Xử lý nghiêm hành vi gây tổn hại cây xanh
Những ngày gần đây, người dân xót xa tiếc nuối trước tình cảnh cây xanh trên nhiều tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh bị đốn hạ hoặc chặt cành. Ðường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ Công viên Tao Ðàn đến Cung Văn hóa Lao động, Quận 1), trước kia được phủ bóng cây xanh mát rượi, nhưng giờ trống vắng, ánh nắng chói chang.

Thi công cải tạo, nâng cấp vỉa hè trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1. (Ảnh THẾ ANH)
Nguyên nhân là nhiều cây xanh dọc theo đoạn đường này đã bị đốn hạ trong quá trình thi công để cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Ở một số quận, huyện khác, nhiều cây xanh cũng đã bị cưa hạ trong đợt chỉnh trang, nâng cấp vỉa hè này, chủ yếu là để phục vụ dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thành phố (thuộc Sở Giao thông Công chánh thành phố), có 54 tuyến đường thuộc các quận: 1, 5, 6, 11, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Củ Chi được chỉnh trang, nâng cấp vỉa hè, gây ảnh hưởng xấu đến khoảng 2.100 cây xanh, trong số này, khoảng 90 cây đã bị đốn hạ do gốc, rễ bị xâm hại nghiêm trọng, không còn bảo đảm an toàn. Hàng loạt cây khác cũng bị chặt, tỉa cành, nhánh để hạn chế, đề phòng nguy cơ gãy, ngã.
Nguyên nhân khiến hàng nghìn cây xanh bị xâm hại được ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh thành phố lý giải là do các đơn vị thi công đã phớt lờ quy định phải sử dụng biện pháp thủ công hoặc thiết bị đào có công suất nhỏ khi thi công ở khu vực có cây xanh. Một số đơn vị đã sử dụng thiết bị, phương tiện cơ giới có công suất lớn để đào hoặc khoan sâu vào lòng đất mà không có giải pháp bảo vệ cây xanh, khiến cho nhiều cây bị bong gốc, đứt rễ… Các đơn vị liên quan cũng lơ là, chưa giám sát chặt chẽ các đơn vị thi công nên dẫn đến nhiều cây xanh bị xâm hại...
Việc cải tạo, nâng cấp những vỉa hè hay những công trình công cộng bị hư hỏng, xuống cấp là cần thiết để bảo đảm mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan cần đánh giá kỹ càng những tác động tiêu cực đến quần thể cây xanh trong phạm vi công trường lẫn khu vực chung quanh, đặc biệt là những cây xanh có tuổi đời lâu năm.
Bởi ai cũng biết, cây xanh có những giá trị hữu hình và vô hình to lớn, vô giá đối với môi trường sống nói chung và bộ mặt đô thị nói riêng. Thực tế cho thấy, việc chỉnh trang đô thị nhưng lại gây tổn hại đến cây xanh không phải là chuyện mới, mà đã từng xảy ra trong thời gian trước đây.
Mảng xanh của thành phố ngày càng bị thu hẹp, dành chỗ cho những công trình nhà ở, dự án hạ tầng. Quá trình đô thị hóa, bê-tông hóa đã khiến đất dành cho cây xanh ngày càng bị thu hẹp. Có nhiều dự án, thành phố đưa ra phương án dời cây xanh để bảo đảm vẫn giữ nguyên số lượng cây.
Nhưng dời đi đâu, ai chăm sóc, ai quản lý và ai kiểm tra để xác định số cây di dời đó sống hay chết, còn được bao nhiêu thì lại không được công khai kết quả.
Ngay cả việc 17 cây lim sẹt trên địa bàn Quận 1 bị xâm hại, người dân cần được biết ai sẽ chịu trách nhiệm và sẽ xử lý ra sao? Phải xử lý cá nhân, đơn vị xâm hại, bức tử cây xanh thì mới bảo vệ được mảng xanh thành phố. Ðừng nói bằng khẩu hiệu, đừng giơ cao đánh khẽ! Nếu chế tài chưa đủ răn đe thì các cơ quan chức năng cần kiến nghị bổ sung chế tài, hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những hành vi gây tổn hại cây xanh.