Xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD trong năm nay
Việt Nam liên tục đón tin vui về mở cửa thị trường cho các loại nông sản, tạo cơ sở để xuất khẩu tăng tốc trong thời gian tới.
Chanh leo liên tiếp đón tin vui
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cho biết, chanh leo Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang Australia. Như vậy, sau một thời gian dài chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật, quy hoạch vùng trồng, nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường và sự phối hợp chặt chẽ của hai bên, chanh leo trở thành loại trái cây thứ 5 được xuất chính ngạch sang Australia, cùng với xoài, nhãn, vải thiều và thanh long.
Thị trường thế giới hiện có nhu cầu cao, nên 80% sản lượng chanh leo tươi và chế biến của nước ta được xuất khẩu. Theo đó, Việt Nam nằm trong số các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil, Colombia, Ecuador và Peru.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Việt Nam có tiềm năng và lợi thế về trái cây nhiệt đới. Riêng quả chanh leo đã được xuất khẩu sang 20 quốc gia, dưới nhiều dạng như quả tươi, đông lạnh và nước ép.
TIẾP THỊ TRÁI CÂY TẠI THỊ TRƯỜNG TỶ DÂN
Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc tổ chức Lễ hội Trái cây lần thứ nhất tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), dự kiến diễn ra ngày 29-30/9/2024, với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp nông sản lớn của Việt Nam và các hiệp hội chuyên ngành nông sản, nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Chỉ 2 tuần trước, trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ vào ngày 27/8/2024, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với ông Hafemeister, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ và đại diện các cơ quan hữu quan của bộ này. Hai bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng trong việc đưa chanh leo Việt Nam vào Mỹ.
Là loại trái cây kém thâm niên xuất khẩu hơn nhãn, xoài, thanh long…, nhưng thời gian qua, chanh leo đã có bước tiến dài sang các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao. Giữa năm 2022, chanh leo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng sản xuất, nâng cao kim ngạch.
Đến nay, chanh leo Việt Nam đã được xuất khẩu sang những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ.
Trong 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo tăng hơn 300% và luôn nằm trong Top 10 loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chanh leo đạt hơn 222 triệu USD. Việc mở cửa được các thị trường lớn sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh trong thời gian tới.
Diện tích trồng chanh leo ước hơn 12.000 ha, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên đang có xu hướng mở rộng diện tích trồng loại cây này. Sản lượng chanh hiện đạt 200.000 tấn/năm.
Trong nỗ lực đưa các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, ít hôm trước, nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc được ký kết. Việc này tiếp tục mở ra triển vọng xuất khẩu lớn cho ngành rau quả.
Sầu riêng đông lạnh, bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ) là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, tạo giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.
Nhiều quốc gia tăng mua nông sản Việt
Tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả mang về hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đã nổi lên là nhà cung ứng rau quả nhiệt đới với những mặt hàng đạt doanh số tỷ USD, như thanh long và sầu riêng. Các loại quả như xoài, chanh leo… cũng mang về vài trăm triệu USD mỗi năm.
Rất nhiều quốc gia tăng mua rau quả từ Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất, nhập khẩu gần 2,5 tỷ USD rau quả từ Việt Nam (số liệu 7 tháng), tăng 25% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Mỹ và Hàn Quốc với kim ngạch lần lượt là 189 và 188 triệu USD, tăng 31% và 51%. Gây bất ngờ nhất là Thái Lan, khi chi 123 triệu USD để nhập rau quả Việt trong 7 tháng đầu năm, tăng hơn 70% so với cùng kỳ.
Bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho hay, Thái Lan tăng cường thu mua nhãn, vải và sầu riêng Việt Nam nhờ chất lượng vượt trội.
Ngoài sầu riêng, các tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan cũng nhập khẩu thanh long, nhãn và vải thiều từ Việt Nam để bán tại các hệ thống siêu thị của họ. Sản lượng nhập khẩu từ Việt Nam của các công ty này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần vào sự tăng trưởng đột biến về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 30/7/2024, tổng diện tích trồng cây ăn quả của Việt Nam đạt khoảng 1,29 triệu héc-ta, tăng khoảng 20.000 ha so với năm 2023. Thời điểm này, nhiều loại trái cây bước vào chính vụ, như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải..., tạo ra lượng hàng hóa lớn cho cả xuất khẩu tươi và chế biến sâu.
Từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc khai thác tốt thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả nước ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng lớn như Hàn Quốc.
Đặc biệt, từ tháng 8/2024, doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu trái bưởi tươi sang thị trường Hàn Quốc. Đây là loại quả tươi thứ ba của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Tín hiệu đơn hàng xuất khẩu từ nay đến hết năm đang rất tích cực. Trong đó, các thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… đều tăng nhập khẩu từ các nhà cung ứng Việt, hứa hẹn gia tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong những tháng cuối năm và các năm tới. Dự báo, rau quả Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm 2024.