Xuất khẩu gạo đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội và thách thức

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu, màu mỡ được đánh giá là vựa lúa của cả nước. Do đó, xuất khẩu gạo đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của vùng và cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp trên 90% lượng gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp trên 90% lượng gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Đóng góp quan trọng vào thị trường xuất khẩu

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó vùng ĐBSCL 7,6 triệu tấn. Tính chung đến nay, vùng ĐBSCL đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành Nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo của vùng chủ yếu qua các thị trường truyền thống trọng điểm như: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Bờ biển Ngà; các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Liên bang Nga và các thị trường khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á như: Nam Phi, Algerie, Angola, các Tiểu vương quốc Ả - Rập Thống nhất...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, tình hình sản xuất trồng trọt từ đầu năm đến nay cho thấy, sức sản xuất ngành lúa gạo tăng mạnh và dự kiến giá trị xuất khẩu vượt kỳ vọng 5 tỷ USD cả năm. Đặc biệt, tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông ĐBSCL năng suất lúa, gạo tăng cao mặc dù diện tích gieo trồng giảm so với năm 2023.

Tổng diện tích gieo trồng lúa 3 vụ/năm ở ĐBSCL năm 2024 ước khoảng 3,8 triệu ha, sản lượng lúa hơn 24 triệu tấn, năng suất hơn 63 tấn/ha. Tại vùng, diện tích sản xuất lúa giảm hơn 16.000 ha so với năm 2023, nhưng sản lượng lại tăng hơn 11.000 tấn, bảo đảm cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Đáng nói, năm 2024, một số địa phương ở ĐBSCL đã triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vừa giúp nông dân tăng lợi nhuận hơn 20%, vừa giảm phát thải 5 - 10 tấn CO2 tương đương/ha so với ngoài mô hình. Đến nay ĐBSCL đã triển khai 7 mô hình (tổng cộng 333,5 ha) trong vụ hè thu 2024 tại 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Tỉnh An Giang đã khởi động xuống giống diện tích tham gia đề án 15 ha đầu tiên tại huyện Phú Tân vào ngày 12/8. Long An cũng đã xuống giống 1 mô hình 20 ha tại huyện Tân Hưng và chuẩn bị kế hoạch xuống giống 7 mô hình trong vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024 - 2025.

Là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước, mỗi năm sản lượng lúa của Kiên Giang đạt tới 4,3 triệu tấn. Năm 2023, toàn tỉnh có 1.334 cánh đồng lớn, tăng 641 cánh đồng so với năm 2022, với diện tích 167.225,69 ha, tăng 57.893,69 ha so năm 2022, trong đó có 1.026 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, tăng 524 cánh đồng so với năm 2022, với diện tích 120.696,58 ha, tăng 46.257,58 ha so với năm 2022. Mặt hàng gạo của tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp xuất khẩu qua 12 thị trường quốc tế với sản lượng trên 590.000 tấn. Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 304,42 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của tỉnh đạt 185,33 triệu USD.

Bà con nông dân xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024 (Ảnh: Hội nông dân tỉnh)

Bà con nông dân xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024 (Ảnh: Hội nông dân tỉnh)

Từ năm 2024, tỉnh thực hiện đưa 60.000 ha vào sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Quy mô diện tích đăng ký tham gia 200.000 ha, được chia thành 2 giai đoạn, triển khai trên địa bàn 12 huyện, thành phố: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và TP Rạch Giá.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều doanh nghiệp của vùng ĐBSCL đã tham gia cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào cho sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân nằm trong đề án. Hiện tại, lúa gạo Việt Nam có nhiều giống được đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới với đặc tính dẻo thơm, là tiềm năng, lợi thế rất lớn nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Dự báo, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL.

Nâng cao chất lượng lúa gạo theo chuỗi giá trị góp phần phát triển bền vững ngành xuất khẩu gạo ĐBSCL

Tại Kiên Giang, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, kết nối giữa người nông dân với doanh nghiệp để tạo nguồn sản xuất lúa bền vững đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu lúa gạo.

Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình thỏa thuận hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Maxxgro (TP Cần Thơ) về hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học trong hội viên, nông dân.

Hội cũng đã ký kết hợp tác với các Công ty Lộc Trời, Trung An, Sunrice, Vạn Hưng… nhằm kết nối với người dân góp phần gia tăng giá trị thương hiệu và kim ngạch xuất khẩu gạo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Nhận định về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân trong xuất khẩu lúa gạo, ông Nguyễn Thanh Tuấn, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp quốc gia năm 2024, người đang sản xuất kinh doanh lúa DS1 trên diện tích 500 ha tại xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, cho biết: Giá lúa tươi hiện nay đã lên hơn 8.000 đồng/kg. Rõ ràng nông dân đang có lợi, cơ hội xuất khẩu gạo đang lớn nhưng hiện vẫn có một số doanh nghiệp thu mua lúa báo lỗ.

Lễ ra mắt Tổ hợp tác “Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa” Chi hội Nông dân ấp Phước Nghiêm, Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao. (Ảnh: Hội nông dân tỉnh)

Lễ ra mắt Tổ hợp tác “Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa” Chi hội Nông dân ấp Phước Nghiêm, Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao. (Ảnh: Hội nông dân tỉnh)

Theo ông Tuấn, doanh nghiệp thu mua lỗ vì mua bán trên thị trường mà không gắn kết với người sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chưa thỏa thuận với nông dân để có nguồn hàng đã đi ký hợp đồng thì rủi ro xảy ra lỗ là đương nhiên.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, nhận định, do tập quán kinh doanh lúa gạo của Việt Nam, nhà máy mua lúa của người dân chủ yếu qua thương lái, cò, trong khi cơ quan Nhà nước chưa có công cụ quản lý cò và thương lái nên khó điều hành ổn định thị trường, hệ lụy là lợi nhuận không vào tay bà con nông dân mà đọng lại ở khâu cò, lái trung gian nhiều hơn. Đây là thực tiễn và vấn vấn đề nan giải mà cả nước cũng như Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối mặt.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, cho rằng, để có được nguồn hàng ổn định, không thể nào khác doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nông dân trong chuỗi ngành hàng để cùng nhau chia sẻ lợi nhuận. Chỉ có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân mới đảm bảo ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững cho dù thị trường thế giới có biến động thế nào đi nữa.

Trong Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL ngày 6/9/2024, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, nhận định, theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng ĐBSCL cần có định hướng và tầm nhìn phát triển là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Do đó, làm thế nào để xuất khẩu gạo hiệu quả hơn mà vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nâng cao thu nhập cho nông dân là những vấn đề yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước cùng phối hợp và định hướng để doanh nghiệp và nông dân nâng cao tổ chức ngành hàng lúa gạo theo chuỗi giá trị.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, nhận định, để đưa ĐBSCL phát triển xứng tầm thì một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.

Đồng thời thúc đẩy sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua, phân phối, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Việt Nam là một quốc gia sản xuất lúa gạo có trách nhiệm, vừa đảm bảo an ninh lương thực cho mình, vừa góp phần sẵn sàng cung cấp cho nhu cầu của thế giới... Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp và nông dân phối hợp dưới sự định hướng của cơ quan quản lý nhà nước để cùng nhau phát triển bền vững theo cơ chế thị trường và trên thực tế chỉ có xuất khẩu gạo nông dân Việt Nam mới được bảo đảm đủ nguồn lực tài chính để tái sản xuất vụ sau.

Vì vậy, các cấp, các ngành, trong đó có hội nông dân, cần tiếp tục mở rộng công tác tuyên truyền, hỗ trợ cùng các doanh nghiệp có đầu tư cho vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết với nông dân là vấn đề mang tính cốt lõi, đòi hỏi kiên trì, kiên quyết trong được hiện tại tất cả các địa phương nhất là với cơ sở.

Hội Nông dân các cấp của ĐBSCL cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với bà con nông dân xây dựng vùng sản xuất tập trung; xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn chất lượng định hướng xuất khẩu. Có làm được như thế chuỗi ngành hàng đi vào vận hành sẽ tạo lợi nhuận cho tất cả các bên tham gia và cũng là cơ hội đưa hạt gạo vùng ĐBSCL đủ sức xâm nhập sâu vào những thị trường khó tính nhất với giá tốt nhất./.

ThS. Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/xuat-khau-gao-dong-bang-song-cuu-long-co-hoi-va-thach-thuc-a26879.html
Zalo