Xuất khẩu nông sản vào thị trường Halal ASEAN
Với hơn 240 triệu người Hồi giáo, khu vực ASEAN đang là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm Halal, nhất là trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm chế biến. Đây cũng được coi là 'cửa ngõ' quan trọng để nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng Halal quốc tế.

Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (tỉnh Ðồng Tháp) đầu tư dây chuyền đóng gói gạo hiện đại phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: ANH TUẤN)
Hiện nay, trong ASEAN, các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore là thị trường nhập khẩu nhiều nhất nông sản, thực phẩm Halal với các mặt hàng chính như: gạo, rau củ, trái cây, hạt điều, cà-phê, ca-cao, thủy sản…
Cơ hội lớn từ nhu cầu thiết yếu
Trong hệ sinh thái Halal, nông sản và thực phẩm chế biến là lĩnh vực nền tảng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị thị trường Halal toàn cầu. Khu vực ASEAN cũng đang ngày càng gia tăng nhu cầu về sản phẩm Halal, cộng với khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển đang tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia Phạm Thế Cường cho biết: Indonesia là quốc gia có đến 87% dân số là người Hồi giáo cho nên cũng là thị trường tiêu thụ các sản phẩm Halal lớn nhất ASEAN. Quy mô thị trường Halal Indonesia dự báo đạt 282 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 11,34% chi tiêu sản phẩm Halal toàn cầu. Doanh thu từ ngành thực phẩm và đồ uống của Indonesia cũng tăng trưởng khá nhanh, dự báo năm 2026 đạt 360,5 tỷ USD với các sản phẩm chính như rau quả, thịt, các loại hạt, thực phẩm chế biến, gia vị…
Những năm qua, hàng hóa Việt Nam từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Indonesia với kim ngạch xuất khẩu gia tăng là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào phân khúc sản phẩm Halal. Hiện đã có đường bay kết nối thẳng giữa Việt Nam và Indonesia nên rất thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản cần thời gian vận chuyển nhanh để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Tại thị trường Malaysia, Thương vụ Việt Nam thông tin, Malaysia là đất nước đa sắc tộc, trong đó người theo đạo Hồi chiếm đa số. Trong năm 2024, nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Malaysia, điển hình là gạo, rau quả, cà-phê.
Những năm qua, Malaysia rất tích cực trong phát triển ngành Halal, với hệ thống chứng nhận nổi tiếng JAKIM. Hiện, chứng chỉ Halal không phải là yêu cầu bắt buộc đối với hàng nhập khẩu vào Malaysia nhưng nhiều nhà nhập khẩu ưu tiên sản phẩm có chứng chỉ Halal để đáp ứng nhu cầu của phần đông người tiêu dùng sở tại.
Ngoài ra, thị trường nông sản Halal tại Singapore hiện là một ngách nhỏ nhưng tiềm năng cao nhờ nhu cầu tiêu dùng chất lượng và vị thế trung chuyển khu vực. Nhu cầu thực phẩm Halal không chỉ đến từ người Hồi giáo, mà còn mở rộng sang nhóm khách hàng quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm và đạo đức tiêu dùng. Đây cũng là “cửa ngõ” để sản phẩm Halal của Việt Nam vào các hệ thống phân phối Halal khu vực và toàn cầu.
Tại Philippines, Tham tán thương mại Phùng Văn Thành cho biết, đây là nước có dân số theo đạo Hồi lớn thứ ba tại Đông Nam Á với mức tiêu dùng lớn các sản phẩm Halal. Giai đoạn 2020-2024, hằng năm Philippines nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tiêu chuẩn Halal với giá trị hơn 100 triệu USD từ các thị trường chính là Mỹ, New Zealand, Ấn Độ. Đáng chú ý, nhập khẩu từ các nước ASEAN chỉ chiếm khoảng 2% cho nên đây là thị trường còn nhiều dư địa cho Việt Nam khai thác.
Tăng sự hiện diện hàng Halal tại hệ thống bán lẻ
Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, để các sản phẩm Halal của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này thì giải pháp hữu hiệu là thông qua nhà phân phối nội địa để tiếp cận với hệ thống các cửa hàng tạp hóa truyền thống (chiếm 50% doanh số bán lẻ) và hệ thống siêu thị (40% doanh số bán lẻ) với các siêu thị lớn: Hypermart, Carrefour Transmart, Giant, Lotte Mart, Superindo, Food Mart, Hero, Food Hall, Ranch Market. Đồng thời tham gia mạnh hơn nữa vào thương mại điện tử. Indonesia hiện là một trong những nước đứng đầu ASEAN về giá trị giao dịch thương mại điện tử với các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tokopedia, Lazada, TikTok shop…
Tại thị trường Malaysia, Tham tán thương mại Lê Phú Cường cho biết: Các doanh nghiệp Việt Nam cần có đầu mối giao thương với một số doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp sản phẩm thực phẩm có chứng chỉ Halal, gồm: các doanh nghiệp có hệ thống bán lẻ lớn như NSK Trade City, Mydin, Ecoshop; các doanh nghiệp nhập khẩu phân phối lớn: Berjaya Food, LS Sales and Marketing Sdn. Bhd., Tian An Sdn.Bhd, Daiana Sdn. Bhd... Ngoài ra, thường xuyên quan tâm đến các hội chợ thường niên tại Malaysia như: MIHAS-Malaysia International Halal Showcase tổ chức vào tháng 9 hằng năm; Hội chợ Quốc tế Halal tháng 6 hằng năm. Các hội chợ hàng thực phẩm chế biến và đồ uống tại Malaysia thường ưu tiên sản phẩm có chứng chỉ Halal như: MIFB 2025; Selangor Summit (giữa tháng 10/2025); Tuần lễ hàng Việt tại các trung tâm thương mại AEON tại Kuala Lumpur, Penang, Johor; Thiết lập quan hệ với hệ thống phân phối lớn sở tại để kết nối doanh nghiệp trực tiếp với các hệ thống phân phối, bán lẻ và mời các doanh nghiệp tham gia chương trình người mua hàng tại các hội chợ của Việt Nam.
Cùng quan điểm, ông Cao Xuân Thắng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng nhấn mạnh vào việc tham gia các hội chợ để mở rộng giao thương hàng hóa Halal tại thị trường ASEAN. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tăng cơ hội hợp tác mới. “Trong tháng 5 năm 2025, Thương vụ Việt Nam tại Singapore phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Thương mại Halal Việt Nam Singapore 2025. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Halal của Việt Nam và Singapore mở rộng giao lưu, hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong bối cảnh thị trường Halal toàn cầu đang có sự phát triển nhanh chóng”, ông Thắng thông tin thêm.