Xuất khẩu hàng hóa vùng ven biển có nhiều điểm sáng
Trước bối cảnh kinh tế thế giới hiện có nhiều biến động, tình hình xuất khẩu hàng hóa tại địa bàn ven biển tỉnh Lâm Đồng vẫn tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tại khu vực này ước đạt 455,1 triệu USD, tăng gần 30% so cùng kỳ năm ngoái và thể hiện mức tăng trưởng rất khả quan. Trong đó nhóm hàng thủy sản đóng góp 117,2 triệu USD (tăng 16,13%), nhóm hàng nông sản ước thực hiện 19,3 triệu USD (tăng gấp 2,9 lần, riêng mặt hàng thanh long đạt 6,8 triệu USD và tăng hơn 30% so với cùng kỳ). Đối với nhóm hàng hóa khác vẫn giữ vai trò “đầu tàu” khi tham gia xuất khẩu đem về cho địa phương khoảng 318,6 triệu USD (tăng hơn 31%), trong đó mặt hàng giày dép xuất khẩu tăng gấp 2,6 lần so cùng kỳ năm 2024…

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của doanh nghiệp tại địa bàn ven biển tỉnh Lâm Đồng.
Cùng thời gian, các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của địa bàn này tiếp tục được giữ vững và có chiều hướng phát triển tích cực. Đối với thị trường châu Á tăng hơn 18%, châu Âu tăng 76,75%, châu Mỹ tăng 62,23%, trong khi thị trường châu Phi và châu Đại Dương cũng duy trì mức tăng khá so cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu có nhiều điểm sáng trên đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, chế biến một số sản phẩm liên quan duy trì mức tăng đáng ghi nhận. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2025, sản phẩm giày dép tại khu vực này đạt sản lượng hơn 3 triệu đôi, tăng gấp 2,06 lần so cùng kỳ, còn với bộ Jacket đạt sản lượng 4,755 triệu cái, tăng 16,75% so với cùng kỳ. Đối với thịt cá đông lạnh đạt sản lượng 6.869,6 tấn (tăng gần 10%), tôm đông lạnh ước đạt 953,9 tấn (tăng 50%), sản phẩm thức ăn cho gia súc đạt 124.690 tấn (tăng 9,75%)…
Theo ngành chức năng cho biết, đến nay, hàng hóa tại khu vực ven biển tỉnh đã xuất khẩu trực tiếp đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó chủ yếu là Nhật Bản (các mặt hàng thủy sản và hàng may mặc, sản phẩm giấy), Hoa Kỳ (tôm đông lạnh, cá đóng hộp, giày dép, đồ gỗ nội thất), Đài Loan (hàng may mặc), Hàn Quốc (mực và bạch tuộc đông lạnh, mực khô). Bên cạnh đó còn có Campuchia, Philippines (nguyên liệu chế biến thức ăn cho chăn nuôi) và một số nước châu Âu như Đức, Anh, Ý (tiêu thụ các mặt hàng thủy sản, đồ gỗ, giày dép)…
Được biết, các doanh nghiệp xuất khẩu tại địa phương đã không ngừng nỗ lực và nâng cao uy tín thương hiệu, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện ở địa bàn ven biển của tỉnh đã có 5 doanh nghiệp được Bộ Công thương công nhận doanh nghiệp xuất khẩu uy tín gồm: Công ty Cổ phần May Bình Thuận - Nhà Bè, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Phan Thiết, Công ty TNHH Thông Thuận, Công ty TNHH Hải Nam, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Thành Phát.
Sau sáp nhập, Sở Công thương Lâm Đồng đã tiến hành đánh giá, phân tích các nhóm nhiệm vụ để tập trung triển khai trong nửa cuối năm 2025 và thời gian tới, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh đạt từ 8% trở lên. Liên quan vấn đề này, ngành sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thế giới để hỗ trợ cung cấp thông tin đến doanh nghiệp xuất khẩu và triển khai các hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa địa phương. Đồng thời tích cực hỗ trợ quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm và cung cấp thông tin thị trường, đánh giá tác động từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội xuất khẩu hàng hóa…