Xử lý nghiêm hành vi mua bán dữ liệu trái phép
Sáng 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng
Khắc phục khoảng trống pháp lý, bảo vệ quyền con người trong không gian số
Đa số ĐBQH tán thành việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo các ĐBQH, việc xây dựng, ban hành Luật này là phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương nêu thực tế, thời gian qua, hiện tượng lộ lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Từ những thông tin tưởng như vô hại như số điện thoại, địa chỉ email đến thông tin về tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế đều có thể bị thu thập, mua bán, sử dụng một cách trái phép.
Hệ quả là các hành vi lừa đảo qua mạng bùng phát mạnh mẽ, dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền và đấu tranh với loại tội phạm này, gây phần nào bất ổn trong xã hội và ảnh hưởng tới niềm tin của người dân.
Do vậy, việc Quốc hội xem xét ban hành Luật này, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga là hết sức cấp thiết nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền con người trong không gian số và thúc đẩy phát triển kinh tế số một cách an toàn, bền vững.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (TP. Huế) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Về trách nhiệm bên kiểm soát và bên xử lý dữ liệu cá nhân, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (TP. Huế) cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa đầy đủ và sẽ khuyết thiếu trong quá trình thực hiện các quy định về trách nhiệm đã được quy định rất rõ tại Điều 40 và Điều 41 dự thảo Luật.
Do đó, đại biểu đề nghị, tổ chức, cá nhân đồng thời là bên kiểm soát dữ liệu cá nhân và bên xử lý dữ liệu cá nhân có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định đối với bên kiểm soát dữ liệu cá nhân tại Điều 40 và đối với bên xử lý dữ liệu cá nhân tại Điều 41 dự thảo Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì sẽ đầy đủ, toàn diện hơn.
Xây dựng đội ngũ chuyên trách xử lý tội phạm công nghệ cao
Đa số ĐBQH tán thành quy định nghiêm cấm hành vi mua bán dữ liệu cá nhân tại Khoản 5 Điều 7 dự thảo Luật.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nếu quy định theo hướng cấm tuyệt đối mà không có ngoại lệ hợp lý sẽ gây khó khăn trong thực thi, đồng thời có thể triệt tiêu một số mô hình kinh doanh số hợp pháp đang phát triển.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Do đó, đại biểu đề nghị sửa quy định này theo hướng: “Nghiêm cấm hành vi mua bán, chuyển nhượng dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác.”
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc tham khảo những kinh nghiệm quốc tế sẽ giúp xây dựng được một đạo luật vừa nghiêm minh, vừa thực tiễn, vừa tạo được niềm tin của người dân, vừa thúc đẩy được sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế số.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Cùng quan điểm này, để Luật thực sự có sức răn đe đối với các hành vi mua bán dữ liệu trái phép và đi vào cuộc sống, ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, phải có sự đầu tư tương xứng cho lực lượng thực thi pháp luật.
Do đó, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ trình độ chuyên môn cả về pháp luật, công nghệ, thông tin và nghiệp vụ điều tra tội phạm về công nghệ cao.
Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là giữa Bộ Công an với cán bộ quản lý ngành, lĩnh vực và chính quyền địa phương tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân…

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng
Ngoài ra, quy trình tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, quy trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến dữ liệu cá nhân cũng cần được quy định rõ ràng, cụ thể và bảo đảm tính kịp thời, nghiêm minh.
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, hoàn chỉnh dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp giữa hai đợt của Kỳ họp.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội thông qua, với tinh thần không có ý kiến nào không được tiếp thu, giải trình một cách thấu đáo, tạo sự đồng thuận cao.