Xuất khẩu sầu riêng sụt giảm nghiêm trọng: Gấp rút tìm giải pháp để phát triển bền vững
Chiều 24-5, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) phối hợp với UBND tỉnh ĐắkLắk tổ chức hội nghị 'Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững'
Theo Bộ NN-MT, đến năm 2024, diện tích trồng sầu riêng đã tăng lên hơn 178.000 ha so 32.000 ha vào năm 2015. Trong 5 năm trở lại đây, bất chấp khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn, diện tích trồng sầu riêng vẫn tăng 2,38 lần so với mục tiêu phát triển. Sầu riêng Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng - từ nhu cầu thị trường sụt giảm, sự cạnh tranh quyết liệt đến việc kiểm soát an toàn thực phẩm; sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc. Trong khi diện tích tăng nhanh thì thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc (năm 2024 chiếm 97,2%). Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2025, nhu cầu của thị trường này đã giảm 46,5% về lượng.
Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết: "Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 3,3 tỉ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng trên cả nước chỉ đạt 130 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 500 triệu USD cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Trung Quốc siết chặt các quy định về nhập khẩu sầu riêng, bao gồm kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn dư lượng kim loại nặng như: hoạt chất cadimi, vàng O…". Bộ trưởng Bộ NN-MT Đỗ Đức Duy cho rằng sự phát triển và tăng trưởng "nóng" cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu định hướng và công cụ quản lý đồng bộ. "Việc sụt giảm quy mô và kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua là tín hiệu cảnh báo về sự mất cân đối giữa tăng trưởng sản xuất và năng lực tổ chức sản xuất, giữa yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu với khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước - nhất là chất lượng.
Tại hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia đã tập trung thảo luận và chỉ ra 7 tồn tại, hạn chế cần phải cấp bách khắc phục và hành động quyết liệt trong thời gian tới để phát triển bền vững ngành hàng tỉ đô này. Đáng chú ý, nhu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, yêu cầu kiểm tra kim loại nặng và chất cấm (cadimi và vàng O) là các yêu cầu kỹ thuật phát sinh, còn lúng túng, đòi hỏi toàn chuỗi giá trị sầu riêng phải có các hành động phù hợp để ứng phó. Tình trạng giả mạo, mượn mã số, sử dụng mã số sai mục đích vẫn diễn ra, làm gia tăng rủi ro bị trả hàng, đình chỉ xuất khẩu và suy giảm uy tín quốc gia…
Ông Nguyễn Thiên Văn cho rằng để xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn cho sầu riêng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và phải thực hiện ngay. Do đó, ông kiến nghị Bộ NN-MT xem xét ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, chất tạo màu, làm chín đều, bảo quản sầu riêng trong thời gian sớm nhất. Thành lập các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm dịch và cơ sở chiếu xạ tại Đắk Lắk để giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất. Đề nghị xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tỉnh Đắk Lắk là địa phương làm điểm để nhân rộng mô hình.