Xử lý rác là vấn đề của toàn xã hội

Ngày 20-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TPHCM từ năm 2020 đến hết năm 2023. Đồng chí Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, chủ trì buổi giám sát.

Báo cáo tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, trên địa bàn TPHCM, ngoài khối lượng chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế được thu gom và xử lý, trong năm 2023, trung bình mỗi ngày thu gom và xử lý khoảng 9.777 tấn chất thải rắn sinh hoạt tại các Khu liên hợp xử lý chất thải.

 Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại buổi giám sát

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại buổi giám sát

Bà Mỹ thừa nhận tình hình vệ sinh môi trường của TPHCM có cải thiện nhưng vẫn còn các hạn chế cần khắc phục. Một số tuyến đường, công trình công cộng, công trường xây dựng… vẫn còn tình trạng thải, bỏ rác bừa bãi, mất vệ sinh; vẫn còn tình trạng tái phát sinh điểm ô nhiễm, chất thải rắn cồng kềnh chưa được thu gom triệt để... Công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, đặc biệt ở khu dân cư còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật…

Bà Lương Thị Thúy Hà, Chánh Văn phòng Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi đầu tư nhà máy xử lý trên địa bàn TPHCM.

Về hoạt động vận chuyển rác đến Khu liên hợp, theo bà Lương Thị Thúy Hà, các xe vận chuyển rác được đầu tư không đồng bộ, nhiều xe vận chuyển đã quá cũ, vận chuyển quá tải trọng quy định làm rơi vãi và nước rỉ rác trên đường. VWS đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản với TP là phải rửa, quét đường hàng ngày trên các tuyến đường vận chuyển rác đưa về dự án, tránh tình trạng nước và rác rơi vãi trên đường gây mùi hôi.

Phát biểu tại buổi giám sát, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM cho rằng giải quyết vấn đề rác không chỉ là trách nhiệm của ngành TN-MT và của các nhà đầu tư mà là vấn đề của toàn xã hội. Người tiêu dùng phải bớt xả rác đi, các siêu thị cũng đừng dùng nhiều túi ni lông cho người mua hàng... Nếu cả xã hội cùng ý thức thì vấn đề xử lý rác đỡ đi nhiều.

Đồng chí Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, nêu vấn đề an ninh chất thải. Thử hình dung nếu nhân viên thu gom rác đình công, bãi chôn rác ở TPHCM không còn chỗ chứa thì rất phức tạp. Đây là vấn đề an ninh, các cơ quan quản lý nhà nước phải hết sức quan tâm vấn đề này. Và trong khi chuyển đổi công nghệ đốt rác thì công tác chôn lấp cũng phải được quan tâm đúng mức.

 Đồng chí Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, phát biểu kết luận tại buổi giám sát

Đồng chí Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, phát biểu kết luận tại buổi giám sát

Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết: Đoàn giám sát cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị của các đơn vị. Đoàn sẽ tập hợp, báo cáo giám sát gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là lãnh đạo TPHCM và các sở, ngành.

Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện và tham mưu thực hiện những nhiệm vụ được phân công, nhất là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; những cơ chế trong Nghị quyết 98, những đề án trọng điểm của TP đã và đang triển khai liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý chất thải nói chung và xử lý chất thải rắn nói riêng. Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị kịp thời kiến nghị với TP để kiến nghị với những đơn vị có liên quan giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xu-ly-rac-la-van-de-cua-toan-xa-hoi-post759896.html
Zalo