Xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy nhưng không phải duy nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác như đầu tư, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, các ngành mới nổi.
Theo đó, phát biểu tại Hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế (chiều tối 7/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong "bộ tứ chiến lược" theo các nghị quyết, chủ trương của Đảng gồm: (1) đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (2) sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; (3) phát triển khu vực kinh tế tư nhân; (4) hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong "bộ tứ chiến lược" theo các nghị quyết, chủ trương của Đảng.
Đáng chú ý, Thủ tướng đã phân tích, nhấn mạnh những quan điểm, tư tưởng mới rất quan trọng trong Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị mà các cơ quan, bộ ngành, địa phương, các cơ quan đại diện phải tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả.
Cụ thể, cùng với quốc phòng, an ninh, "đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế" được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; kế thừa các nguyên tắc, phương châm đúng đắn đã được chứng minh trong 40 năm đổi mới và hội nhập; tinh thần lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá; hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hợp tác để đấu tranh, đấu tranh để hợp tác, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế...
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ kế hoạch triển khai Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị và những tư tưởng chỉ đạo mới của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà tạo lực, tạo thế để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới để đạt 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Về tình hình mới trong thương mại quốc tế, trong đó có chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh, việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan mới sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, trong đó có nước ta, song tình hình tuy có khó khăn, thách thức nhưng vẫn không khó khăn bằng những năm đầu đổi mới và càng không khó khăn bằng thời kỳ kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bị bao vây, cấm vận.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tái cấu trúc thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, vươn lên mạnh mẽ hơn, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành làm công tác quy hoạch; đàm phán mở rộng thị trường; bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng về chính sách và nguồn lực; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa; đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp…
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải bám sát, nắm chắc tình hình, đề xuất các giải pháp, kết nối nền kinh tế nước ta với nước sở tại, khu vực sở tại, đặc biệt là kết nối doanh nghiệp, đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, kết nối doanh nghiệp gồm kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn; thường xuyên trao đổi với các hiệp hội ngành hàng, địa phương trong nước.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Với chính sách thuế của Hoa Kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước, trong đó có Hoa Kỳ, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, tăng cường đối thoại, đàm phán, không đối đầu, không gây căng thẳng, không làm phức tạp vấn đề, lựa chọn cách tiếp cận thông minh, tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo, cố gắng làm những việc có thể làm, lựa chọn phương án hiệu quả nhất, cân bằng, hài hòa lợi ích hai bên, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền, tự chủ, vị thế đất nước.
Thủ tướng nêu rõ các giải pháp phải gồm cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, cả trước mắt và lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại, có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có diện rộng và trọng điểm…

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, cho đến nay đã có khoảng 50 quốc gia đề nghị được đàm phán với Hoa Kỳ song Việt Nam là một trong những nước có phản ứng sớm nhất và là nước đầu tiên có trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất, đặt nền tảng quan trọng cho quá trình đàm phán song phương tới đây.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác như đầu tư, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, các ngành mới nổi; Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là thị trường duy nhất, chúng ta còn nhiều thị trường rất tiềm năng khác cần tận dụng hiệu quả hơn, nhất là khai thác 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới.
Mong muốn các cơ quan đại diện tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, trách nhiệm cao nhất trong bối cảnh mới, Thủ tướng nêu rõ tất cả đều phải nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, thiết thực, hiệu quả hơn nữa, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược về ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.