Xử lý nghiêm hành vi đốt pháo trái phép

Tình trạng vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép thời điểm cuối năm gia tăng, gây lo lắng cho người dân.

Sống tại ngõ nhỏ trên phố Ngô Quyền, anh Nguyễn Anh Tuấn (quận Hà Đông) bày tỏ sự lo lắng về tình trạng đốt pháo trái phép khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ cận kề.

Theo anh Tuấn, vào Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chỉ ít phút sau Giao thừa, không chỉ một mà nhiều người đã mang pháo lậu (trái phép) lên sân thượng, ngoài đường để đốt.

Anh Tuấn lo lắng bởi, ngõ nhỏ, nhà san sát, việc đốt pháo gây nguy cơ cháy nổ cao. Việc đốt pháo nổ còn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm tới người xung quanh.

Theo quy định tại Điều 11 vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Tìm hiểu về quy định này, chị Nguyễn Hoài Thương (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) cho rằng, chế tài này chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

“Thông qua những vụ tàng trữ, vận chuyển, chế tạo pháo nổ trái phép gần đây có thể thấy mức công phá của pháo là rất lớn, nhiều trường hợp bị thương tích nặng khi sử dụng pháo trái phép”, chị Thương nói.

Theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật nhưng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp hợp pháp theo quy định của pháp luật (hiện nay chỉ có Nhà máy Z121 - Bộ Quốc phòng sản xuất, phân phối pháo hoa phun viên tại hệ thống cửa hàng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc).

Do đó, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ tới, các cấp, các ngành thành phố cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị… quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng các loại pháo.

Các lực lượng chức năng thành phố cần tăng cường bám địa bàn, nắm chắc tình hình các tuyến, khu vực trọng điểm, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, tập trung vào các phương tiện xe vận tải hàng hóa, xe chở khách đường dài để đấu tranh, phòng chống, ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Đồng thời, cần phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân phát hiện, tố giác các trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại pháo.

Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng người dân, nhất là thanh, thiếu niên tự chế pháo nổ trái phép, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Có như vậy mới phòng ngừa, ngăn chặn được tình trạng vi phạm pháp luật về pháo nổ, nhất là việc tự ý sản xuất, chế tạo pháo nổ… góp phần để một cái Tết thật sự bình yên, hạnh phúc với mọi nhà, mọi người.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-dot-phao-trai-phep-688606.html
Zalo