Xử lý tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Nam Định

Theo Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nam Định, từ ngày 1/9/2024, thành phố Nam Định sau sáp nhập có diện tích tự nhiên 120,9km2; tiếp giáp các huyện Nam Trực, Vụ Bản và các tỉnh Hà Nam, Thái Bình. Thành phố có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường và 7 xã; trên địa bàn có các tuyến Quốc lộ: 10, 21, 21B, 38B; các tỉnh lộ 490C, 485B, 486B chạy ngang qua và có 415 tuyến đường, phố được giao quản lý (trong đó có 150 tuyến chưa được đặt tên).

Thảm nhựa mặt đường Song Hào giúp phương tiện lưu thông êm thuận góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông.

Thảm nhựa mặt đường Song Hào giúp phương tiện lưu thông êm thuận góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông.

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố Nam Định, trong năm 2024 (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 15/12/2024) trên địa bàn xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 28 người chết, 32 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 15 vụ, giảm 14 người bị thương. Những tháng đầu năm 2025 (tính đến ngày 15/4/2025) tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ; với tổng số 25 vụ tai nạn giao thông (tăng 3 vụ; tương đương tăng 13,6%), làm 14 người chết (tăng 5 người, tương đương tăng 55,6%) và 21 người bị thương (tăng 4 người, tương đương tăng 23,5%). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hiện nay lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao, cơ sở hạ tầng không đáp ứng, một số tuyến đường phố có hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn thành phố.

Trước thực trạng đó, để thực hiện được mục tiêu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, thành phố Nam Định đã thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì hệ thống đường đô thị. Thường xuyên tổ chức tuần đường; kịp thời phát hiện, tổ chức tu sửa hàn vá hư hỏng mặt đường trên 8 tuyến phố: Tô Hiệu, Nguyễn Văn Trỗi, Giải Phóng, Bái, Nguyễn Đức Thuận, Phù Nghĩa, Lưu Hữu Phước, Mạc Thị Bưởi và nút giao: Hàng Cau - Phan Đình Phùng; sơn bổ sung gờ giảm tốc tại 12 nút giao với diện tích trên 200m2; sơn vạch kẻ đường, vạch tim đường, vạch phân làn 12 tuyến, nút giao, tập trung các nút đèn tín hiệu giao thông, các tuyến đường chính vạch mở với diện tích 500m2; sơn gờ bổ sung gờ giảm tốc 78 vị trí. Thay thế, kịp thời 139 biển báo hư hỏng, bổ sung 39 biển báo cấm tại các vị trí đường trục xã Nam Phong; đường Xuân Thủy, Trịnh Hoài Đức, phường Lộc Hòa...; 6 biển báo cấm ô tô đỗ theo giờ tại các khu vực cổng trường trên các tuyến phố hẹp như Trường Phạm Hồng Thái, Nguyễn Văn Trỗi, Hùng Vương, Trần Bích San..; tháo dỡ biển quảng cáo rác, tờ rơi dán trên cột điện, tủ điện, biển báo; tiếp tục thực hiện hoàn thành thay thế, sửa chữa, bổ sung 129 vị trí biển báo theo kế hoạch năm 2024.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 208/UBND-VP5 ngày 27/02/2025 về việc rà soát, xử lý tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông đường bộ, UBND thành phố đã giao Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phối hợp với các đơn vị chuyên môn và UBND các phường, xã thực hiện rà soát về quản lý, khai thác, xử lý các bất cập đối với hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường bộ được giao quản lý. Theo số liệu của Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị thành phố, hiện tại trên địa bàn thành phố có tổng số 34 cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao. Trong đó, một số cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông sử dụng năng lượng mặt trời được xây dựng trong khoảng thời gian năm 2013, 2014 tại một số nút giao như: Lê Hồng Phong - Trần Tế Xương; Mạc Thị Bưởi - Hàng Cấp - Hàn Thuyên; Lê Hồng Phong - Hùng Vương; Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Du; Trần Thánh Tông - Võ Nguyên Giáp; Quang Trung - Trần Hưng Đạo; ngã ba Quán Chuột - Quốc lộ 10… thường xuyên xảy ra tình trạng hoạt động không ổn định do trời không nắng kéo dài không thể sạc điện cho hệ thống ắc quy dự phòng; hệ thống truyền tín hiệu không dây hay bị lỗi, hệ thống nạp ắc quy và các ắc quy thường xuyên phải bảo hành, bảo trì hiệu suất và tuổi thọ kém. Đa phần đèn tín hiệu tại các nút này đã phải nối với hệ thống điện lưới chiếu sáng để hỗ trợ sạc ắc quy về ban đêm. Các đèn tín hiệu ở các nút này đa phần sử dụng đèn vỏ sắt, sau thời gian dài khai thác vỏ đèn đã bị bong sơn, han gỉ, ảnh hưởng đến chất lượng đèn và mỹ quan đô thị. Kính đèn đã bị ố mờ, các bóng led của đèn đã xuống cấp, suy giảm cường độ sáng, nhiều đèn bị chết điểm làm ảnh hưởng khả năng quan sát của người tham gia giao thông. Việc cải tạo, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu tại các nút giao này để hệ thống hoạt động ổn định đảm bảo ATGT và đảm bảo mỹ quan đô thị là hết sức cần thiết. Một số nút giao thông hệ thống tín hiệu chạy bằng điện lưới nhưng được xây dựng từ trước năm 2000. Cột và đèn tín hiệu đã cũ, nhiều đèn hư hỏng, kiểu dáng không phù hợp với đô thị hiện đại, tay vươn ngắn, đèn nhỏ, cũ làm giảm khả năng quan sát của người tham gia giao thông. Hệ thống tín hiệu giao thông tại các vị trí này cần được thay hế bằng hệ thống đèn mới hiện đại, phù hợp với mỹ quan đô thị, phù hợp với quy trình, quy phạm để đảm bảo điều khiển giao thông hiệu quả, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông như tại các nút giao: Trần Hưng Đạo - Trần Phú - Lê Hồng Phong (Cửa Đông); Trần Đăng Ninh - Hà Huy Tập; Trường Chinh - Trần Hưng Đạo; Mạc Thị Bưởi - Trường Chinh; Điện Biên - Giải Phóng; Quốc lộ 10 - Trần Huy Liệu.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn tồn tại một số nút giao thông là điểm đen hay xảy ra ùn tắc, mất ATGT và tai nạn giao thông nhưng chưa có hệ thống đèn điều khiển giao thông tự động như: ngã tư giao giữa đường Song Hào - Văn Cao - Giải Phóng (điểm đen tai nạn giao thông); ngã tư giao giữa đường Tức Mạc - đường Lộc Vượng; nút ngã tư giao giữa đường Tức Mạc - đường Trần Thái Tông; ngã ba giao giữa đường Phạm Ngũ Lão - đường Giải Phóng; ngã tư giao cắt các đường Trường Chinh - Điện Biên - Lương Thế Vinh. Tại các nút giao Song Hào - Văn Cao - Giải Phóng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người, tài sản và gây thương tích cho người tham gia giao thông nên được xếp vào vị trí điểm đen tai nạn giao thông. Nút giao Tức Mạc - Lộc Vượng, nút giao Tức Mạc - Trần Thái Tông, nút giao Phạm Ngũ Lão - Giải Phóng và nút giao Trường Chinh - Điện Biên - Lương Thế Vinh có lưu lượng giao thông cao vào giờ cao điểm, tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Để thực hiện mục tiêu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, thành phố Nam Định đề nghị UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Sở Xây dựng quan tâm hỗ trợ kinh phí bổ sung mới, cải tạo, nâng cấp các cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông đã xuống cấp tại các nút giao và trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn thành phố như các nút tín hiệu giao thông tại ngã tư đường S2 - Quốc lộ 21B; Quốc lộ 10 - Quán Chuột, Quốc lộ 10 - Trần Huy Liệu và bàn giao hệ thống nút tín hiệu giao thông khu vực Siêu thị GO! sau khi được cải tạo, nâng cấp. Cùng với đó, thành phố đề nghị Sở Xây dựng báo cáo, tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành các quy định về: hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người khuyến tật trong đô thị trên địa bàn tỉnh; thời gian, phạm vi hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ và hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trên địa bàn tỉnh; thời gian hoạt động của xe thu gom rác vệ sinh môi trường, xe ô tô chở vật liệu xây dựng, phế thải rời trên địa bàn thành phố Nam Định; sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Nam Định... để góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Thành Trung

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/xu-ly-ton-tai-bat-cap-ve-to-chuc-giao-thongduong-botren-dia-ban-thanh-pho-nam-dinh-b8f38e5/
Zalo