Xuân Son, mảnh ghép còn thiếu của tuyển Việt Nam

Sự hiện diện của Nguyễn Xuân Son mang lại cho đội tuyển Việt Nam hình mẫu trung phong chúng ta chưa từng có.

 Xuân Son xuất hiện đúng lúc tuyển Việt Nam cần. Ảnh: CLB Nam Định.

Xuân Son xuất hiện đúng lúc tuyển Việt Nam cần. Ảnh: CLB Nam Định.

Sức mạnh, quyết đoán, kỹ năng độc lập tác chiến hoàn hảo, có thể tấn công “vỗ mặt” trung vệ đối thủ để mở đường cho đồng đội băng lên, đó là những điều chưa từng có trong các đời tiền đạo tuyển Việt Nam.

Xin chào, Nguyễn Xuân Son

Ngày 2/12, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã đồng ý cấp phép để Nguyễn Xuân Son khoác áo đội tuyển Việt Nam, thi đấu tại ASEAN (AFF) Cup 2024 từ ngày 21/12. Chân sút sinh năm 1997 đáp ứng đủ 5 năm sinh sống tại Việt Nam, đã có quốc tịch và được triệu tập vào danh sách sơ bộ của HLV Kim Sang-sik.

Nếu ông Kim quyết định điền tên Xuân Son, điều gần như chắc chắn xảy ra, anh sẽ trở thành cầu thủ đầu tiên không có gốc gác Việt Nam (không phải cầu thủ thuần Việt lẫn Việt kiều) tham dự một sân chơi chính thức.

Xuân Son đã tiến bước dài hơn so với Đinh Hoàng La hay Phan Văn Santos, những cầu thủ nhập tịch chỉ được gọi lên để đá giao hữu rồi… đi về. Anh cũng may mắn hơn Hoàng Vũ Samson, một chân sút cự phách, nhưng lại chẳng gặp thời thế.

 Xuân Son được cả thiên thời, địa lợi lẫn nhân hòa. Ảnh: CLB Nam Định.

Xuân Son được cả thiên thời, địa lợi lẫn nhân hòa. Ảnh: CLB Nam Định.

Nhưng tại sao Xuân Son được chọn?

Đội tuyển Việt Nam từng đứng trên lằn ranh tranh cãi: gọi hay không những cầu thủ có quốc tịch Việt Nam, nhưng không có dòng máu Việt. Bóng đá Việt Nam không thiếu những “Tây” đã trở thành “Ta” nhờ đáp ứng điều kiện sinh sống và làm việc đủ 5 năm ở Việt Nam nên được cấp quốc tịch. Song, đại đa số chỉ được lên ở một số trận giao hữu. Tư tưởng trọng cầu thủ bản địa xuất hiện ở nhiều nền bóng đá trên thế giới, không riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, làn sóng nhập tịch trong gần một thập kỷ qua đã khiến não trạng của những người làm bóng đá, dù bảo thủ đến đâu, cũng phải cân nhắc.

Đội tuyển Indonesia đang đứng thứ ba ở vòng loại World Cup 2026 với 6 điểm sau 6 trận, nhờ lực lượng cầu thủ nước ngoài mang gốc Indonesia đông đảo. Những ngôi sao gốc gác châu Âu thậm chí còn… chưa kịp học tiếng Indonesia, nhưng đã trở thành công dân Indonesia để đá vòng loại World Cup chỉ sau vài tháng.

Cái lợi của chính sách nhập tịch đã được nhìn thấy rõ. 2 năm trước, Indonesia thua Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2024. Còn hiện tại, thầy trò HLV Shin Tae-yong thắng Saudi Arabia, hòa Australia và Bahrain, tiến dần tới cánh cửa World Cup.

Thành công của Indonesia, hay chính những nền bóng đá mạnh ở châu Á như Nhật Bản, UAE, hoặc gần gũi nhất là Thái Lan liên tục nhập “ngoại binh” để bổ sung sức mạnh cho đội tuyển, đã khiến câu chuyện nhập tịch trở nên nhẹ nhàng, dễ chấp nhận hơn.

Đến Lào và Campuchia còn nhập tịch với hy vọng theo kịp sự phát triển của bóng đá thế giới, tuyển Việt Nam không thể mãi ngồi im. Trong thời đại thế giới phẳng, việc dựng nên tấm rào ngăn cách chỉ tự tạo ra trở ngại trói buộc tiềm năng của chính mình.

Nguyễn Xuân Son may mắn hơn những “ông Tây” người Việt khác. Bởi anh đến đúng lúc lằn ranh nhận thức ấy dần trở nên nhạt nhòa. Trước Xuân Son, có rất ít cầu thủ nhập tịch chạm đến màu áo tuyển. Nhưng sau Xuân Son, đội tuyển Việt Nam có thể sẽ tiếp tục mở cửa.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt tạo nên thời vận cho Xuân Son vẫn nằm ở chính tiền đạo này. Anh giỏi, và cái giỏi của Xuân Son lại là thứ bóng đá Việt Nam luôn kiếm tìm lâu nay.

 Xuân Son có thể hoạt động độc lập. Ảnh: CLB Nam Định.

Xuân Son có thể hoạt động độc lập. Ảnh: CLB Nam Định.

Đôi chân vàng

Vấn đề thiếu tiền đạo giỏi lâu nay bóng đá Việt Nam luôn xem như câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đa số các đội V.League khoán nhiệm vụ ghi bàn cho ngoại binh. Gần hai thập kỷ qua, Nguyễn Anh Đức là tiền đạo thuần Việt duy nhất từng đoạt ngôi vua phá lưới. Còn lại, các tiền đạo nội gần như không có đất diễn, dù tài năng đến mấy.

Lý do rất dễ hiểu: thay vì phải xây dựng lối chơi phù hợp với thể trạng khiêm tốn của các chân sút nội (vốn rất khó khăn), việc mua sẵn các chân sút ngoại có thể hình lý tưởng rồi đá phòng ngự phản công, phất dài lên cho ngoại binh tự xoay xở đã trở thành lối mòn chiến thuật của nhiều đội V.League.

Cái được của cách làm này là thành tích của các CLB. Nhưng hậu quả của nó là đội tuyển Việt Nam gần như không thể chơi áp đặt đối thủ, ngay cả trong giai đoạn thành công nhất từ trước đến nay dưới thời HLV Park Hang-seo.

Việc tìm chân sút giỏi khó như “hái sao trên trời”. Sau thời Lê Công Vinh, đội tuyển Việt Nam chỉ có thêm chút ánh nắng hoàng hôn cuối sự nghiệp của Nguyễn Anh Đức, sau đó mới tìm được Nguyễn Tiến Linh.

Quả thực, Tiến Linh rất giỏi. Anh đã ghi 6 bàn ở AFF Cup 2022 (đồng vua phá lưới), lập công đều đặn ở V.League. Dù đã cải thiện lối chơi khi lùi về làm bóng để mở khoảng trống cho đồng đội, nhưng Tiến Linh vẫn là kiểu tiền đạo chạy chỗ, tìm vị trí dứt điểm. Anh là cây săn bàn, song không phải tiền đạo mục tiêu, điểm đến của các đường chuyền, nhất là khi phải đối mặt với những trung vệ cơ bắp và rắn mặt.

HLV nào cũng cần một tiền đạo có khả năng độc lập tác chiến tốt, đủ thể hình lý tưởng để so vai đọ sức với những đối thủ lì lợm, đủ tinh tế và khéo léo để kết thúc các đường phối hợp, đủ khả năng ghi bàn từ những tình huống không rõ ràng.

Đó là tất cả những gì Nguyễn Xuân Son đang có. 31 bàn thắng mùa trước của Xuân Son đã phá vỡ mọi giới hạn mà một tiền đạo có thể làm được trong một mùa giải V.League. Anh là chân sút toàn diện và đẳng cấp bậc nhất từng chơi bóng ở Việt Nam, sở hữu những tố chất mà trong tương lai gần, có lẽ bóng đá Việt Nam khó đào tạo ra một tiền đạo có thể tiệm cận, chứ đừng nói sánh ngang.

Quan trọng hơn cả, Nguyễn Xuân Son yêu Việt Nam và ở đây đủ lâu để thấu hiểu thứ văn hóa khác biệt từng hạ gục nhiều ngoại binh tên tuổi. Anh sống như một người Việt, học nói tiếng Việt, kết giao với đồng đội Việt. Chính sự chân thành của Xuân Son đã khiến ngay cả những người khó tính nhất cũng chẳng thể ngoảnh mặt.

Với một cầu thủ tài năng và tận tâm như thế, đội tuyển Việt Nam không có lý do để chối từ. Hãy chờ xem trong những ngày ít ỏi còn lại, HLV Kim Sang-sik sẽ sử dụng “trọng pháo” này hiệu quả tới đâu.

Trà Giang

Nguồn Znews: https://znews.vn/xuan-son-manh-ghep-con-thieu-cua-tuyen-viet-nam-post1513284.html
Zalo