Xuân Son, Nguyễn Filip và lựa chọn của tuyển Việt Nam
Nguyễn Xuân Son là cầu thủ nhập tịch, Nguyễn Filip là Việt kiều. Họ là đại diện tiêu biểu cho hai nguồn ngoại lực quan trọng đang thay đổi hình hài tuyển Việt Nam thời gian qua.
Cả hai nguồn lực này đều có thế mạnh và vấn đề riêng. Lựa chọn, sử dụng hợp lý họ sẽ tác động đáng kể tới thành bại của bóng đá Việt Nam những năm tới.
Nhập tịch khác gì Việt kiều?
Trước tiên, phải phân biệt hai khái niệm này. Cầu thủ nhập tịch là người nước ngoài, sinh sống và làm việc tại Việt Nam tối thiểu 5 năm, được cấp quốc tịch Việt Nam, chưa từng khoác áo các đội tuyển quốc gia khác ở những sự kiện chính thức của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA Day).
Cầu thủ Việt kiều thì khác. Nhóm này mang gốc gác Việt Nam, có hoặc chưa sở hữu quốc tịch. Nếu có, họ có thể thi đấu ngay cho tuyển Việt Nam như Đặng Văn Lâm từng khoác áo U19 hồi năm 2011. Nếu chưa, họ cần xin cấp như trường hợp của Nguyễn Filip.
Khác biệt về đặc điểm ấy cũng cho thấy chiến lược khác nhau của các nền bóng đá khi sử dụng hai nhóm này.
Với cầu thủ nhập tịch, yêu cầu 5 năm đồng nghĩa các cầu thủ nhập tịch thường đã luống tuổi khi gia nhập đội tuyển mới, như Nguyễn Xuân Son chỉ ra mắt tuyển Việt Nam ở tuổi 27. Các trường hợp nhập tịch trước đó như Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves, Đinh Hoàng La... cũng chỉ lên tuyển Việt Nam khi đã xấp xỉ tuổi băm. Quy định thứ hai về việc không được chuyển đổi khi đã chơi các giải chính thức ngăn chặn nạn “chảy máu chất xám”, đồng thời hạn chế đáng kể chất lượng cầu thủ nhập tịch.
Trong thực tế bóng đá Việt Nam, cả 5 cầu thủ nhập tịch từng lên tuyển đều có điểm chung là chỉ được phát hiện từ V.League. Dù trội hơn cầu thủ nội, họ vẫn bị giới hạn bởi trình độ giải vô địch quốc gia Việt Nam, bởi mặt bằng chung của các CLB Việt Nam.
Cộng cả ba điều trên, cầu thủ nhập tịch thường chỉ được xem là giải pháp ngắn hạn cho các đội tuyển. Không phải đội nào nhập tịch cầu thủ cũng thành công, tuyển Trung Quốc trong khoảng 10 năm qua là ví dụ. Ngay chính tuyển Việt Nam cũng từng thất bại với hàng loạt cầu thủ nhập tịch và Xuân Son mới là thành công đầu tiên.
Ngược lại với cầu thủ nhập tịch, Việt kiều có thể được phát hiện từ rất sớm, nhiều người trước tuổi 20. Nhưng do không được đảm bảo đầu vào, đa số cầu thủ Việt kiều không đủ trình độ chơi tại V.League chứ chưa nói tới tuyển Việt Nam. Chiến lược với cầu thủ Việt kiều cũng được bóng đá Việt Nam triển khai từ đầu thập niên trước. Nhưng sau hơn 10 năm, số thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay như Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm, Nguyễn Filip.
Năm 2019, cuộc tìm kiếm Việt kiều được triển khai quyết liệt nhất dưới thời HLV Park Hang-seo. Ông thầy người Hàn Quốc từng trực tiếp đi châu Âu, xem giò một số tài năng. Nhưng thành tựu cho tới nay vẫn là không nhiều. Thành công lớn nhất của chuyến đi năm ấy có lẽ là kết nối được với hai cầu thủ giờ đang chơi cho CLB Công An Hà Nội là Nguyễn Filip và Jason Quang Vinh Pendant.
Đó là chưa nói tới những khó khăn khác như có thích ứng được văn hóa không? Thủ tục xin quốc tịch sao cho nhanh? Nguồn nhập tịch có đủ tốt?
Nhập tịch hay Việt kiều vì đã tăng đáng kể sức mạnh tuyển Việt Nam. Nhưng sử dụng hai nguồn lực này không hề là việc dễ dàng cho ông Kim Sang-sik.
Ngoại lực có phải tất cả?
Thành công mới đây của Xuân Son ở tuyển Việt Nam hay trước đó là những chiến công vang dội của bóng đá Indonesia dễ mang tới cảm giác rằng chỉ ngoại lực là đủ để nâng tầm nền bóng đá.
Phe ủng hộ dường như quên rằng Xuân Son đã được hỗ trợ bởi một bệ phóng hoàn hảo mà anh vốn không thể tìm thấy tại CLB Nam Định, một bệ phóng được tạo ra bởi những nội binh, trưởng thành 100% từ các lò đào tạo trẻ trong nước như Quang Hải, Hoàng Đức, Vĩ Hào... Với Indonesia, điều tương tự cũng diễn ra khi nền móng đầu tiên của họ là lứa U19 được HLV Shin Tae-yong xây dựng khi chuẩn bị cho U20 World Cup nhiều năm trước.
Ở khu vực, nhóm “tứ đại gia” Đông Nam Á có điểm chung là đều sở hữu hệ thống đào tạo trẻ giàu nội lực, tính cả Indonesia. Chiều ngược lại, hai đội tuyển sử dụng nhiều nhập tịch (Singapore) và Phi kiều (Philippines) đều đang tụt lại trong cuộc đua. Lên bình diện thế giới, mọi thứ vẫn vậy khi 4 nhà vô địch World Cup gần nhất cũng sở hữu 4 hệ thống đào tạo trẻ ưu việt hàng đầu.
Bóng đá Việt Nam không nằm ngoài quy luật trên. Những năm đẹp nhất của đội tuyển Việt Nam đã tới với chỉ một cầu thủ Việt kiều trong đội hình là Văn Lâm. Chẳng có Xuân Son nào hiện diện lúc đó.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews sau danh hiệu ASEAN Cup vừa qua, Phó chủ tịch Chuyên môn VFF Trần Anh Tú khẳng định đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục nhập tịch theo xu thế nhưng có chừng mực, miễn là cầu thủ phải có trình độ và phải phù hợp với yêu cầu của đội tuyển: “Dù cần thành tích, chúng ta vẫn sẽ không phá vỡ cả hệ thống đào tạo trẻ. Nếu không cho các cầu thủ trẻ thi đấu, tuyển quốc gia sẽ xuất hiện lỗ hổng”.
Nhập tịch hay Việt kiều vì thế là tốt, nhưng chưa đủ với bóng đá Việt Nam.