Xuất khẩu sầu riêng: Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn?

Thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu sầu riêng của nước ta nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do 'vướng' các hàng rào kỹ thuật; trong đó, 2 vấn đề khó khăn nhất là kiểm soát dư lượng chất Cadimi và chất Vàng O. Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang xoay quanh những khó khăn trong xuất khẩu sầu riêng hiện nay cũng như những giải pháp để tháo gỡ khó khăn.* PV: Xin ông cho biết, tình hình xuất khẩu sầu riêng và những khó khăn trong việc kiểm soát chất Cadimi và Vàng O trong sản xuất và xuất khẩu hiện nay?

* Ông Võ Tấn Lợi: Vàng O là chất được người ta tác động vào trái sầu riêng sau khi thu hoạch. Khi trái sầu riêng về đến nhà đóng gói, để trái sầu riêng có màu vàng đẹp mắt, thay vì dùng bột nghệ, người ta đã sử dụng màu vàng công nghiệp để nhúng vào trái sầu riêng. Bởi vì, nghệ lên màu không đẹp, dễ bị tuột màu và còn đắt tiền. Chất tạo màu vàng này được các doanh nghiệp học hỏi từ bạn bè quốc tế.

Để khắc phục sầu riêng nhiễm chất Vàng O, các nhà xuất khẩu đã không sử dụng chất này để nhúng tạo màu cho trái sầu riêng nữa. Tuy nhiên, có trường hợp doanh nghiệp báo cáo đã ngưng nhúng chất tạo màu này, nhưng khi kiểm tra lô hàng vẫn có tồn dư chất Vàng O.

Điều này có thể được giải thích là các dụng cụ trong nhà xưởng trước đây đã bị chất Vàng O bám dính. Khi dùng các dụng cụ này để sơ chế cho lô hàng sầu riêng tiếp theo có thể nó tiếp tục bám vào sầu riêng nên vẫn thể hiện dư lượng khi xét nghiệm. Vì vậy, phải thay mới các dụng cụ này và vệ sinh sạch sẽ nhà xưởng thì mới khắc phục hoàn toàn được.

Riêng đối với vấn đề nhiễm Cadimi trong trái sầu riêng. Các nhà khoa học đã vào cuộc nghiên cứu cho thấy thực tế có Cadimi nhiễm trong đất. Vậy nguyên nhân nhiễm từ đâu? Đa số các nghiên cứu đều cho rằng có trong phân bón. Phân bón ngày trước có chứa Cadimi, được sử dụng và chúng tích lũy qua các mùa vụ, nằm sâu trong đất.

Để khắc phục tình trạng nhiễm Cadimi, đã có đề xuất trồng các cây thân xốp như bạc hà, lục bình… để chúng hấp thụ Cadimi. Tuy vậy, Cadimi nằm sâu trong lòng đất khó có thể được khắc phục hoàn toàn bằng cách này. Các nhà khoa học, nhà chuyên môn đã đưa ra nhiều giải pháp.

Theo ý kiến của một số nhà khoa học, để loại trừ chất Cadimi tồn tại trong đất thì thời gian 1 - 2 năm cũng chưa chắc được. Đối với các vườn sầu riêng mới lập, nhà vườn không bón phân có chứa Cadimi thì sẽ không bị nhiễm kim loại này.

Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu bằng cách thỏa thuận với chủ vườn xét nghiệm trái trước; nếu không có tồn dư Cadimi sẽ thu mua với giá cao. Tuy nhiên, Cadimi là vấn đề nhạy cảm. Nếu xét nghiệm có chất Cadimi, doanh nghiệp không mua, thông tin lọt ra ngoài thì nhà vườn bán sầu riêng cho ai?

Nhiều doanh nghiệp bây giờ đóng hàng sầu riêng theo kiểu may rủi. Họ không xét nghiệm trước khi mua, về đến xưởng rồi mới xét nghiệm. Để mua đầy một container khoảng 20 tấn, doanh nghiệp phải mua từ nhiều vườn, xét nghiệm không hết dễ vướng Cadimi nhất. Doanh nghiệp rất hoang mang. Ai cũng loay hoay làm thế nào để khử chất Cadimi đây? Thật sự, ngành sầu riêng bây giờ rất khó khăn.

Hiện nay, việc xuất khẩu sầu riêng đang gặp khó do “vướng” các hàng rào kỹ thuật từ phía Trung Quốc buộc nhà vườn và doanh nghiệp phải khắc phục để thích nghi.

Hiện nay, việc xuất khẩu sầu riêng đang gặp khó do “vướng” các hàng rào kỹ thuật từ phía Trung Quốc buộc nhà vườn và doanh nghiệp phải khắc phục để thích nghi.

* PV: Để tháo gỡ khó khăn này, về phía Hiệp hội Sầu riêng có những kiến nghị gì với các ngành chức năng?

* Ông Võ Tấn Lợi: Nhiều hội viên là doanh nghiệp xuất khẩu trong Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang đã phản ánh về các vấn đề liên quan đến việc gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Ban Chấp hành Hiệp hội thống nhất kiến nghị tới lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang 4 kiến nghị.

Thứ nhất, công khai các chi phí kiểm nghiệm Cadimi của các phòng kiểm nghiệm được Trung Quốc và Việt Nam công nhận trên các kênh truyền thông chính thức.

Thứ hai, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang phối hợp Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật mở thêm trung tâm kiểm nghiệm tại Tiền Giang để thuận tiện trong việc thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng sầu riêng được nhanh chóng hơn.

Thứ ba, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ thực hiện các mô hình canh tác sầu riêng kiểu mẫu đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, hạn chế các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng trong trái sầu riêng. Điều này nhằm tạo tiền đề để doanh nghiệp xuất khẩu triển khai nhân rộng mô hình canh tác tại các vùng trồng liên kết.

Cuối cùng là hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các ngân hàng để chủ động bổ sung thêm nguồn vốn cho phương án trữ cấp đông múi sầu riêng với số lượng lớn khi mùa thu hoạch chính vụ gần kề nếu vẫn gặp khó khăn khi thông quan cửa khẩu.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Ý PHƯƠNG

(thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202504/xuat-khau-sau-rieng-giai-phap-nao-de-thao-go-kho-khan-1039027/
Zalo