất khẩu xanh là những xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, nhất là khi các nước ngày càng coi trọng yếu tố bền vững và trách nhiệm với môi trường. Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua khó khăn và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Thứ nhất, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030, trong đó tích hợp các mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu bền vững, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải.
Thứ hai, Bộ đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn, hội thảo như Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” nhằm tạo kênh đối thoại, tham vấn về phát triển thương mại xanh, cũng như hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đạt được mục tiêu “sản xuất sạch hơn, phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất”, thúc đẩy xuất khẩu bền vững trong thời gian tới.
Thứ ba, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích từ các FTA đã ký kết. Thông qua việc ứng dụng các hình thức trực tuyến và các nền tảng mạng xã hội, Bộ sẽ tổ chức nhiều hơn các chương trình đào tạo, hội nghị và tư vấn tới một lượng lớn các doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ hàng hóa nhằm tận dụng các ưu đãi thuế quan, đồng thời giúp doanh nghiệp hiểu rõ tiêu chuẩn và yêu cầu của các thị trường trong khuôn khổ các FTA, đặc biệt là các quy định mới về tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững... nhằm giúp doanh nghiệp có bước chuẩn bị hiệu quả và tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu trong tương lai.
Thứ tư, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế, cơ quan liên quan để thiết kế các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hiệp hội, nhằm tuân thủ các quy định cạnh tranh để phát triển bền vững của các thị trường xuất khẩu.
Thứ năm, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại xanh, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương quốc tế và quảng bá sản phẩm xanh Việt Nam đến các thị trường tiềm năng.
Theo Bộ trưởng, đâu là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực cần được ưu tiên đầu tư phát triển trong thời gian tới?
Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động, việc ưu tiên đầu tư phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực có vai trò rất quan trọng để duy trì tăng trưởng bền vững. Theo đó, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực cần được ưu tiên đầu tư phát triển gồm: Nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng công nghệ cao như điện tử, máy móc thiết bị... với định hướng tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, qua đó thu hút đầu tư vào sản xuất, xuất khẩu chất bán dẫn, hàng hóa môi trường...
Tiếp đến là nhóm các sản phẩm có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày với mục tiêu đổi mới công nghệ, chuyển đổi sang sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn bền vững của thị trường quốc tế. Nhóm các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu cần được đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn và phát triển bền vững.
Ngoài ra là nhóm gỗ và sản phẩm gỗ với định hướng tập trung vào chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế, do đây là ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu, năng lực chế biến cao, và giá trị gia tăng lớn, đồng thời khả năng đáp ứng tốt nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Xuất nhập khẩu 2024 hồi phục mạnh mẽ, ghi nhận nhiều điểm sáng
Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh vĩ mô tích cực hơn so với năm 2023 cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và các Bộ, ngành, cũng như những nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, xuất nhập khẩu năm 2024 đã hồi phục mạnh mẽ, ghi nhận nhiều điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo số ước liên Bộ, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3%.
Tuy nhiên, xuất khẩu Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khi vẫn tập trung đa phần vào một số thị trường lớn với nhiều khả năng thay đổi chính sách hoặc chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế, đòi hỏi các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn.
Trong năm 2025, yêu cầu đặt ra là phải nắm rõ được xu hướng kinh tế thế giới để tận dụng những thuận lợi và hạn chế khó khăn, bất lợi, Bộ Công Thương đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10-12% so với năm 2024 và cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Bám sát tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã đăng ký, đảm bảo về tiến độ và chất lượng ban hành văn bản; Triển khai thực hiện các chương trình kiểm tra theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với các lĩnh vực được phân công theo dõi; Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng trong năm 2025 theo các cam kết quốc tế; Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đổi với hàng hóa xuất khẩu; Nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam; Tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kịp thời các cam kết theo các Hiệp định FTA đã ký kết, các Hiệp định đang và sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết; Triển khai thực hiện và theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực thi Chương trình hành động thực hiện các Chiến lược đã đề ra; Tiếp tục phối hợp với các địa phương thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần sang thương mại chính ngạch; Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu; Tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.