Xuất hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở VN: Có đáng lo ngại?

Việt Nam đã ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên, tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, người dân cần bình tĩnh, không quá lo lắng.

Người dân không cần quá hoang mang, lo lắng

Sáng 3/10, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố đã phát hiện 1 ca bệnh đậu mùa khỉ nhờ công tác kiểm soát và giám sát tốt. Sở Y tế TP HCM sẽ sớm có thông tin chính thức công bố về ca bệnh trên. Hiện nay, Sở Y tế thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam

Phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam

Được biết từ năm 1970, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành ở khu vực châu Phi (tại 11 quốc gia), hầu như không ghi nhận các ca bệnh tại khu vực khác.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo ghi nhận ca bệnh tại một số khu vực châu Âu (chùm ca bệnh đầu tiên ghi nhận tại Anh). Hiện dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng, lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.

Theo CDC Hoa Kỳ, đến hết ngày 29/9/2022, Thế giới có 68.017 bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, 13 bệnh nhân tử vong tại 106 quốc gia và vùng lãnh thổ.

99 quốc gia không có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành trước đây, nhưng có 67.328 bệnh nhân (chiếm 99%), 9 bệnh nhân tử vong.

Được biết, trong chiều 3/10, Bộ Y tế có cuộc họp khẩn trước việc phát hiện mắc đậu mùa khỉ đầu tiên trong nước.

Theo PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, "người dân không cần quá hoang mang, lo lắng trước thông tin phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên.

Nguy cơ của bệnh đậu mùa khỉ vẫn ở diện hẹp, thường gặp ở nhóm có quan hệ đồng tính và các nước ghi nhận ca bệnh dịch cũng không bùng lên quá lớn.

Còn tại Việt Nam cần phải xem xét các yếu tối ca bệnh nhập cảnh hay trong nước, có liên quan tới người nhập cảnh hay không? Bệnh chỉ ở diện hẹp, nếu chúng ta xử lý tốt các ổ dịch sẽ không có chuyện bùng phát trên diện rộng. Bên cạnh đó, người dân cũng không nên lơ là chủ quan thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh".

Đồng quan điểm, BS. Trương Hữu Khanh cho hay: “Việt Nam có ca nghi đậu mùa khỉ cũng không lạ? Quan trọng là yếu tố dịch tễ của trường hợp này. Tuy nhiên theo tình huống của các nước có nhiều ca hay có vài ca thì khả năng lây dễ dàng ra cộng đồng là vô cùng khó. Cũng vẫn là MSM (nhóm quan hệ đồng giới)”.

Ông Phu cho biết thêm, trong công tác phòng dịch, cần tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu. Trong nước, tại các cơ sở y tế có ca bệnh nghi ngờ cần xét nghiệm và xử lý ổ dịch.

Đối với người dân khi có triệu chứng cần tới cơ sở y tế thăm khám sớm, đặc biệt là người có tiền sử đi từ vùng dịch về, có quan hệ không an toàn với người nghi ngờ mắc bệnh… Đồng thời, kêu gọi người có yếu tố nguy cơ tham gia phòng ngừa bệnh.

Nhận diện bệnh đậu mùa khỉ và cần cách ly ra sao?

Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, các dữ liệu hiện tại cho thấy người mắc đậu mùa khỉ có thể làm lây bệnh từ thời điểm xuất hiện các triệu chứng cho đến khi các triệu chứng đã hết và lành hoàn toàn các vết mụn (lớp da mới đã tạo ra).

Tốt nhất là người mắc đậu mùa khỉ phải được cách ly trong suốt thời gian bị bệnh, thường kéo dài 2 đến 4 tuần.

Nếu người mắc đậu mùa khỉ không thể được cách ly hoàn toàn trong thời gian bị bệnh thì họ phải thực hiện những điều sau đây:

Khi có triệu chứng sốt/hoặc không sốt hoặc bất kỳ triệu chứng hô hấp nào như: đau họng, ngạt mũi hoặc ho, hãy tiếp tục tự cách ly tại nhà, trừ trường hợp cần phải khám bệnh hoặc cấp cứu.

- Trong khi tự cách ly, tránh các tiếp xúc vật lý trực tiếp gần với người và động vật.

- Băng hoặc che kín vết mụn, đeo khẩu trang y tế và không sử dụng các phương tiện vận tải công cộng khi rời khỏi nhà nếu cần chăm sóc y tế hoặc đi cấp cứu, khám bệnh.

- Khi vết mụn đậu mùa khỉ vẫn còn nhưng không còn sốt hoặc bất kỳ triệu chứng hô hấp, thì cần che hoặc băng các vết mụn bằng quần áo, găng tay hoặc gạc bông; Đeo khẩu trang y tế khi trao đổi, tiếp xúc với những người khác cho đến khi vết mụn đậu mùa khỉ đã lành hẳn và tất cả các triệu chứng đã hết.

Cho đến khi tất cả các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ đã hết, người mắc bệnh đậu mùa khỉ phải thực hiện:

- Không được dùng chung hoặc đưa cho người khác hay cho động vật các vật dụng, đồ dùng cá nhân người bệnh đậu mùa khỉ đã sử dụng. Hãy giặt hoặc tẩy trùng các vật dụng, đồ dùng người bệnh đã dùng. Khử khuẩn, làm sạch bề mặt các vật dụng người bệnh đậu mùa khỉ đã chạm vào hoặc đã tiếp xúc với vết thương/vết mụn của người bệnh.

- Hãy tránh các giao tiếp vật lý gần gũi bao gồm quan hệ tình dục hoặc quan hệ thân mật gần với những người khác.

- Hãy tránh dùng chung các đồ dùng cá nhân hay cốc, chén, bát, đĩa. Các vật dụng phải được rửa sạch và tẩy trùng trước khi cho người khác sử dụng.

- Hãy tránh đám đông và những điểm tụ tập đông người.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc nước rửa tay có cồn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết mụn/loét.

Thời gian ủ bệnh thường 6-13 ngày, nhưng có thể dao động 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa.

Các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Ở thể nhẹ, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi trong vòng từ 2 đến 4 tuần. Bệnh đậu mùa khỉ thể nặng thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xuat-hien-ca-dau-mua-khi-dau-tien-o-vn-co-dang-lo-ngai-d568081.html
Zalo