Xuất hiện nhiều trợ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Bên cạnh việc ngân hàng giảm lãi suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp, đã có thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác để thúc đẩy nền kinh tế khởi sắc. Ngân hàng Nhà nước tin tưởng có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, đến ngày 7/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,15%. Như vậy là tín dụng đang tăng trưởng rất tích cực so với những tháng đầu năm.

Cho vay bán lẻ phục hồi mạnh

Trước đây, động lực tăng trưởng của các ngân hàng chủ yếu đến từ bán lẻ, cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, sau giai đoạn Covid-19, sức mua của người dân suy yếu, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng rất chậm.

Hiện nay, trong bối cảnh sức mua dần tăng trở lại, các ngân hàng đang kỳ vọng cho vay tiêu dùng sẽ lấy lại vị thế động lực. “Ở các nước phát triển trên thế giới, cho vay tiêu dùng chiếm tới 70% tổng dư nợ. Ở nước ta, cho vay tiêu dùng mới chiếm hơn 20% tổng dư nợ là còn quá thấp”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, tín dụng ở nhiều ngân hàng dựa quá lớn vào bất động sản, rất dễ rủi ro. Vì vậy, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là hướng đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Đến ngày 7/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,15%.

Đến ngày 7/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,15%.

“Từ nay đến cuối năm, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh, được dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô”, chuyên gia phân tích MBS Research nhận định.

Theo ghi nhận của VnBusiness, hiện nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Hiện có hơn 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai như gói 20 nghìn tỷ đồng của Agribank, hay gói tín dụng tiêu dùng 20 nghìn tỷ đồng của HD Saison và FE Credit cho vay khách hàng là công nhân lao động.

Tại họp báo Chính phủ ngày 7/9, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm, ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp để hạ lãi suất. Hiện, lãi suất cho vay những khoản mới trung bình 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023.

"Lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm", ông Tú nói, đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, người dân.

Theo nhận định của các chuyên gia, nền kinh tế đang phục hồi, tín dụng tiêu dùng tăng trở lại sẽ là động lực để ngành ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm.

TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn, điển hình từ các chính sách, cơ chế điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân và gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng đang được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của người vay. Cùng với đó, ngân hàng đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất ưu đãi sẽ trở thành động lực thúc đẩy nhu cầu vốn trong những tháng cuối năm.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trong cuối năm

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng đến thời điểm này đã tăng 7,15%.

Đáng chú ý, tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2%; từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực, và tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn.

So sánh với thời điểm này của năm 2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 5,33% nhưng cuối năm vẫn đạt được mục tiêu đặt ra là 13,71%, nên Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Với tốc độ cũng như xu hướng chung của nền kinh tế khởi sắc năm nay, tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mục được đánh giá là rất tích cực, NHNN tin rằng có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%”.

Cũng theo ông Tú, mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, nhưng cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế.

"NHNN ngay từ đầu năm đã đặt ra những nhiệm vụ rất quyết liệt để tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi ra hàng loạt giải pháp, biện pháp rất tích cực với kinh nghiệm từ những năm trước cũng như biện pháp của riêng năm nay", Phó Thống đốc chia sẻ.

Trong đó, NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho tất cả các ngân hàng thương mại để các ngân hàng chủ động trong cấp tín dụng.

Theo Phó Thống đốc, điều quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay, cần đẩy mạnh nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, thông qua nhiều chính sách vĩ mô.

Sau khi Luật Tổ chức tín dụng mới có hiệu lực, NHNN đã tháo gỡ rất nhiều, hay nói đúng hơn là tinh gọn rất nhiều thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay. Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như người cho vay.

Về các gói tín dụng lớn, hiện nay, gói tín dụng cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân vượt con số dự kiến 30.000 tỷ, đạt 36.000 tỷ. Dự kiến NHNN sẽ tiếp tục tăng số dư của gói này lên khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng.

Đối với gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ (có thêm 4 ngân hàng thương mại tham gia) cũng sẽ tiếp tục tăng ưu đãi, giảm lãi suất, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này.

“Việc phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng là giải pháp mang tính kỹ thuật, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã có những giải pháp thúc đẩy các hoạt động kinh tế tích cực hơn nữa, thêm các giải pháp kích cầu như chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ các đối tượng ưu tiên và có trọng tâm, đặc biệt là tạo điều kiện cho nhiều cá nhân có thể tiếp cận gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để kích thích cầu tín dụng chung. Nếu làm tốt tất cả các biện pháp thì tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt mục tiêu trong năm nay”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/xuat-hien-nhieu-tro-luc-thuc-day-tang-truong-tin-dung-1102229.html
Zalo