Xu thế dòng tiền: Thêm thông tin hỗ trợ, chứng khoán Việt có đi ngược thế giới?

Thị trường mở đầu tháng 9 bằng diễn biến giảm khá thất vọng và bất ngờ, dù không có bất kỳ thông tin tiêu cực nội tại nào xuất hiện. Sự kiện vượt đỉnh thất bại và quay đầu điều chỉnh mạnh của các chỉ số chứng khoán Mỹ được cho là có tác động tâm lý...

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Thị trường mở đầu tháng 9 bằng diễn biến giảm khá thất vọng và bất ngờ, dù không có bất kỳ thông tin tiêu cực nội tại nào xuất hiện. Sự kiện vượt đỉnh thất bại và quay đầu điều chỉnh mạnh của các chỉ số chứng khoán Mỹ được cho là có tác động tâm lý.

Theo các chuyên gia, trước khi công bố số liệu vĩ mô tháng 8 trong nước, thị trường vẫn có các phiên chịu ảnh hưởng từ thông tin bên ngoài, nhất là khi giai đoạn nghỉ lễ khá bình lặng. Việc chứng khoán Mỹ không vượt đỉnh thành công và quay đầu điều chỉnh là do lo ngại về suy thoái, điều này có ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên khi các số liệu trong nước được công bố, thị trường đã có phiên phục hồi trở lại vào cuối tuần.

Câu hỏi đặt ra là nếu thị trường chứng khoán thế giới – đặc biệt là Mỹ - quay đầu điều chỉnh trong tháng 9 thì chứng khoán trong nước có thể đi đường riêng hay không? Các chuyên gia đều thống nhất đánh giá những tác động tâm lý bên ngoài sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn. Chứng khoán Việt Nam thời gian qua không có được xu hướng tăng rõ nét và mạnh như chứng khoán Mỹ nên việc chứng khoán Mỹ điều chỉnh cũng sẽ chỉ ảnh hưởng hạn chế. Mặt khác, trong tháng 9 sẽ xuất hiện nhiều thông tin hỗ trợ mới có thể tạo thêm kỳ vọng khác so với giai đoạn bình lặng trước đó.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận diễn biến điều chỉnh có thể xuất hiện thêm nhưng sẽ giới hạn. Ngưỡng hỗ trợ được quan tâm là quanh 1250 điểm. Ngoài ra quan điểm đầu tư cũng tập trung vào các cổ phiếu cụ thể, cổ phiếu dẫn dắt, những mã có sức đề kháng tốt hơn chỉ số thời gian qua. Hầu hết các chuyên gia đều đang duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao, thậm chí sử dụng một phần margin.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần qua tuy chỉ có 3 phiên giao dịch nhưng thị trường lại gây thất vọng lớn khi không thể bùng nổ được mà còn sụt giảm đột ngột. Không có bất kỳ thông tin hay sự kiện bất ngờ xấu nào trong nước dịp nghỉ lễ, nguyên nhân chính được cho là rủi ro từ chứng khoán Mỹ khi các chỉ số cũng đang có nguy cơ tạo 2 đỉnh giảm. Theo anh chị lý do này có hợp lý? Vì sao tâm lý trong nước đột nhiên lại quan tâm đến diễn biến bên ngoài như vậy dù trước đó hầu như không được chú ý?

Phiên cuối tuần hồi phục trở lại nhưng lực cầu còn yếu, theo tôi chưa phải là tín hiệu kết thúc điều chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thấy thì trước lễ thị trường đang trong giai đoạn “sideway” chặt với thanh khoản giảm dần. Vùng “sideway” này sát vùng kháng cự mạnh quanh 1300 điểm đã rất nhiều lần thất bại nên tâm lý nhà đầu tư hầu hết đều là thận trọng theo dõi chờ diễn biến “break” vùng kháng cự để có hành động hợp lý.

Rất tiếc là những ngày nghỉ lễ Quốc khánh chứng khoán Mỹ vượt đỉnh và có cây nến đảo chiều giảm rất mạnh trước phiên chúng ta giao dịch trở lại. Tâm lý thận trọng kèm theo tin xấu từ chứng khoán Mỹ làm lực bán gia tăng khiến tuần đầu nghỉ lễ chúng ta có diễn biến xấu.

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Dưới góc nhìn của tôi, VN-Index đang bước vào giai đoạn vùng trống thông tin nên những biến động ngoài Việt Nam phần nào cũng sẽ có ảnh hưởng, đặc biệt là khi nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường – nhóm dễ bị tác động tâm lý nhất bởi nhiều luồng tin tức. Do đó, diễn biến kém khả quan của thị trường chứng khoán Mỹ cũng có thể giải thích một phần cho nhịp sụt giảm đột ngột của thị trường trong nước.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Mặc dù không có sự tương quan rõ ràng với thị trường chứng khoán Mỹ, tôi thấy đã không ít lần khi thị trường này xảy ra một đợt bán tháo mạnh thì không chỉ chứng khoán Việt Nam mà nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực Châu Á cũng bị ảnh hưởng. Đợt bán tháo của thị trường Mỹ vào đầu tuần này là do lo ngại về khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Điều này có sự liên đới đến triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng như ảnh hưởng đến dòng chảy vốn của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại thực tế rằng việc sụt giảm của VN-Index còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố phân tích kỹ thuật. Đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam đã chững lại kể từ trước khi kì nghỉ lễ diễn ra. Với việc VN-Index đã và đang tiến đến vùng kháng cự mạnh 1300 điểm, không ít nhà đầu tư sẽ chọn cách chốt lời hoặc đứng ngoài quan sát.

[Interactive]: Toàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 8/2024

Xu thế dòng tiền: Sẵn sàng cho cú đột phá bùng nổ?

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Tôi cho rằng yếu tố tâm lý luôn đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định giao dịch của các nhà đầu tư. Bất chấp những thông tin khả quan trong nước thì các thông tin vĩ mô quốc tế, một số phiên giảm điểm của các chỉ số chứng khoán Mỹ, châu Á hay việc giảm điểm của nhóm cổ phiếu “megacap” công nghệ Nvidia, Micro Technology, Intel… khiến các nhà đầu tư lo lắng. Dù sao thì tại các mốc kháng cự mạnh xuất hiện một số phiên biến động “chao đảo” cũng dễ được giải thích bởi yếu tốt cung cầu ngắn hạn ở vùng điểm nhạy cảm. Phiên giao dịch cuối tuần phần nào cũng đã trấn an được các nhà đầu tư về khả năng giao dịch khởi sắc của thị trường trong tuần giao dịch tiếp theo.

Ông Nguyễn Thế Hoài - Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Thị trường đang ở giai đoạn đào thải nhà đầu tư, thị trường thiếu dòng tiền lớn khiến cho tâm lý nhà đầu tư buồn và chán nản nên các tác động xung quanh hay được chú ý tới. Riêng tôi thì thời điểm này là thời điểm của cơ hội cứ không còn là thời điểm rủi ro, dĩ nhiên việc chọn lọc danh mục vẫn là điều quan trọng, vài nhóm ngành đã bắt đầu xuất hiện dòng tiền.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Trước kỳ nghỉ anh chị đánh giá cao kịch bản thị trường sẽ chinh phục đỉnh 1300 điểm ngay sau lễ, nhưng kịch bản đó chưa thành. Diễn biến phục hồi trong phiên cuối tuần vẫn đang để ngỏ kịch bản này, dù số cổ phiếu giảm giá vẫn nhiều hơn tăng và có yếu tố kéo trụ. Liệu nhịp điều chỉnh đã kết thúc hay thị trường cần lùi thêm nữa?

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Thị trường sau lễ chưa vượt được vùng giằng co quanh 1280 điểm khi các chỉ số chứng khoán thế giới bị điều chỉnh tương đối mạnh. Tuy vậy nếu so với diễn biến chung này thì nhịp giảm của VN-Index tạm thời khá tốt khi chỉ chỉnh nhẹ với áp lực bán yếu.

Phiên cuối tuần hồi phục trở lại nhưng lực cầu còn yếu, theo tôi chưa phải là tín hiệu kết thúc điều chỉnh. Vùng hỗ trợ gần cho chỉ số nằm ở 1250-1260 điểm. Nếu thị trường tiếp tục chỉnh với áp lực bán không mạnh lên và vẫn giữ được vùng này thì có thể sẽ có cơ hội tạo đáy tại đây. Trong trường hợp nếu không giữ được thì nhà đầu tư có thể chú ý đến vùng hỗ trợ tiếp theo ở 1220-1240 điểm.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến phiên cuối tuần bán mạnh các chỉ số đều giảm trên 1% nên phiên đầu tuần tới rất dễ chịu ảnh hưởng tâm lý và có phiên giảm điểm. Tuy nhiên nhịp điều chỉnh này tôi dự báo sẽ dừng lại ở vùng quanh 1255 +/-10 điểm - là vùng hợp lưu bởi Gap tăng giá và 3 đường MA 20, 50, 100. Phiên Thứ sáu đã “test” về vùng này và phản ứng khá tốt. Kỳ vọng của tôi là thị trường sẽ điều chỉnh tối đa về vùng 1255 +/- 10 điểm sau đó sẽ bật nảy hồi lên và đích đến nhịp này có thể là vùng quanh 1320 điểm.

Tháng 9 sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ hơn chưa kể việc FED nếu hạ ngay lãi suất 0,5% trong kỳ họp tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam được cho vào danh sách nâng hạng của FTSE sẽ là cú hích khiến thị trường vượt đỉnh 1300 điểm cho dù diễn biến của chứng khoán Mỹ biến động như thế nào.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Xu hướng tháng của thị trường vẫn đang cho tín hiệu tăng điểm vượt đỉnh, nhưng biến động của tuần lại cho thấy thị trường cần tăng và tích lũy tại đỉnh cũ và cuối cùng cũng sẽ vượt. Theo tôi điều này không quan trọng bởi cái chúng ta cần vẫn là không chỉ tăng mạnh về mặt điểm số mà còn về thanh khoản và mức tăng về độ rộng thị trường, số lượng mã tăng trên các tín hiệu kỹ thuật. Khi đó số lượng lớn nhà đầu tư mới tự tin giải ngân hơn. Như vậy, có lẽ chỉ là tuần sau hoặc tuần sau nữa là chậm nhất VN-Index có thể “chiều theo” mong muốn của các nhà đầu tư “kẹp hàng”.

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Tôi vẫn nghiêng về kịch bản thị trường sẽ chinh phục thành công mốc đỉnh quanh 130x điểm do xu hướng tăng điểm ngắn hạn vẫn đang được bảo toàn, cùng với đó là dòng tiền đang luân chuyển tích cực giữa các cổ phiếu trụ, vốn hóa lớn, và điều này sẽ đóng vai trò giữ nhịp chính cho VN-Index, giúp chỉ số tránh rơi vào trạng thái giảm điểm sâu. Mặc dù áp lực rung lắc có phần gia tăng trong những phiên gần đây, thị trường đã trải qua một chuỗi các phiên tăng khá dốc từ quanh ngưỡng 1185 điểm và một nhịp thoái lui kỹ thuật (retracement) sẽ là điều cần thiết để rũ bỏ các vị thế trading, tái tích lũy lực cầu cho nhịp tăng mở rộng mới (expansion).

Ông Nguyễn Thế Hoài - Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Theo tôi khả năng cao thị trường sẽ sideway quanh vùng 1250 điểm với biên độ hẹp, sẽ không có đợt sụt giảm mạnh đáng kể nào. Đây thật sự là giai đoạn thử thách lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư nhưng cũng có thể là khoảng lặng trước trận đánh lớn.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Số liệu vĩ mô tháng 8 được công bố trong phiên cuối tuần. Anh chị đánh giá cao các chỉ số nào? Tháng 9 cũng khá nhiều sự kiện quan trọng như triển vọng giải quyết vướng mắc prefunding, FTSE đánh giá nâng hạng, FED giảm lãi suất… chưa kể đến kỳ vọng sớm về kết quả kinh doanh quý 3/2024. Những yếu tố hỗ trợ này có giúp thị trường Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài, ngay cả khi chứng khoán Mỹ điều chỉnh?

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Chắc chắn là như vậy – các thông tin vĩ mô được công bố một cách kịp thời, giới phân tích và các nhà đầu tư có thêm các manh mối để đánh giá sức khỏe nền kinh tế. Số liệu tăng trưởng GDP dự báo, số liệu FDI, chỉ số PMI, chỉ tiêu xuất nhập khẩu hàng hóa và tất nhiên việc kiểm soát tỷ giá và chính sách điều hành của Ngân hàng nhà nước là điều mà các nhà đầu tư quan tâm. Tháng 9 sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ hơn chưa kể việc FED nếu hạ ngay lãi suất 0,5% trong kỳ họp tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam được cho vào danh sách nâng hạng của FTSE sẽ là cú hích khiến thị trường vượt đỉnh 1300 điểm cho dù diễn biến của chứng khoán Mỹ biến động như thế nào.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Số liệu vĩ mô tháng 8 mang đến những gam màu sáng rõ rệt trong hoạt động sản xuất – thương mại của Việt Nam trong giai đoạn giữa Quý 3. PMI đạt 52.4 điểm, tiếp tục cho thấy mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh trong nước và ghi nhận mức mở rộng liên tục trong suốt 5 tháng vừa qua, từ sản lượng cho đến số lượng đơn đặt hàng mới. Các hoạt động kinh tế tích cực từ sản xuất, xuất nhập khẩu, FDI,… trong 2/3 thời gian của Quý 3 hứa hẹn sẽ mang đến một mùa báo cáo kết quả kinh doanh Quý 3/2024 khả quan.

Ngoài ra, việc Fed sẽ chính thức xoay chiều chính sách vào kỳ họp tháng 9 sắp tới cùng với tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt sẽ là những yếu tố mở đường cho Chính phủ và Ngân hàng nhà nước có thể thực hiện nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Tôi cho rằng VN-Index có thể chịu những tác động ngắn hạn bởi các pha điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán thế giới chủ yếu vì yếu tố tâm lý, tuy nhiên, những yếu tố tích cực của nền kinh tế trong nước như đề cập bên trên vẫn sẽ là những động lực chính và cốt lõi trong biến động giá cổ phiếu trong nước, giúp thị trường đạt được những cột mốc cao hơn.

Nhịp điều chỉnh này tôi dự báo sẽ dừng lại ở vùng quanh 1255 +/-10 điểm - là vùng hợp lưu bởi Gap tăng giá và 3 đường MA 20, 50, 100. Phiên Thứ sáu đã “test” về vùng này và phản ứng khá tốt.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Số liệu vĩ mô tháng 8 vẫn cho thấy những điểm nhấn từ dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lũy kế vẫn duy trì cao nhất trong 5 năm trở lại đây; hoạt động sản xuất công nghiệp; thặng dư xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, mặc dù sức tiêu dùng nội địa chưa có sự phục hồi quá mạnh mẽ. Ngoài ra, lạm phát vẫn đang nằm trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội, và mức cân đối ngoại tệ trở nên ổn định hơn, thấy rõ từ việc tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể.

Bên cạnh những thông tin về kinh tế trong nước, các sự kiện trong giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4/2024 được kỳ vọng cũng sẽ tạo động lực khả quan cho thị trường chứng khoán Việt Nam như việc nhiều khả năng FED sẽ hạ lãi suất trong kỳ họp sắp tới, những động thái quyết liệt nhằm giải quyết vấn đề về prefunding theo tiêu chí nâng hạng của FTSE, và đặc biệt là số liệu về kết quả kinh doanh quý 3/2024 của các doanh nghiệp niêm yết.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Trong nhóm số liệu vĩ mô tháng 8 tôi đánh giá cao các chỉ số: sản xuất công nghiệp, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đều tăng tốt và nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước hồi phục. Nhìn về các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều liên tục vượt đỉnh và hướng đến đỉnh cao mới trong khi các chỉ số thị trường Việt Nam năm nay vẫn đang trong trạng thái sideway trong biên độ lớn và thấp hơn đỉnh cao nhất lên tới 15%. Ngoài ra chính sách điều hành lãi suất thời gian qua của Việt Nam ngược Mỹ nên tối đánh giá xác suất khá cao thị trường chúng ta sẽ có những bước đi riêng và khác biệt nhiều so với thị trường Mỹ.

Ông Nguyễn Thế Hoài - Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Chỉ số PMI và DXY là 2 chỉ số tôi quan tâm nhất. Với số liệu được công bố thì các nhà sản xuất Việt Nam có sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng. Áp lực tỷ giá thì hạ nhiệt đáng kể, chính phủ sẽ có nhiều phương án để khơi thông dòng tiền vào nền kinh tế trong các tháng cuối năm.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuy tuần qua VN-Index điều chỉnh nhẹ nhưng nhiều cổ phiếu giảm tương đối mạnh, anh chị có bắt đáy không? Tỷ trọng cổ phiếu hiện tại là bao nhiêu?

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Quan điểm của tôi cho rằng nhịp điều chỉnh lần này không diễn ra với cường độ mạnh và nhiều khả năng VN-Index sẽ sớm cho phản ứng hồi phục trở lại quanh ngưỡng 1250 (+-10) khi xu hướng tăng điểm vẫn đang được bảo toàn. Do vậy, tôi vẫn duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức cao, khoảng 80% danh mục.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Nếu nhìn các cổ phiếu ngành dẫn dắt, cổ phiếu dẫn dắt của dòng chứng khoán, bất động sản thì giai đoạn vừa rồi vẫn vận động rất tốt và vẫn giữ được nền cũng như hướng tăng trước đó. Đợt rồi tôi tập trung khá nhiều vào các cổ phiếu dòng dẫn dắt nên không ảnh hưởng nhiều. Tuần rồi tôi có tham gia mua thêm ở cạnh dưới vùng “sideway” của các cổ phiếu khỏe đó và tỷ trọng hiện tại đang sử dụng 30% margin.

Tôi vẫn duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức cao, khoảng 80% danh mục.

Ông Nghiêm Sỹ Tiến

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Tôi vẫn đang mua vào các cổ phiếu và tỷ trọng cổ phiếu đang ở mức cao. Cho dù hiệu suất sinh lời ngay tại thời điểm này chưa có gì đáng kể nhưng tôi thích nói về giai đoạn cuối năm hơn hoặc kể cả 2025 tới. Chúng ta sẽ đợi “gió đông” về cho dù nhiều nhà đầu tư chưa thích những gì đã và đang diễn ra trong ngắn hạn.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Cá nhân tôi nhận thấy nhịp chỉnh vẫn chưa kết thúc nên chỉ mới mua thăm dò một ít, và chờ thị trường giảm về các vùng hỗ trợ bên dưới với tín hiệu tích cực mới canh mua thêm. Tỷ trọng cổ phiếu hiện tại chỉ ở mức thấp.

Ông Nguyễn Thế Hoài - Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Tôi không giao dịch gì cả, tỷ trọng của tôi hiện giờ là 70% cổ phiếu và 30% sức mua.

Nguyễn Hoàng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xu-the-dong-tien-them-thong-tin-ho-tro-chung-khoan-viet-co-di-nguoc-the-gioi.htm
Zalo