Xưa có năm làng cùng một tên
Tên làng xã xưa có rất nhiều, trong số đó không thể tránh việc trùng tên. Xưa ở Quảng Ngãi có 5 làng cùng một tên gọi, đó là làng Châu Me.
Ngày trước, Quảng Ngãi có nhiều làng trùng một tên gọi. Chẳng hạn làng Lệ Thủy, ở xã Bình Trị (Bình Sơn) trùng tên với làng Lệ Thủy, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh (nay là TP.Quảng Ngãi). Ở huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa và Mộ Đức đều có tên làng Phú Nhiêu. Hai làng trùng tên thì có khá nhiều, nhưng có đến 5 làng cùng một tên là trường hợp hiếm, đó là tên làng Châu Me.
Cụ thể, tên gọi làng Châu Me, nay là thôn thuộc xã Bình Châu (Bình Sơn). Thôn Châu Me này có gốc gác từ xã Châu Me Đông thời phong kiến, có đến 7 thôn ấp, trong đó có thôn Châu Me. Châu Me Đông cũng là tên sông. Xưa kia các ghe bầu đi buôn Nam Bắc thường tụ về đây, việc buôn bán khá phồn thịnh, nên dân gian có câu: "Tiếng đồn Đông Phước nhiều tre/ Tham Hội nhiều lúa, Châu Me nhiều tiền".
Ở huyện Nghĩa Hành, Châu Me là tên làng, sau đổi là Phú Châu, tên thôn nay thuộc xã Hành Đức. Tại đây có đình làng Châu Me với nhiều sắc phong. Đời vua Gia Long, Châu Me là thôn thuộc Đồn điền, huyện Chương Nghĩa, diện tích 155 mẫu, trong đó quan điền 44 mẫu 4 sào, tư điền 77 mẫu, hoang nhàn 24 mẫu 7 sào (Địa bạ Quảng Ngãi). Đời vua Đồng Khánh, thôn Châu Me thuộc tổng Nghĩa Trung, huyện Chương Nghĩa.
Cũng ở huyện Nghĩa Hành còn có làng Châu Me, nay là thôn thuộc xã Hành Thịnh. Thôn Châu Me nằm ở phía nam xã Hành Thịnh, giáp với xã Đức Phú (Mộ Đức), tiếp giáp với đồi núi trùng điệp phía tây. Thời kháng chiến chống Mỹ, hoạt động kháng chiến của xã Hành Thịnh xuất phát sớm từ thôn này. Ở Đức Phong (Mộ Đức) cũng có thôn Châu Me. Thôn này có Quốc lộ 1 chạy qua, là thôn làm nghề nông, một số người làm nghề buôn bán trên Quốc lộ. Bên cạnh Châu Me là thôn Tú Sơn, xã Đức Lân, xưa kia là quãng đường khá vắng, nên mới có câu: “Không đi sợ mất lòng chồng/ đi thì lại sợ cái đồng Tú Sơn”.
Ở phía nam Quảng Ngãi, có thôn Châu Me thuộc xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ). Thời chính quyền Sài Gòn, Châu Me là ấp thuộc xã Phổ Châu, quận Đức Phổ; dân số năm 1962 có 807 người. Sau năm 1975, xã Phổ Châu sáp nhập vào xã Phổ Thạnh, Châu Me là thôn của xã Phổ Thạnh. Ngày 23/6/1999, tái lập xã Phổ Châu, Châu Me trở thành thôn của xã Phổ Châu. Tại đây, có núi nơi mép biển cũng mang tên Châu Me, có nhiều nhum trong gành đá. Người dân địa phương thường làm mắm nhum (còn gọi là “mắm tiến”, dùng để dâng lên vua) nổi tiếng từ xưa.
Chữ “Châu” trong tên gọi xã Bình Châu và chữ “Châu” trong tên gọi xã Phổ Châu đều lấy từ tên làng Châu Me. Thôn Châu Me, xã Bình Châu có sông, có biển, nơi đây sản sinh nhiều nhân vật nổi tiếng như Phan Khắc Thận (Tuần vũ Nam Ngãi), hay chí sĩ yêu nước, tú tài Trần Kỳ Phong và các nhà khoa bảng họ Đặng. Thôn Châu Me, xã Phổ Châu được nhiều người biết đến bởi nơi đây cảnh đẹp, nguyên sơ, có nhiều món hải sản ngon.
Châu Me nghĩa là gì? Nguyên văn chữ Hán thì chữ Châu Me có thể đọc là Chu Me hay Châu Mi, trong đó chữ Châu hay Chu có nghĩa là màu đỏ, chữ Me hay Mi là mày, mép. Không thể cắt nghĩa vì sao. Cũng có thể Châu Me là phiên âm từ địa danh tiếng Chăm nào đó, không mang nghĩa. Và cũng không thể cắt nghĩa tại sao trong tỉnh Quảng Ngãi lại có đến 5 làng mang tên Châu Me. Thật là đặc biệt!