Xuất khẩu gỗ 2025: Thị trường Mỹ tiếp tục là điểm sáng

Một báo cáo do MBS vừa công bố nhận định, thị trường Mỹ sẽ tiếp tục là điểm sáng của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam năm 2025. Ngược lại, nhu cầu có thể sẽ suy giảm từ thị trường Trung Quốc và EU.

Tháng 12/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng 17,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước (YoY). Sự tăng trưởng của tháng 12 góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 16,28 tỷ USD trong cả năm 2024, tăng 20,9% YoY, vượt mục tiêu 15,2 tỷ USD cho cả năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO).

Ngày 8/1, một báo cáo do MBS Research công bố nhận định rằng, bước sang năm 2025, ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động từ các yếu tố như nhu cầu thị trường Mỹ tăng trưởng, nhu cầu từ Trung Quốc và EU có tiếp tục suy giảm, giá gỗ có xu hướng ổn định...

Nhu cầu từ thị trường Mỹ

Theo báo cáo, năm 2025, Mỹ sẽ tiếp tục là một thị trường sáng sủa cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam, đặc biệt là khi thị trường nhà ở của nước này phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm nay.

Lãi suất cho vay mua nhà 30 năm tại Mỹ đã tăng nhẹ 0,08% vào giữa tháng 12/2024 lên 6,75%. Tuy nhiên, theo dự phóng của Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp (MBA), việc FED tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm lãi suất trong năm 2025 sẽ tạo dư địa cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà 30 năm tại Mỹ.

Mặc dù sẽ khó quay trở lại mức 6%, nhưng MBA dự đoán lãi suất cho vay mua nhà 30 năm tại Mỹ sẽ hạ nhiệt và giảm về mức 6,4% (giảm 0,35% so với hiện tại) vào cuối năm 2025, giúp vực dậy thị trường nhà ở. Đặc biệt giấy phép xây dựng nhà ở tại Mỹ, tuy chưa quay trở lại mức cao trong năm 2022, nhưng đã có dấu hiệu chững đà giảm và phục hồi trong tháng 12/2024 khi tăng nhẹ 5,2% so với cuối tháng 11.

Trích dẫn các nhận định trên, MBS cho rằng thị trường nhà ở tại Mỹ sẽ phục hồi, số nhà mới bán được sẽ cải thiện hơn vào nửa cuối năm 2025, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ.

Ảnh: MBS Research

Ảnh: MBS Research

Thị trường Trung Quốc và EU

Tại thị trường Trung Quốc, năm 2024, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gặp nhiều khó khăn, chủ yếu tới từ khủng hoảng bất động sản và nhu cầu yếu trong nước. Do vậy, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách và mạnh tay cắt giảm lãi suất chính sách 3 lần trong năm 2024 để hỗ trợ tăng trưởng.

MBS đánh giá, với kế hoạch cắt giảm lãi suất của FED trong năm 2025, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ thực hiện các biện pháp tương tự để vực dậy đà tăng trưởng kinh tế tại nước này và dự kiến sẽ hạ lãi suất về mức 3,05% vào cuối năm 2025.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Trung Quốc hiện vẫn đối mặt với nhiều bài toán kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu và thị trường bất động sản chậm sẽ tiếp tục tạo trở ngại cho tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước này trong năm 2025.

Mặc dù Trung Quốc được dự kiến sẽ đưa ra nhiều giải pháp để ổn định và ngăn chặn sự suy giảm trên thị trường bất động sản trong năm 2025 nhưng MBS cho rằng các biện pháp trên sẽ chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt trong ngắn hạn. Với việc Trung Quốc hiện tại đang là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam, việc kinh tế của nước này tiếp tục khó khăn sẽ dẫn tới sức mua của người dân suy giảm, khiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu như đồ nội thất gỗ chưa thể phục hồi.

Tại thị trường EU, khu vực này dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với những “cơn gió ngược” từ việc suy giảm năng suất lao động đến những căng thẳng địa chính trị của các nước trong khu vực.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp, khi cho rằng khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu, với mức tăng trưởng lần lượt là 0,7% (giảm 0,4% so với dự báo trước đó) và 0,9% (giảm 0,3% so với dự báo trước đó).

Hiện tại thị trường EU chiếm 3,3% thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. MSB dự báo, nhu cầu tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ tại khu vực này dự báo chưa có nhiều cải thiện so với năm 2024.

Giá gỗ thế giới có xu hướng ổn định trong trung hạn

MBS đánh giá, với kế hoạch cắt giảm lãi suất của FED và những diễn biến thị trường nhà ở tại Mỹ, giá gỗ toàn cầu sẽ chịu áp lực điều chỉnh theo hướng phục hồi tích cực vào nửa sau năm 2025. Giá bán trung bình của các sản phẩm gỗ cũng từ đó sẽ được hưởng lợi và tăng tương ứng, thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Sau đợt biến động mạnh của hai năm 2021 và 2022, giá gỗ thế giới trong trung hạn có xu hướng biến động tương đối ổn định quanh mức giá trung bình 510 USD/1000 board feet, giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro từ biến động giá nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc giá gỗ thế giới có xu hướng biến động ổn định hơn giúp các doanh nghiệp dễ dàng lập kế hoạch sản xuất, cân đối chi phí nguyên liệu tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường chính.

Ảnh: MBS Research

Ảnh: MBS Research

MBS nhận định giá gỗ thế giới trong thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định và biến động xung quanh 510 USD/1000 board feet, từ đó các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể đầu tư vào máy móc và công nghệ, tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sản phẩm nội thất gỗ, gia tăng sức cạnh tranh tại các thị trường lớn và tối ưu hóa được biên lợi nhuận.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xuat-khau-go-2025-thi-truong-my-tiep-tuc-la-diem-sang-37323.html
Zalo