Xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững

Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã góp phần làm thay đổi tư duy, trình độ sản xuất của người lao động. Từ đó giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Thực hiện chủ trương này, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập để người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.

Hướng đi đúng đắn

Xuất khẩu lao động là một hướng đi đúng đắn giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Từ thực tế này, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể gắn với tình hình thực tiễn, trong giai đoạn mới. Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Đoàn công tác của tỉnh trong thời gian qua đã có những chuyến đi đến các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… để kêu gọi, kết nối đầu tư và đề xuất tiếp nhận lao động Tuyên Quang đến làm việc. Gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã tìm đến Tuyên Quang để hợp tác, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh đoàn, UBND huyện Sơn Dương tổ chức Phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối người lao động với doanh nghiệp, trong đó có xuất khẩu lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh đoàn, UBND huyện Sơn Dương tổ chức Phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối người lao động với doanh nghiệp, trong đó có xuất khẩu lao động.

Ông Iri Kazuaki, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dentsu Kensetsu Nhật Bản trong chuyến làm việc tại tỉnh đã đánh giá, Tuyên Quang là địa phương có tiềm năng phát triển với nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động dồi dào. Ông cũng cảm ơn tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức những cuộc gặp gỡ và làm việc để các doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội đầu tư hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực tuyển dụng lao động. Hiện nay, công ty đang cần khoảng gần 10.000 lao động làm việc tại Nhật Bản với mức thu nhập ổn định, có thể đạt tới 48 triệu đồng/người/tháng nếu là lao động có tay nghề kỹ thuật cao. Do vậy, thị trường Tuyên Quang với lực lượng lao động dồi dào, chất lượng luôn được công ty đặc biệt quan tâm.

Xác định xuất khẩu lao động là hướng đi hiệu quả, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai các kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm để kết nối người lao động với các doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Đồng thời phối hợp với UBND các huyện tổ chức các hội nghị đánh giá và triển khai giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài; đẩy quan hệ hợp tác với địa phương các nước để tìm hướng đi mới cho xuất khẩu lao động; phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả của xuất khẩu lao động... Từ nhiều giải pháp, trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã đưa 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các lao động đã chuyển về nước trên 554 tỷ đồng. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từng bước nâng cao chất lượng lao động

Xuất khẩu lao động không chỉ mang tiền về cho gia đình, mà còn từ kinh nghiệm thực tiễn đóng góp thiết thực vào xây dựng phát triển quê hương. Thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong thanh niên, người dân từng đi xuất khẩu lao động.

Người lao động trên địa bàn tỉnh tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động tại Ngày hội việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tổ chức.

Người lao động trên địa bàn tỉnh tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động tại Ngày hội việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang tổ chức.

Như trường hợp của anh Phạm Thanh Hải ở thôn Đồng Ván, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Singapore về đã tích lũy được nguồn vốn và nhiều kinh nghiệm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh bên nước bạn. Anh đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh các thiết bị điện tử, điện lạnh và với cung cách phục vụ chuyên nghiệp, chế độ bảo hành uy tín nên đã trở thành địa chỉ tin cậy của khách hàng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Hải chia sẻ: “Trước khi xuất khẩu lao động anh đã tìm hiểu thật kỹ để tránh bị lừa và chọn đi lao động thông qua ký kết hợp đồng với một công ty có uy tín về lĩnh vực xuất khẩu lao động ở Hà Nội. Khi làm việc ở nước ngoài anh luôn nỗ lực làm việc và chấp hành tốt quy định của chính quyền sở tại. Anh luôn xác định phải giữ hình ảnh của lao động Việt Nam để tạo uy tín cho các lao động sang sau”.

Trường hợp anh Vũ Mạnh Ba ở phường An Tường (TP Tuyên Quang) sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp Công nghệ ô tô tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, đầu năm 2024 anh đã đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản với mức thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/tháng. Anh Ba cho biết: “Việc học nghề trước khi đi xuất khẩu là rất quan trọng vì đã giúp anh tích lũy được nhiều kiến thức, có tay nghề, tác phong công nghiệp. Đặc biệt, học nghề xong sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, sang bên nước ngoài cũng được chủ sử dụng lao động đánh giá cao hơn, mức thu nhập cũng cao hơn”.

Nhờ những giải pháp được triển khai hiệu quả, số lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng ngày càng tăng. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có hơn 900 người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại nước ngoài, đạt 112,5% kế hoạch năm. Người lao động của tỉnh sang làm việc tập trung chủ yếu ở thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu. Sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu lao động đã mở ra cơ hội về giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống tại nhiều vùng nông thôn.

Để tiếp tục đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đến người lao động trên địa bàn có nhu cầu làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các huyện nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Thực hiện rà soát, lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm để đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hóa cho người lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài... Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xuat-khau-lao-dong%C2%A0gop-phan-giam-ngheo-ben-vung-195844.html
Zalo