Xử lý nghiêm hành vi đi ngược chiều góp phần xây dựng văn hóa giao thông

Những ai đã tham gia giao thông, đặc biệt là người dân sinh sống ở các đô thị, dù là tầng lớp xã hội nào thì chắc chắn sẽ hiểu thế nào đường một chiều và đi ngược chiều là vi phạm quy định pháp luật về TTATGT.

Tuyến đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà hướng về cầu Rồng bắc qua sông Hàn, TP. Đà Nẵng

Tuyến đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà hướng về cầu Rồng bắc qua sông Hàn, TP. Đà Nẵng

Những ai đi xe máy hay ô tô con trên những đường phố ở Đà Nẵng, không ít người ít nhất cũng có một lần suýt va chạm, thậm chí là va chạm với xe cá nhân đi ngược chiều, nhiều nhất là xe máy. Khá phổ biến là tình trạng khi lưu thông từ đường nhánh ra đường lớn thì lập tức gặp ngay xe máy đi ngược chiều lao tới. Trong những tình huống này, nhiều trường hợp người điều khiển xe không kịp trở tay.

Đi ngược chiều là hành vi rất đáng lên án, vấn nạn nhức nhối ở các tuyến đường đô thị, nhất là ở các tuyến đường trục huyết mạch có đường gom. Đường gom là chỉ cho phép lưu thông 1 chiều, nhưng thực tế có rất nhiều xe máy bất chấp các quy định. Lấy dẫn chứng ở đường Ngô Quyền, tình trạng xe máy đi ngược chiều ở các đường gom là khá phổ biến. Có nhiều trường hợp xe từ các đường nhánh của đường Ngô Quyền như đường Hà Thị Thân, Vũ Văn Dũng, Triệu Việt Vương, Nguyễn Công Trứ... khi rẽ lên đường Ngô Quyền là gặp xe máy đi ngược chiều. Trong những trường hợp như vậy, nếu cả 2 xe cùng đi với tốc độ cao, nếu không quan sát, sẽ khó tránh được nhau, rất dễ dẫn đến va chạm, tai nạn. Có thể nói đây là một trong những vấn đề nhức nhối về văn hóa giao thông mà nhiều năm qua vẫn chưa có cách nào giải quyết một cách căn bản.

Cách đây không lâu, vào chiều ngày 30/6/2024, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một phụ nữ (chưa rõ danh tính) điều khiển xe máy chạy ngược chiều trên đường tầng 3 cầu vượt Ngã Ba Huế theo hướng từ quận Liên Chiểu về quận Thanh Khê. Trong clip, người phụ nữ liên tục lách qua các phương tiện đi đúng chiều. Khi lên đến đỉnh cầu, xe máy này đã tông trực diện vào một xe máy khác do một phụ nữ đang điều khiển. Cú va chạm mạnh khiến cả hai xe máy hư hỏng và 2 phụ nữ đều bị thương, rất may là thời điểm đó không có ô tô lưu thông, nếu không thì rất có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Nói về chuyện đi ngược chiều ở Đà Nẵng, cứ đến hai con đường một chiều là đường Phan Châu Trinh và Trưng Nữ Vương (đoạn từ ngã 3 Trưng Nữ Vương - Nguyễn Thiện Thuật đến nút giao thông cầu Rồng phía bờ Tây Sông Hàn) là sẽ không khó bắt gặp tình trạng xe máy, xe đạp đi ngược chiều. Có thể nói, sáng, trưa, chiều tối đi trên 2 tuyến đường này đều không khó bắt gặp hình ảnh người đi ngược chiều. Có những trường hợp xe máy đi ngược chiều suýt đâm vào người đi đúng chiều nhưng lại có thái độ bực dọc, thậm chí có trường hợp còn tỏ thái độ hùng hổ, thách thức và sẵn sàng gây sự.

Có vẻ như những người này luôn cho rằng chuyện đi ngược chiều của mình là bình thường, không có gì để phê phán, chê trách cả. Không ít người điều khiển phương tiện xe máy khi bị lực lượng chức năng xử lý thì nêu lý do là chỉ đi ngược chiều một đoạn ngắn, rồi là nhà gần đây, rồi là do đường có chiều ngang rộng, đèn đỏ chờ lâu, có con lươn dài, nếu đi vòng đến điểm quay đầu xe thì đúng chiều thì rất mất thời gian nên đi "tranh thủ" đi ngược chiều cho tiện... Quả là, với những suy nghĩ và nhận thức như vậy thì có thể nói, văn hóa giao thông đã kém lại càng kém...

Tuyến đường Ngô Quyền có tổ chức giao thông đường gom 2 bên đường, tuy nhiên tình trạng đi ngược chiều khá phổ biến, gây mất ATGT

Tuyến đường Ngô Quyền có tổ chức giao thông đường gom 2 bên đường, tuy nhiên tình trạng đi ngược chiều khá phổ biến, gây mất ATGT

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, những người điều khiển xe máy đi ngược chiều gồm đủ thành phần xã hội, từ cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên tới người buôn bán, lao động... Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nhóm người sử dụng xe máy để vận chuyển hàng hóa, giao hàng thương mại điện tử ngày càng có nhiều hành vi đi ẩu, đi ngược chiều, không chú ý giao thông vì mải cắm cúi vào điện thoại, gây nguy hiểm cho người khác khi lưu thông đúng luật. Trong khi đó, các hãng dịch vụ này dường như vẫn còn bỏ ngỏ việc nhắc nhở, khuyến cáo về ý thức tham gia giao thông đối với các nhân viên giao hàng của mình.

Những năm gần đây, hệ thống giao thông, nhất là giao thông đô thị phát triển, được thành phố đầu tư khá đồng bộ, hiện đại, tiện lợi. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định pháp luật về TTATGT vẫn xảy ra, trong đó hành vi đi ngược chiều là khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của một bộ phận người dân còn kém. Với hành vi đi ngược chiều, họ không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn coi thường tính mạng của người khác và của chính bản thân mình. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về TTATGT tuy được đẩy mạnh nhưng vẫn còn mang nặng tính hình thức. Tuyên truyền giáo dục cũng đã làm, chế tài cũng đủ mạnh. Tuy nhiên, do việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở nội dung này chưa thường xuyên nên người điều khiển xe máy, xe đạp vẫn "tranh thủ" vi phạm. Lần đầu người đi ngược chiều mà không bị xử phạt thì cứ thế lần 2 lần 3... Và một người đi ngược chiều được thì những người khác cứ thế đi theo. Do vậy, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, giám sát, xử phạt nghiêm nạn vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Nếu làm nghiêm và gắt gao như xử phạt vi phạm về nồng độ cồn thì hy vọng tình trạng trên mới giảm sâu được vấn nạn trên.

Một đô thị văn minh là đô thị mà ở đó nơi người ta chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về TTATGT khi tham gia giao thông, tuân thủ nghiêm các quy định đã được thể hiện trên các biển báo, vạch kẻ trên các tuyến đường. Một thành phố đáng đến, đáng sống như Đà Nẵng không nên để tình trạng vị phạm TTATGT, cụ thể là hành vi đi ngược chiều diễn ra như đã nêu trên.

Dân Hùng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-di-nguoc-chieu-gop-phan-xay-dung-van-hoa-giao-thong-183241018135202331.htm
Zalo