Xuất khẩu thủy sản phục hồi ấn tượng
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2025 đã ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Mỹ, EU và Trung Quốc là ba thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đều có xu hướng tăng nhập khẩu trở lại, nhất là đối với mặt hàng cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và mực, bạch tuộc...
Tín hiệu phục hồi từ thị trường lớn
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phục hồi ấn tượng trong quý I/2025, với kim ngạch đạt 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3/2025, giá trị xuất khẩu đạt gần 889 triệu USD, tăng gần 20%, cho thấy đà tăng trưởng vẫn được duy trì dù có dấu hiệu chững lại so với hai tháng đầu năm. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp siết chặt nhập khẩu sau đại dịch và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu là cơ hội để thủy sản Việt Nam lấy lại thị phần. Đặc biệt, khi Mỹ gia hạn thuế đối ứng thời gian 90 ngày và các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ hay Ecuador vẫn đang đối mặt với khó khăn về môi trường và chi phí logistics...nên doanh nghiệp Việt Nam có thêm lợi thế.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam duy trì đà tăng trưởng
Tuy nhiên, để tăng tốc bền vững, ngành thủy sản không thể chỉ dựa vào thuận lợi bên ngoài. Những thách thức về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và chứng chỉ xuất xứ vẫn là bài toán nội tại cần giải quyết. Các thị trường khó tính như EU hay Nhật Bản ngày càng khắt khe trong vấn đề môi trường, kháng sinh và truy xuất nguồn gốc.
Nỗ lực từ các doanh nghiệp
Điểm sáng là nhiều doanh nghiệp đã chủ động nâng cấp quy trình nuôi trồng, áp dụng công nghệ cao và đầu tư hệ thống truy xuất điện tử. Việc đạt được các chứng chỉ như ASC, BAP, GlobalGAP… giúp mở rộng cánh cửa vào những thị trường cao cấp và giữ vững vị thế cạnh tranh.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, triển vọng năm 2025 cho ngành tôm khá lạc quan, miễn là các yếu tố bất ổn như chiến tranh thương mại dưới thời chính quyền Trump không gây thêm gián đoạn. Giá nhập khẩu trung bình tăng từ tháng 10/2024 và dự kiến duy trì ở mức cao trong suốt năm 2025 nhờ tồn kho ổn định, mang lại niềm tin cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu.

Giá tôm ổn định mang lại niềm tin cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu.
Ông Nguyễn Quang Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân trẻ tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, một trong những xu hướng nổi bật của năm 2025 là chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thủy sản. Từ việc sử dụng cảm biến, AI trong kiểm soát môi trường ao nuôi, đến ứng dụng blockchain trong minh bạch hóa chuỗi cung ứng đang được các doanh nghiệp đầu ngành đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, yếu tố “xanh” cũng trở thành lợi thế cạnh tranh. Các đơn hàng từ châu Âu hiện nay không chỉ yêu cầu chất lượng, mà còn đánh giá mức độ phát thải carbon trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước nuôi, giảm hóa chất độc hại... đang dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc.

Sản xuất xanh đang trở thành yếu tố cạnh tranh
Để khai thác tối đa tiềm năng xuất khẩu trong năm 2025, sự đồng hành từ chính sách là rất quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã công bố kế hoạch hỗ trợ tín dụng, đào tạo nhân lực và xúc tiến thương mại cho ngành thủy sản. Đồng thời, nhiều địa phương cũng đang triển khai quy hoạch lại vùng nuôi để tăng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro môi trường.
Ngoài ra, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị cũng là yếu tố quyết định. Doanh nghiệp chế biến cần hợp tác chặt chẽ với người nuôi, tổ chức hợp tác xã, đơn vị logistics và cơ quan kiểm định để đảm bảo dòng sản phẩm ổn định, đạt chuẩn và đúng tiến độ xuất khẩu.

Các thị trường trọng điểm của ngành chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, năm 2025 được kỳ vọng là bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành thủy sản Việt Nam sau giai đoạn khó khăn. Với cơ hội từ thị trường, sự chủ động từ doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ chính sách, ngành có thể đạt mục tiêu kim ngạch 9 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, để đi xa và bền vững, ngành cần tập trung vào chất lượng, đổi mới công nghệ và phát triển theo hướng xanh hóa, minh bạch và trách nhiệm.