Xuất khẩu tăng mạnh, ngành chế biến thiếu nguồn dừa khô nguyên liệu

Xuất khẩu dừa Việt Nam tăng trưởng khá cao sau khi được thị trường Trung Quốc mở cửa bán chính ngạch. Tuy nhiên, thị trường mới này này lại đang 'hút cạn' nguồn dừa khô nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến trong nước.

Xuất khẩu dừa tăng mạnh tạo ra khiến dừa khô nguyên liệu cho ngành chế biến bị thiếu hụt. Ảnh: Trung Chánh

Xuất khẩu dừa tăng mạnh tạo ra khiến dừa khô nguyên liệu cho ngành chế biến bị thiếu hụt. Ảnh: Trung Chánh

Sau khi được thị trường Trung Quốc mở cửa cho phép xuất khẩu chính ngạch, ngành dừa đã có sự bứt phá khá mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Đây là động lực quan trọng để loại cây công nghiệp này của Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Doanh nghiệp phải nhập dừa khô từ Indonesia

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa cả nước đạt trên 313 triệu đô la Mỹ. Trong đó, sản phẩm dừa nguyên trái xuất khẩu đạt gần 125,5 triệu đô la Mỹ, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm dừa chế biến đạt gần 188 triệu đô la Mỹ, tăng 51% so với cùng kỳ.

Tại diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa diễn ra mới đây ở tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dự kiến cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa cả nước lần đầu tiên đạt 1 tỉ đô la Mỹ.

Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T cho biết, ngoài Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu là những thị trường xuất khẩu dừa chủ lực của Việt Nam. Các sản phẩm gồm dừa tươi, nước dừa, bột dừa, dầu dừa, dừa khô, dừa đóng hộp và các sản phẩm được chế biến từ dừa. “Hiện nay, Vina T&T xuất khẩu mỗi tháng hơn 20 container vào Mỹ và đây cũng là thị trường chính của chúng tôi”, ông thông tin.

Việc gia tăng xuất khẩu sản phẩm dừa Việt Nam sang Trung Quốc đang tạo ra cơ hội để bùng nổ về doanh số, tuy nhiên, cũng gây ra thiếu hụt nguyên liệu dừa khô cho lĩnh vực chế biến.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam lý giải, dừa khô là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam đang bị "hút" qua Trung Quốc. Do thị trường này có quy mô rất lớn, hiện tất cả các sản phẩm dừa Việt Nam cộng lại vẫn không đủ để đáp ứng.

Theo bà, việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn ngừng hoạt động khoảng một tháng nay hoặc có doanh nghiệp đầu tư máy móc nhưng chỉ sản xuất được 15% công suất. “Ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đã phải nhập dừa từ Indonesia rất nhiều, thậm chí có những công ty mỗi tháng nhập cả trăm container về nhằm đảm bảo nguyên liệu đáp ứng năng suất chế biến”, bà nói.

Tuy nhiên, nguồn dừa nguyên liệu từ Indonesia có khả năng sẽ bị “đứt gãy” trong tương lai, bởi từ ngày 1-1-2025, quốc gia này áp thuế 80% lên dừa khô nhằm kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất chế biến.

Ở góc nhìn tích cực, theo bà Thủy, việc gia tăng xuất khẩu sẽ là tiền đề thúc đẩy, giúp loại cây công nghiệp chủ lực này của Việt Nam gia tăng diện tích, đáp ứng mục tiêu đạt 210.000 héc ta vào năm 2030 như kỳ vọng từ đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Có nên đánh thuế xuất khẩu đối với dừa khô?

Tín hiệu tích cực trong xuất khẩu dừa sau khi được mở cửa chính ngạch sang Trung Quốc là điều đáng mừng. Thế nhưng, vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như sự minh bạch trong thương mại cần được quản lý chặt chẽ hơn. Ông Phú của Vina T&T cho rằng, cần đầu tư mạnh mẽ cho tiếp thị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dừa Việt Nam.

Vấn đề được vị đại diện doanh nghiệp Vina T&T đặc biệt lưu ý, đó là cơ quan địa phương cần rà soát các đơn vị, cơ sở đóng gói dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc, cả về mặt an toàn thực phẩm, mã số đóng gói để đảm bảo các nhà máy Việt Nam xuất khẩu cạnh tranh, công bằng về giá và chất lượng.

Ông đề xuất, cơ quan địa phương phải lấy thông tin xuất khẩu dừa đi Trung Quốc từ các cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng để thống kê hàng quí nhằm nắm tình hình xuất khẩu và sử dụng mã số đúng mục đích, tránh gian lận thương mại. Tình trạng mua bán mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trong ngành dừa nói riêng và nông sản xuất khẩu nói chung đang ảnh hưởng đến uy tín, khả năng cạnh trạnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Bà Thanh của Hiệp hội dừa Việt Nam cho rằng, cần áp thuế xuất khẩu dừa khô sang Trung Quốc thay vì miễn thuế (0%) như hiện nay nhằm bảo vệ nguồn nguyên liệu phục vụ cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ngành chế biến dừa Việt Nam nếu không có chính sách bảo hộ về thuế, hàng rào thuế quan để giữ lại nguyên liệu cho ngành chế biến dừa thì rất nguy hiểm, bà Thanh nhận định.

Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre nhấn mạnh, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu là cách tốt nhất để duy trì và mở rộng xuất khẩu. Muốn vậy, doanh nghiệp và nông dân phải phối hợp tốt hơn vì thực tế hiện nay doanh nghiệp không có vùng trồng riêng, toàn bộ phải liên kết với nông dân, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Đây là cách tốt nhất giúp doanh nghiệp duy trì được nguồn nguyên liệu.

Riêng với đề xuất áp thuế xuất khẩu dừa khô, qua gần 20 năm theo dõi ngành hàng này, ông Tuấn cho rằng, đây không phải là lần đầu nói về vấn đề này được áp dụng. Việt Nam đã từng đánh thuế xuất khẩu dừa khi giá tăng cao nhưng sau đó phải bãi bỏ vì giá sụt giảm mạnh. Vấn đề quan trọng hiện nay là quản lý có nguồn nguyên liệu cho chế biến, chứ không phải áp thuế vì bài học cũ có thể lặp lại.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-tang-manh-nganh-che-bien-thieu-nguon-dua-kho-nguyen-lieu/
Zalo