Xuất khẩu lao động thay đổi tư duy thoát nghèo

Với mong muốn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, những năm gần đây, xuất khẩu lao động trở thành một 'phong trào thoát nghèo' trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Xuất khẩu lao động - Con đường thoát nghèo

Mường Lát là một trong số 73 huyện nghèo của cả nước, thu ngân sách năm 2023 của huyện chỉ đạt hơn 9 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng chi ngân sách thường xuyên (tiền lương, chế độ chính sách…) là hơn 400 tỷ đồng.

 Nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang được xây dựng

Nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang được xây dựng

Những năm trước, đồng bào các dân tộc ở đây quanh năm nghèo đói, lạc hậu tuy nhiên, vài năm trở lại đây, địa phương này đã có sự thay đổi đáng kể về đời sống kinh tế. Nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang được xây dựng hai bên đường ở bản Pùng, bản Xim, bản Sáng... đã thể hiện sự chuyển mình trong đời sống của người dân Mường Lát.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Mường Lát có hơn 100 người đang đi xuất khẩu lao động. Quang Chiểu là địa phương có người xuất khẩu lao động đầu tiên của huyện Mường Lát và hiện số công dân xuất khẩu lao động cũng nhiều nhất huyện với số lượng 50 người đang làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Năm 2023, tổng số tiền công dân địa phương này gửi về nước ước đạt 80 tỷ đồng. Những gia đình có người đi xuất khẩu lao động, có đời sống kinh tế khá giả hơn nhiều so với những gia đình khác. Xuất khẩu lao động đang giúp nhiều gia đình ở địa phương “thoát nghèo”.

Ngỡ ngàng trước căn nhà đang xây của hộ gia đình ông Phan Văn Liều (bản Suối Tút, xã Quang Chiểu) được xây theo dạng nhà mái Thái trị giá gần 1 tỷ đồng. Nhờ sự tuyên truyền của cán bộ, ông Liều đã tìm cách thoát nghèo rồi động viên cho con trai đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc.

Ông Liều cho biết, con trai đi xuất khẩu lao động mỗi tháng gửi về nhờ bố mẹ giữ 40 triệu đồng; còn vợ chồng ông hiện có 2 ha cam với khoảng hơn 2.000 gốc; 20 con bò, 10 con dê và 5 con lợn. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình cũng thu về khoảng gần 200 triệu đồng.

 Bên cạnh tiền con trai gửi về, ông Liều còn trồng cam, chăn nuôi với mục tiêu thoát nghèo

Bên cạnh tiền con trai gửi về, ông Liều còn trồng cam, chăn nuôi với mục tiêu thoát nghèo

Còn với hộ gia đình ông Vi Hồng Inh ở bản Pùng, xã Quang Chiểu, có 2 người con trai xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm ăn, gửi tiền về để bố mẹ xây nhà lớn, khang trang, đẹp nhất vùng.

Ông Inh cho biết, người con trai đầu là anh Vi Văn Hiếu (sinh năm 1990) làm công nhân xây dựng, thu nhập từ 70 - 80 triệu/ tháng. Con trai thứ hai là anh Vi Văn Hào (sinh năm 1996) cũng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, mỗi tháng thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/tháng.

Ông Inh phấn khởi cho biết: "Hằng tháng, các con tôi đều gửi tiền về. Số tiền này tôi dùng để trả nợ và sửa sang nhà cửa, mua sắm thêm các thiết bị trong gia đình. Nhờ có số tiền các con gửi về mà cuộc sống của gia đình tôi thay đổi rất nhiều so với trước đây".

 Nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang được xây dựng hai bên đường

Nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang được xây dựng hai bên đường

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Mường Lát vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu nhờ xuất khẩu lao động. Giờ đây, xuất khẩu lao động đã trở thành con đường thoát nghèo được nhiều thanh niên vùng cao Mường Lát lựa chọn.

Nhiều chính sách hỗ trợ người dân

Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho hay, những năm trở lại đây, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương đã có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, một phần do địa phương làm tốt công tác xuất khẩu lao động nên hàng năm, lượng ngoại hối chuyển về địa phương tăng lên nhiều.

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Nhiều lao động sau khi xuất khẩu có công việc ổn định, chỉ sau thời gian không lâu đã trả xong số tiền vay ngân hàng và còn gửi tiền về cho gia đình.

 Xuất khẩu lao động đang giúp nhiều gia đình ở địa phương “thoát nghèo”

Xuất khẩu lao động đang giúp nhiều gia đình ở địa phương “thoát nghèo”

Những thanh niên nghèo quyết định đi xuất khẩu lao động khi trở về không chỉ có cuộc sống tốt hơn mà còn giàu kỹ năng, kiến thức nhưng cái được lớn nhất chính là họ đã thay đổi được tư duy cũ, đem tư duy mới trong sản xuất, kinh doanh về để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Được biết, nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động đối với nhóm hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách rất thiết thực. Mức cho vay căn cứ theo nhu cầu của các đối tượng, tối đa là 100% số tiền đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng giữa người lao động với đơn vị thực hiện hoặc cho ký quỹ theo quy định với lãi suất 0,55%/tháng.

Qua theo dõi ở địa phương, đa phần những người vay đều có cơ hội thay đổi cuộc sống, phát triển kinh tế theo hướng tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày một giảm.

 Diện mạo xã nghèo dần được thay đổi từ tư duy thoát nghèo của người dân

Diện mạo xã nghèo dần được thay đổi từ tư duy thoát nghèo của người dân

Xuất khẩu lao động không những tăng nguồn thu nhập cho người dân và quan trọng hơn còn làm thay đổi nhận thức, tư duy của người lao động khi hết thời hạn trở địa phương. Đây thực sự là “luồng sinh khí mới” giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nhất là góp phần đào tạo lao động có tay nghề cho lao động miền đất nghèo.

Để tiếp tục đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đến người lao động trên địa bàn có nhu cầu làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các huyện nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, thực hiện rà soát, lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm để đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hóa cho người lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài...

Những đồng ngoại tệ từ lao động xuất khẩu đã được gửi về giúp nhiều gia đình vùng cao dần ổn định cuộc sống. Từ đó, người dân vùng cao Mường Lát đang dần thay đổi tư duy "trông chờ, ỷ lại", mạnh dạn đi ra khỏi bản làng để tìm con đường thoát nghèo.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xuat-khau-lao-dong-thay-doi-tu-duy-thoat-ngheo-post306739.html
Zalo