Xuân ấm áp, Tết yêu thương ở thung lũng Trường Sơn

Mồng 6 Tết, men theo đường Hồ Chí Minh như dải lụa chúng tôi tìm đến Trường Sơn, 'xông đất' người Rục, người Mày, Khùa, Mã Liềng, Bru-Vân Kiều sinh sống ở thung lũng Trường Sơn qua đất Quảng Bình. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của bà con, nhiều bản làng đã vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Ngay trước Tết Nguyên đán, các sở, ban, ngành, địa phương ở Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo Tết cho bà con dân bản, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách, người lao động… bảo đảm tất cả trường hợp khó khăn đều được hỗ trợ ít nhất một suất quà trong dịp Tết. Sự chăm lo, động viên đong đầy nghĩa tình, chung tay từ các cấp, các ngành đã giúp cho bà con sinh sống ở thung lũng Trường Sơn đón một mùa xuân ấm áp, Tết vui tươi.

Tổ chức khám chữa bệnh cho bà con các dân tộc ít người ở thung lũng Trường Sơn trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Tổ chức khám chữa bệnh cho bà con các dân tộc ít người ở thung lũng Trường Sơn trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Dọc con đường Trường Sơn nhiều đoạn băng qua rặng rừng già, hai bên đường là địa bàn các xã Thượng Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa… nơi có bản làng của bà con dân tộc thiểu số nằm san sát dưới tán rừng xanh ngát sắc xuân. Từ những tộc người luôn bị cái đói bủa vây, thậm chí có nguy cơ biến mất, giờ đây người Rục, người Khùa, Mày… ở Quảng Bình đang vươn lên xóa đói, giảm nghèo, cho con đến trường học chữ. Nhiều bản làng đang thay đổi như thị tứ, thị trấn giữa đại ngàn Trường Sơn. Nhờ sự chăm lo tận tình của địa phương nên Tết vừa qua nhiều bà con dân bản đã có một mùa xuân ấm áp, một cái Tết đủ đầy. Khi đến nhiều bản làng dọc dãy Trường Sơn chúng tôi đều cảm nhận được sự vui mừng, háo hức mùa xuân về của người dân.

Từ đường mòn ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chúng tôi tìm đến xã Tân Trạch của huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Trong năm qua, bà con nơi đây vui mừng là năm đầu tiên có điện lưới quốc gia. Ước mơ có điện của bao nhiêu thế hệ đã trở thành hiện thực. Được biết, toàn tỉnh Quảng Bình có 149 xã, phường, thị trấn với hơn 99,83% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Chỉ còn 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch do nhiều đặc thù, khó khăn, cách trở nên điện lưới quốc gia khó kéo về. Năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết tâm triển khai thực hiện dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã Tân Trạch và Thượng Trạch với nguồn vốn 110 tỷ đồng. Già làng Đinh Rầu cho biết: Từ ngày có điện lưới cuộc sống của bà con dân bản đã đổi khác. Và nhờ có điện mọi sinh hoạt của người dân tốt dần lên. Tân Trạch có 95 hộ, 367 nhân khẩu sinh sống tại 2 bản là bản Đoòng và bản 39, trong đó: Tại bản Đoòng có 12 hộ, 54 khẩu và bản 39 có 83 hộ, 313 khẩu. Trên địa bàn có 1 trạm y tế, 1 trường học và 2 điểm trường. Thời gian qua, được sự chăm lo của cả hệ thống chính trị, đời sống người dân ngày càng nâng lên, ý thức chăn nuôi, trồng trọt, vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến, nhất là khi có điện lưới và bể trữ nước đưa vào sử dụng. Tính đến nay, toàn xã Tân Trạch còn có 56 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Tân Trạch hiện đạt 7/19 tiêu chí, phấn đấu năm 2025 đạt 9 tiêu chí. Việc thực hiện các dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã làm chủ đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 đến nay cơ bản đã thực hiện xong.

Đến thăm bà con người Mày (dân tộc Chứt) tại bản Lòm, xã Trọng Hóa một trong những bản xa nhất còn gặp nhiều khó khăn ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình, chúng tôi nhận được niềm vui của bà con khi đón Tết đủ đầy vừa qua. Bản Lòm có 106 hộ dân với hơn 450 nhân khẩu, những năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khởi sắc nhờ vào những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tết Nguyên đán vừa qua, bà con ở bản Lòm được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao 106 phần quà cho các gia đình (mỗi phần quà có trị giá 1,2 triệu đồng). Trong những năm qua, bà con ở bản Lòm luôn xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng, vượt qua khó khăn, xây dựng đời sống mới tốt đẹp.

Rời xã Trọng Hóa, chúng tôi tiếp tục đến xã biên giới Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình nơi có 967 hộ dân với 4.347 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 90%, sống phân bố tại 11 bản. Ngay những ngày cận Tết Nguyên đán, các hộ nghèo nơi đây đều được tỉnh Quảng Bình và huyện Minh Hóa hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ gia đình. Các gia đình chính sách còn được hỗ trợ thêm tiền, quà từ ngân sách của địa phương. Chính nhờ sự chăm lo tận tình của địa phương nên Tết vừa qua bà con các tộc người ở Dân Hóa, huyện Minh Hóa đã có một mùa xuân ấm áp, một cái Tết đủ đầy. Chúng tôi vào thăm hộ gia đình ông Hồ Thanh. Nhìn vào góc nhà sàn, bì gạo vẫn còn đầy, bánh chưng xanh và thực phẩm thịt heo, cá, rau xanh còn bên chái bếp tự nhiên thấy lòng vui lây với đời sống của bà con dân bản. Hồ Thanh cho biết, trước tết gia đình nhận được 1 triệu đồng hỗ trợ để sắm Tết mua thịt heo, mua cá, mua bánh kẹo…

“Xông đất” các bản làng dọc thung lũng Trường Sơn qua đất Quảng Bình hôm nay, thấy cuộc sống đổi thay của bà con mới hiểu “cuộc chuyển mình vĩ đại” của các tộc người. Gặp gỡ đồng bào bà con người Rục, ít ai nghĩ tộc người Rục sinh sống ở vùng đất này từng có nguy cơ biến mất bởi đói nghèo và lạc hậu. Tộc người Rục ở Quảng Bình từng làm các nhân chủng học, dân tộc học trong nước và thế giới sửng sốt khi được phát hiện vào năm 1959. Khi được phát hiện và đưa rời khỏi hang đá, người Rục chỉ có 34 người gồm 11 nam, 23 nữ, 4 em nhỏ và một già làng. Ngay sau khi được phát hiện, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng phương án, chăm sóc, bảo vệ tộc người mới mẻ này. Nhưng cuộc sống của người Rục dựa hoàn toàn vào tự nhiên, săn bắt, hái lượm, sinh hoạt như người tiền sử. Người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài… nên mỗi lần được đưa ra khỏi các cánh rừng già, người Rục lại tìm cách trốn vào các hang đá. Phải mất rất nhiều công sức và thời gian, tỉnh Quảng Bình mới đưa được người Rục về định cư ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa như bây giờ. Để người Rục biết trồng cây lúa nước, nuôi con gà, con lợn như bây giờ là sự nỗ lực hàng chục năm qua của chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an cắm bản giúp dân. Những việc làm xuất phát từ cái tình, cái nghĩa giữa những chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng đã đưa đến tình cảm với bà con dân bản ngày thêm gắn chặt.

Bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết: Với mục tiêu tất cả hộ nghèo, hộ khó khăn đều có quà tết và phương châm không trùng lặp, không để sót, ngay từ đầu tháng 1/2025, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã phân bổ cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thăm và tặng 6.000 suất quà bằng tiền mặt, mỗi suất 500.000 đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố; trích từ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh 3,26 tỷ đồng để đi thăm và ủy quyền tặng 4.935 suất quà cho bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng công giáo có hoàn cảnh khó khăn, bênh nhân nghèo, hội viên mù, hội viên Cựu chiến binh, đoàn viên Công đoàn, học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình phối hợp Mặt trận cấp huyện, cơ sở đã trích quỹ và tiếp nhận, phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp, các doanh nghiệp, các cá nhân, các nhà hảo tâm tặng 25.442 suất quà với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng. Với sự chủ động này, hoạt động chăm lo tết trên địa bàn Quảng Bình đều được rà soát kỹ và phân bổ về các địa phương, bảo đảm tất cả trường hợp khó khăn đều được hỗ trợ ít nhất một suất quà trong dịp tết. Mỗi món quà đều đong đầy nghĩa tình, là sự chung tay từ các cấp, ngành, Mạnh Thường Quân gửi đến, để mọi nhà đều vui đón Tết đến Xuân về.

Dương Sông Lam

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/xuan-am-ap-tet-yeu-thuong-o-thung-lung-truong-son-i758082/
Zalo