Xử lý nghiêm hành vi phạm pháp về bảo vệ môi trường trong việc xả nước thải

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành trên địa bàn các lưu vực sông, khẩn trương thống kê và phân loại các nguồn thải trên địa bàn có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông, lập danh mục (theo loại hình và quy mô xả thải) để kiểm soát chặt chẽ, gửi danh mục nguồn thải về Bộ TN-MT trước ngày 31-12-2025.

Đồng thời, tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gửi báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 cho Bộ TN-MT trước ngày 30-6-2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương triển khai giải pháp để mục tiêu đến ngày 31-12-2025, 92% các khu công nghiệp, 60% cụm công nghiệp trên địa bàn có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% các làng nghề có phát sinh nước thải sản xuất có phương án thu gom và xử lý nước thải tập trung, 50% nước thải từ các làng nghề được thu gom và xử lý; 30% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; 40% nước thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng các biện pháp tập trung hoặc phân tán phù hợp.

Thủ tướng giao Bộ TN-MT tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở do bộ cấp phép môi trường và xử lý vi phạm theo quy định; tổng hợp kết quả công tác thanh tra, kiểm tra trên các lưu vực sông, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-6-2025.

Bộ Xây dựng chủ trì rà soát hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tại toàn bộ các đô thị từ loại V trở lên, đề xuất phương án, giải pháp thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, rà soát đơn giá, định mức, đề xuất cơ chế tài chính đối với dịch vụ thu gom, xử lý nước thải, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải.

Bộ Công an tổ chức các hoạt động điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với việc xả nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm nguồn nước các lưu vực sông trên; phối hợp chặt chẽ Bộ TN-MT xử lý nghiêm và công khai một số trường hợp điển hình cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng răn đe trong cộng đồng doanh nghiệp; xem xét xử lý hình sự các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bộ Tài chính nghiên cứu và rà soát phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, nhằm nâng cao trách nhiệm của đối tượng gây ô nhiễm, tạo nguồn thu vào ngân sách Nhà nước để sử dụng cho các hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một số lưu vực sông.

Trong đó, đối với lưu vực sông Đồng Nai, Thủ tướng giao UBND TPHCM xây dựng và vận hành các dự án thoát nước, xử lý nước thải và các dự án cải tạo phục hồi môi trường nước, khơi thông dòng chảy tại các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, đặc biệt điểm nóng ô nhiễm trên sông Sài Gòn (đoạn từ cửa sông Thị Tính về phía hạ lưu), hoàn thành trước ngày 31-12-2025; phối hợp UBND tỉnh Bình Dương giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại tuyến giáp ranh trên kênh Ba Bò, khu vực tuyến Suối Cái (Suối Nhum - Suối Xuân Trường - Suối Cái), hoàn thành trước ngày 31-12-2025.

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-pham-phap-ve-bao-ve-moi-truong-trong-viec-xa-nuoc-thai-post779511.html
Zalo