Xuân mới Sơn Thủy
Cùng với Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, bà con các dân tộc Dao thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) đã đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 thật ấm áp, an vui, đủ đầy.
Tết ấm áp
Sơn Thủy nằm gọn dưới chân núi, bao quanh bởi những tán rừng trùng điệp. Đây là nơi sinh sống của hơn 100 hộ người dân tộc Dao, Kinh và Mông...
Chị Lý Thị Xiên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Sơn Thủy vui vẻ giới thiệu: Sơn Thủy là thôn tái định cư. Ở đây một nửa dân số là người Dao từ Na Hang chuyển về theo chương trình di dân Thủy điện Tuyên Quang. Dù chuyển về quê mới sinh sống xen lẫn với bà con các dân tộc người Kinh, Mông trên địa bàn, nhưng người Dao vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc.
Ngày chúng tôi về thôn Sơn Thủy, bà con người Dao trong thôn đang tất bật chuẩn bị đón Tết. Nhà nhà tất bật sắm sửa vật dụng, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa. Nhà nào nhà nấy đều chuẩn bị sẵn một con lợn thật ngon trong chuồng để mời con cháu, anh em họ hàng ăn Tết.
Bà Tòng Thị Ghến, thôn Sơn Thủy hồ hởi khoe: “Các con tôi đều đã trưởng thành, đi lấy chồng, lấy vợ, làm ăn xa. Tết là dịp để con cháu trở về quây quần, đoàn tụ, nên gia đình tôi rất vui, phấn khởi. Nhà tôi đã chuẩn bị con lợn nặng gần tạ nuôi gần 3 năm để đãi con cháu trong gia đình”. Không chỉ gia đình bà Ghến, các gia đình ở thôn Sơn Thủy chúng tôi ghé qua, như gia đình ông, bà: Tòng Càn Tá, Phùng Thị Phong, Phùng Thị Hà, Chúc Thị Tâm... đều đã chuẩn bị sẵn đàn gà, lợn bản để thịt Tết thiết đãi con cháu, họ hàng dịp Tết.
Năm nay là năm thứ 20 cụ Phùng Thị Phong, 75 tuổi sinh sống tại quê hương thứ 2 này. Cụ bảo, dù ở quê mới xen lẫn các dân tộc khác, cũng có một số phong tục mai một, nhưng phong tục ăn Tết sớm của người Dao vẫn giữ gìn. Đầu tháng Chạp, các bà, các mẹ bắt đầu rậm rịch vào rừng hái lá chít, lá dong để gói bánh. Bắt đầu từ 23-12 âm lịch, người Dao rục rịch tìm thầy về làm lễ cúng, mời tổ tiên về ăn Tết. Đặc biệt, Tết người Dao Sơn Thủy không thể thiếu Dua Xiit (bánh Sừng trâu).
Bánh Sừng trâu được làm từ gạo nếp và được gói bằng lá chít. Nét độc đáo của loại bánh này là không có nhân, hình thon nhọn tựa sừng trâu. Với người Dao, không chỉ đơn thuần là loại bánh ăn chơi ngày thường, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong ngày lễ, Tết. Dù nhà giàu hay nghèo, mâm lễ cúng dâng lên tổ tiên mỗi dịp Tết của đồng bào đều phải có bánh sừng trâu. Người Dao quan niệm, con trâu là đầu cơ nghiệp, bởi vậy, bánh sừng trâu mang tâm nguyện có được cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu. “Trước đây, cuộc sống khó khăn nên Tết chỉ mua cân thịt ở chợ để gói bánh. Nhưng giờ cuộc sống khấm khá hơn nên những năm gần đây, đại đa số các gia đình đều tự mổ lợn vào dịp Tết, do đó, không khí Tết càng nhộn nhịp, tươi vui hơn” - chị Lý Thị Xiên, chia sẻ.
Chúng tôi ghé qua nhà anh Tòng Càn Tá khi gia đình anh đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, đun nước và gọi anh em trong thôn đến giúp gia đình thịt lợn. Không giấu được niềm vui Tết đến xuân về, anh Tá bộc bạch: “Năm nay, gia đình tôi sẽ mổ con lợn hơn 60 kg và gói gần 10 kg bánh chưng và bánh sừng trâu để ăn Tết, mừng cho gia đình một năm làm ăn tấn tới và sức khỏe bình an”.
Vững tin chào năm mới
Chục năm trước, Sơn Thủy được “tiếng” là thôn nghèo. Đường sá đi lại khó khăn. Bà con quen cấy lúa nương, cấy ngô trên đồi cao. Thôn nhiều năm liền bị lũ quét, hoa màu, ruộng lúa bị tàn phá sạch, đất đai bạc màu, dân nghèo mãi.
Và rồi làn gió mới đã đến với Sơn Thủy, giúp người dân đuổi cái nghèo, đó là từ khi Đảng có chủ trương trồng rừng, xóa bỏ tình trạng đất trống đồi trọc. Nhà nước cho cây giống, giao đất giao rừng cho bà con. Mới đầu xã vận động trồng rừng, có rất nhiều hộ từ chối, không nhận cây. Thôn, xã, kiểm lâm cùng vào cuộc, đến từng nhà vận động nhân dân, những hộ “neo” người, cán bộ lên tận nương giúp dân trồng. Nhờ vậy, những cánh rừng Sơn Thủy từng bước được phủ màu xanh.
Sau này, một số hộ trồng rừng bán cây thu được nhiều tiền, bà con tự rỉ tai nhau bỏ cây sắn, cây ngô để trồng rừng. Đến nay, rừng Sơn Thủy đã được phủ kín, lứa cây này tiếp nối lứa cây kia, không nhà nào để đất trống đồi trọc. Hiện Sơn Thủy là một trong những thôn dẫn đầu về phong trào trồng rừng của xã Tân Mỹ với tổng diện tích trên 400 ha, gồm các loại cây: keo, mỡ, xoan. Mùa Xuân này, thôn Sơn Thủy có kế hoạch trồng 30 ha rừng sản xuất. Cùng với đó, nhiều mô hình trồng trọt được bà con triển khai thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cuộc sống của người dân Sơn Thủy hôm nay đã từng bước ổn định, khấm khá. Bóng dáng những ngôi nhà xây trong thôn xuất hiện ngày càng nhiều; những tuyến đường bê tông, ngõ xóm dần cứng hóa. Thôn còn có sân thể thao, sân bóng đá phục vụ bà con vui chơi thể thao sau mỗi buổi chiều làm việc vất vả. Trong 5 năm (2021 - 2024), Sơn Thủy đã vận động nhân dân bê tông trên 400 m đường ngõ xóm, lắp đặt hàng trăm mét kênh mương; hoàn thiện sân bóng đá thôn; người dân góp công, hiến đất xây dựng cầu giao thông qua suối. Đến nay, 90% đường ngõ xóm được bê tông sạch sẽ, thuận tiện đi lại của người dân.
Một mùa Xuân mới đã đến với bà con bản làng thôn Sơn Thủy. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Dao Sơn Thủy tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, thể hiện rõ nhất trong việc đón Tết cổ truyền với ước vọng một năm mới đủ đầy, ấm no.