Xuất khẩu 'về đích' sớm
Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã 'về đích' sớm trước 2 tháng.
Ngành hàng xuất khẩu chủ lực bứt phá
Trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 750 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 29,39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với sản lượng đạt 203 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch 592 triệu USD (tăng 34,55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023); mủ cao su đạt 805 tấn, tương ứng kim ngạch 1,1 triệu USD; sản phẩm gỗ đạt 2 triệu USD; các mặt hàng khác đạt 154,8 triệu USD (tăng 13% về giá trị).
Việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trước 2 tháng được ngành chức năng nhận định là do giá cà phê tăng cao kỷ lục, bình quân trong 10 tháng tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường chính như EU, Mỹ… tăng cao đã tạo đà cho kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng mạnh.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước trong niên vụ 2023-2024 với hơn 520 triệu USD.
Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty-cho biết: “Với vai trò là một trong những nhà cung cấp cà phê nhân xanh hàng đầu của Việt Nam, có trách nhiệm và uy tín trong chuỗi cung ứng cà phê xuất khẩu toàn cầu, Vĩnh Hiệp đã phát huy lợi thế của mình để xây dựng mạng lưới sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn thị trường quốc tế với sản lượng hàng năm trên 150 ngàn tấn. Hiện nay, Vĩnh Hiệp đã mở rộng thị trường xuất khẩu ra hơn 40 nước trên thế giới, trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 60%”.
Trong niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê cả nước giảm khoảng 20%. Sự thiếu hụt nguồn cung khiến giá cà phê tăng mạnh và tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu.
Niên vụ 2024-2025 đang bắt đầu bước vào thu hoạch rộ, giá cà phê trên thị trường hiện vẫn ổn định ở mức cao. Thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tăng, nhất là ở các quốc gia châu Á. Vì vậy, xuất khẩu cà phê còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Toàn tỉnh có khoảng 105 ngàn ha cà phê. Niên vụ 2024-2025, năng suất cà phê dự kiến đạt gần 4 tấn nhân/ha. Giá cà phê hiện vẫn giữ ở mức cao là tín hiệu tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng này.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh triển khai lựa chọn giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng hữu cơ để áp dụng vào sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng nông sản; đồng thời, canh tác các loại cây trồng chủ lực theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance, GlobalGAP, 4C, Organic, FLO… gắn với truy xuất nguồn gốc để tăng tính minh bạch cho sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục nghiên cứu đưa cơ giới vào sản xuất cà phê để giảm chi phí đầu vào; nỗ lực xây dựng mã số vùng trồng để đẩy mạnh xuất khẩu. Song song với đó, tổ chức tốt liên kết sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, thực hiện tốt quy định chống phá rừng của EU, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường mới.
Theo định hướng, Gia Lai sẽ giữ ổn định diện tích cà phê ở mức 100-110 ngàn ha và phấn đấu đến năm 2030 có 80% diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn.
Cơ hội đan xen với thách thức
Hiện nay, các mặt hàng nông sản của tỉnh đang dần khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường thế giới. Bên cạnh cà phê thì 3 năm gần đây, xuất khẩu trái cây nói chung và các mặt hàng chanh dây nói riêng đạt được kết quả khả quan. Bình quân mỗi năm, ngành hàng trái cây xuất khẩu đạt kim ngạch 120-150 triệu USD.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nguồn nguyên liệu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy trên địa bàn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 5.450 ha chanh dây. Đây là 1 trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh và là cây trồng chiến lược để xuất khẩu.
Hiện nay, giá chanh dây bắt đầu nhích dần lên sau một thời gian giảm sâu, là tín hiệu tốt để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.
Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa) thông tin: “Năm 2024, tình hình sản xuất của Công ty bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu thiếu hụt nên dự kiến sản lượng chỉ đạt khoảng 60 ngàn tấn, thấp hơn năm ngoái. Đến thời điểm này, Công ty cũng đã hoàn thành kế hoạch sản xuất của năm”.
Theo ông Thạnh, Công ty hiện có các mặt hàng nước chanh dây cô đặc đông lạnh, nước chanh dây thanh trùng đông lạnh, hương chanh dây tự nhiên. Khoảng 90% sản phẩm của Công ty được tiêu thụ tại thị trường châu Âu.
Hiện nay, hương vị chanh tím ngày càng được thế giới ưa chuộng so với chanh vàng của khu vực Nam Mỹ. Đây là lợi thế của Công ty khi đặt nhà máy tại Gia Lai và là yếu tố quan trọng để ổn định đầu ra cho nông dân.
Gia Lai hiện có hơn 255,6 ngàn ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 43,1% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh), trong đó, gần 60 ngàn ha được chứng nhận các tiêu chuẩn.
Toàn tỉnh đã được cấp 227 mã số vùng trồng với diện tích 9.668 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.500-1.700 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu là trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ...
Hiện nay, một số loại trái cây tươi của Gia Lai như: sầu riêng, chuối, chanh dây… đã đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản.
Đặc biệt, Việt Nam đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội mở ra con đường xuất khẩu đối với sản phẩm chanh dây, sầu riêng, chuối…
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang gần 50 quốc gia. Trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với các mặt hàng như cà phê, sản phẩm gỗ, trái cây chế biến; thị trường châu Á chiếm khoảng 30% với các mặt hàng: cao su, cà phê, sản phẩm gỗ; còn lại là các thị trường khác.
Cà phê là mặt hàng chủ lực đang chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Để thúc đẩy ngành hàng cà phê phát triển, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, các doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thông qua việc tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tiếp tục duy trì ưu thế tại các thị trường truyền thống. Ngoài ra, tác động từ các hiệp định thương mại tự do đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
“Thời gian qua, ngành Công thương đã đẩy mạnh công tác cập nhật thông tin thị trường, xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường công tác xúc tiến thương mại… giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng thị trường.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi thì hoạt động xuất khẩu của tỉnh cũng còn nhiều khó khăn và thách thức đan xen, trong đó, rủi ro do xung đột chính trị giữa một số quốc gia làm cản trở tuyến vận tải hàng hóa Á-Âu qua Biển Đỏ khiến chi phí vận tải tăng cao.
Tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, vượt qua các hàng rào kỹ thuật thương mại”-bà Nguyệt thông tin thêm.