Xử lý nghiêm hành vi kinh doanh thuốc lá điện tử nhập lậu
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), qua nghiên cứu tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi năm 2022 là 3,5%, năm 2023 tăng lên 8%. Bên cạnh đó, trong năm 2023 đã có hơn 1.200 trường hợp nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.
Dự kiến cấm sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử được sản xuất, thay đổi qua nhiều thế hệ. Mới nhất là thế hệ thứ tư với nhiều hình dáng, kích thước, có các bình đế tương thích, nạp chứa nhiều lần, chứa nicotine, nhiều hương vị, cần sa tổng hợp.
Nicotine là chất gây nghiện ở thuốc lá. Ở thuốc lá điện tử, nicotine sử dụng dạng muối. Muối nicotine có độ pH thấp, giúp hít dễ dàng lượng lớn, ít kích ứng hô hấp. Như vậy, người sử dụng thuốc lá điện tử sẽ có lượng nicotine xâm nhập cơ thể dễ dàng và nhiều hơn. Các sản phẩm thuốc lá điện tử theo quy định hiện nay là không được cấp phép nhập khẩu, quảng cáo và bán tại Việt Nam. Bộ Y tế đang xây dựng nghị quyết trình các bộ, ngành liên quan góp ý kiến, trong đó đưa quy định cấm toàn bộ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để đảm bảo sức khỏe người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nếu được Chính phủ đồng ý, dự kiến nghị quyết này sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong nhiều năm qua, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng. Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha); xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có hành vi kinh doanh, chào bán thuốc lá điếu nhập lậu; thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt đối với các cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức kinh doanh trên trang thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ký cam kết, phát tờ rơi, thông báo đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận tin báo, phản ánh của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và người dân về các hành vi vi phạm kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… trên địa bàn tỉnh.
Xử phạt các cơ sở vi phạm
Trong 2 năm trở lại đây, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra nhiều cơ sở, phát hiện 6 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu; qua đó đã xử phạt số tiền 185 triệu đồng, tịch thu 3.320 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện (trị giá 289,8 triệu đồng), buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm gần 511 triệu đồng. Trong đó, có 2 cơ sở có mức vi phạm lớn.
Cụ thể, tháng 2-2023, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) kiểm tra 2 trang web “nhatrangvape.com” và “megavape.vn” do ông N.T.P (sinh năm 1980, ở phường Tân Lập, TP. Nha Trang) quản lý, đăng tải thông tin các mặt hàng thuốc lá điện tử lên mạng xã hội nhằm mục đích kinh doanh. Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh N.T.P không đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời gian 10 ngày kể từ ngày có thay đổi; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gồm 1.091 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử (cây thuốc lá, tinh dầu, linh kiện) với tổng trị giá 66,3 triệu đồng. Đội QLTT số 1 đã trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 47,5 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu toàn bộ hàng hóa trên và buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hơn 231,5 triệu đồng. Tháng 3-2024, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh của ông N.T.T (phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang) hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định; sử dụng 1 website thương mại điện tử bán hàng là https://avapent.com để thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa (tiếp nhận và xử lý các đơn hàng thuốc lá, tinh dầu, phụ kiện thuốc lá điện tử) nhưng ông N.T.T không thực hiện thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; kinh doanh hàng hóa nhập lậu gồm 1.076 đơn vị sản phẩm (thuốc lá điện tử, phụ kiện, tinh dầu thuốc lá điện tử), với tổng trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết là 68,4 triệu đồng. Cơ sở kinh doanh vi phạm đã bị xử phạt số tiền 47,5 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp 230,6 triệu đồng, đồng thời tịch thu 1.076 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện…
Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, trong thời gian tới, các ngành chức năng, đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền và đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc lá có dấu hiệu vi phạm...
NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)