Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 đạt 7,16 tỷ USD

Số liệu Tổng Cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam đã đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ riêng trong tháng 9, XK thủy sản đã mang về 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9/2023. Sau 4 năm bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như dịch Covid-19, chiến tranh và lạm phát, tình hình thị trường hiện đang dần ổn định, giúp XK thủy sản của Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đặc biệt trong nửa cuối năm và đạt đỉnh trong quý III.

Cụ thể, trong quý III năm nay, XK thủy sản đã đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều có sự tăng trưởng ấn tượng. Cá tra ghi nhận mức tăng 13,5%, XK tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng mạnh 56%, và đặc biệt là nhuyễn thể có vỏ với mức tăng đáng kinh ngạc 95%.

Tuy nhiên, XK cá ngừ trong tháng 9 giảm gần 6% so với cùng kỳ, dẫn đến mức tăng trưởng trong quý III chỉ đạt 4% so với năm trước. Từ tháng 8, XK cá ngừ bắt đầu chững lại và có dấu hiệu giảm trong các tháng cuối năm, chủ yếu do quy định về kích thước cá ngừ đánh bắt tối thiểu 0,5m gây khó khăn cho việc khai thác và cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến. Tính đến cuối tháng 9, XK cá ngừ đã tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 715 triệu USD, trong đó cá ngừ loin/phile đông lạnh chiếm 48%, đạt 346 triệu USD.

Với cá tra, XK trong 9 tháng đầu năm đạt 1,46 tỷ USD, tăng 8%. Đáng chú ý, nhóm sản phẩm cá tra chế biến tăng đột phá 42%, trong khi cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24% và cá tra phile/cắt khúc đông lạnh tăng 4%.

Tôm vẫn là mặt hàng mang lại kim ngạch XK cao nhất, đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá tôm đông lạnh chưa hồi phục hoàn toàn và phải cạnh tranh với tôm từ Ecuador và Ấn Độ, tôm chế biến của Việt Nam vẫn duy trì vị thế vững chắc. Tính đến cuối tháng 9, XK tôm chân trắng chế biến đã tăng gần 10%, trong khi tôm chân trắng đông lạnh chỉ tăng 4,5%. Tổng cộng, XK tôm chân trắng đạt gần 2 tỷ USD, còn XK tôm sú đạt 334 triệu USD.

Đối với mực và bạch tuộc, sản phẩm chế biến ghi nhận kết quả khả quan hơn so với hàng đông lạnh. Trong quý III, XK mực chế biến tăng 22% và tăng 13% trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tổng kim ngạch XK mực và bạch tuộc trong 3 quý đầu năm vẫn giảm nhẹ 2,7%, đạt 464 triệu USD.

XK các loài cá biển khác đã có sự phục hồi nhẹ trong quý III, với mức tăng 1,5%, đạt trên 181 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm, XK đạt 1,34 tỷ USD, giảm 3% so với năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm phile chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 479 triệu USD, tăng 2,2%. Ngược lại, XK chả cá surimi giảm 3% trong quý III và giảm gần 11% trong 9 tháng, đạt 203 triệu USD.

XK cua ghẹ vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh từ đầu năm. Trong quý III, XK sản phẩm này tăng 56%, đưa tổng kim ngạch 9 tháng đầu năm lên mức 227 triệu USD, tăng 66%, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc đối với cua sống.

Với các tín hiệu tích cực từ thị trường, XK thủy sản trong năm 2024 dự kiến sẽ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023. Trong đó, XK tôm ước tính đạt gần 4 tỷ USD, cá tra khoảng 2 tỷ USD, cá ngừ xấp xỉ 1 tỷ USD, mực và bạch tuộc khoảng 640 triệu USD, còn lại là các mặt hàng cá biển và hải sản khác.

Sự phục hồi về nhu cầu từ các thị trường cùng với giá XK tăng dần sẽ là động lực giúp doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024 và hướng đến năm 2025 với kỳ vọng phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/xuat-khau-thuy-san-viet-nam-9-thang-dau-nam-2024-dat-716-ty-usd-127687.html
Zalo