Xử lý rác thải: 'Thả gà ra đuổi'?

Câu chuyện các khu xử lý rác của thành phố Hà Nội mỗi lần 'hắt hơi sổ mũi' phải tạm ngừng hoạt động ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đô thị vẫn đang tiếp diễn, trong khi, quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô ì ạch triển khai.

Rác chất đầy ở các quận nội thành những ngày qua

2 ngày qua, các tuyến đường nội đô như Xuân Thủy, Quan Hoa, Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy)... xảy ra tình trạng ùn ứ rác. Rác thải chất thành đống được phủ bạt ngay giữa lòng đường.

Những ngày vừa qua, do phải tiếp nhận lượng rác thải quá lớn, trong khi thời tiết có mưa liên tiếp, các hồ nước rác của bãi rác Nam Sơn không còn khả năng lưu chứa thêm, mực nước rác lưu chứa tại các hồ đều vượt cao độ lưu chứa an toàn. Vì thế, nếu không ngừng nhận rác trong 3 ngày, nguy cơ sẽ xảy ra sự cố chất thải tại bãi rác này.

Sở Xây dựng Hà Nội đã thống nhất với Cty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) quyết định tạm dừng tiếp nhận rác từ ngày 2/11 tại bãi rác Nam Sơn để khẩn cấp đắp chặn bờ bao ứng phó sự cố chất thải.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, số rác thải sinh hoạt của thành phố Hà Nội trung bình khoảng 5.500 tấn/ngày. Trong đó, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận trung bình hơn 4.000 tấn rác/ngày theo hình thức chôn lấp, phát sinh lượng nước rỉ rác khoảng 2.800-3.000m3/ngày (chưa bao gồm lượng nước rác phát sinh do mưa); còn lại bãi rác Xuân Sơn tiếp nhận xử lý khoảng trên 1.000 tấn rác theo hình thức đốt kết hợp chôn lấp.

Trước đó, từ ngày 6/10, bãi rác Xuân Sơn (bãi rác lớn thứ 2 Hà Nội) cũng đã phải dừng tiếp nhận rác thải do sự cố tràn nước thải tương tự. Đây là bãi tiếp nhận xử lý rác cho 13 huyện, thị xã.

Lý giải việc này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, bãi rác Nam Sơn có 4 trạm xử lý nước rác, tuy nhiên chỉ có 2 trạm xử lý của Cty Minh Đức và Trạm xử lý của Cty Trí Lâm còn hoạt động, chỉ đảm bảo thực hiện được lượng nước rác phát sinh hàng ngày tại khu xử lý, chưa đảm bảo xử lý hết nước rác phát sinh trong mùa mưa. Còn lại 2 trạm xử lý của Liên doanh Phú Điền-SFC, Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) dừng hoạt động dẫn đến tăng nước rác tồn và không giải phóng được các ô lưu chứa để đổ rác.

Do đó, Hà Nội đang phải thực hiện phân luồng rác để khắc phục sự cố hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đô thị. Dự kiến, việc phân luồng sẽ kéo dài 2-3 ngày, sau đó bãi rác Nam Sơn sẽ tiếp nhận trở lại bình thường.

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời mang tính ứng phó. Thực tế, các bãi rác lớn của thành phố đều đang trong tình trạng quá tải từ lâu.

Quy hoạch bãi rác vẫn trên... giấy

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có xử lý chất thải sinh hoạt.

Hiện nay cả thành phố mới chỉ có 3 khu xử lý chất thải sinh hoạt có thể hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) ở huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) ở thị xã Sơn Tây và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm.

Các dự án xử lý chất thải khác gần như bất động vì nhiều lý do khác nhau.

Có 4 khu xử lý được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đã dừng hoặc chậm triển khai, gồm có: Khu xử lý Đông Lỗ huyện Ứng Hòa (ô chôn lấp đã đầy, UBND thành phố đã dừng triển khai dự án); Khu xử lý Lại Thượng, huyện Thạch Thất (dự án chậm triển khai, UBND huyện Thạch Thất đề xuất làm trạm trung chuyển); Khu xử lý Núi Thoong, huyện Chương Mỹ; Châu Can, huyện Phú Xuyên (Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành thanh tra tiến độ đầu tư dự án).

Đáng chú ý, dự án Đầu tư Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh do Cty CP Xây dựng Công nghiệp và Thương mại Thành Quang (Cty CP Đầu tư Thành Quang) được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tháng 11/2011. Dự án đã xây dựng hoàn thiện nhưng không thể vận hành do vấn đề kỹ thuật. Mới đây, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Cty Cổ phần Đầu tư Thành Quang. Trong đó, giá trị khoản nợ của đơn vị này là hơn 680 tỷ đồng (đã bao gồm cả tài sản của dự án xử lý rác).

2 dự án xử lý rác công nghệ cao được kỳ vọng là: Nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày của Liên danh Tập đoàn T&T và Hitachi Zosen, Nhà máy xử lý rác công suất 500 tấn/ngày của Cty TNHH Indovin Power đến nay vẫn chưa được triển khai. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố để thu hồi dự án theo quy định.

Trong khi đó, dự án giai đoạn 2 mở rộng bãi rác Nam Sơn cũng đang gặp khó khăn vì tiến độ giải phóng mặt bằng.

Giải thích về những khó khăn trong đầu tư dự án xử lý rác, đại diện một nhà đầu tư xử lý rác cho biết, từ khâu quy hoạch đã có điểm nghẽn do các vị trí xây dựng nhà máy điện rác thường không được người dân ủng hộ. Ngoài ra, rác ở nước ta là rác hỗn hợp, không được phân loại từ đầu nguồn sẽ cần công nghệ xử lý với kinh phí đầu tư cao, khấu hao thiết bị nhanh. Trong khi chi phí xử lý và công suất điện phát lên điện lưới thấp nên việc thu hồi vốn không khả thi.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, một số dự án xử lý chất thải chậm tiến độ là do quy hoạch xử lý chất thải rắn chưa xác định cụ thể ranh giới, phạm vi, hành lang bảo vệ môi trường nên còn khó khăn trong công tác quản lý sử dụng đất theo quy hoạch, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

TRẦN HOÀNG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xu-ly-rac-thai-tha-ga-ra-duoi-post1390227.tpo
Zalo