Xử lý mạnh tay với vi phạm về môi trường

Theo các cơ quan chức năng, các vi phạm trên lĩnh vực môi trường đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Tuy công tác khởi tố, điều tra đối với các vụ án liên quan đến môi trường còn gặp nhiều khó khăn nhưng lực lượng công an vẫn triển khai một cách quyết liệt.

Lực lượng công an bắt vụ đổ trộm chất thải tại địa bàn H.Nhơn Trạch. Ảnh: Trần Danh

Lực lượng công an bắt vụ đổ trộm chất thải tại địa bàn H.Nhơn Trạch. Ảnh: Trần Danh

* Khởi tố nhiều vụ vi phạm

Thượng tá Trần Hùng Cường, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh cho biết, trước tình trạng vi phạm trên lĩnh vực môi trường, thời gian qua, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường tăng cường công tác đấu tranh, phòng ngừa trên lĩnh vực này. Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều vụ vi phạm trên lĩnh vực môi trường bị khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Theo PC05 Công an tỉnh, trong quý I-2022, đơn vị đã phát hiện 46 vụ, 59 đối tượng vi phạm trên lĩnh vực môi trường (giảm 15 vụ, 3 đối tượng so với cùng kỳ năm 2021). Kết quả, cơ quan công an đã xử lý 39 vụ, 43 đối tượng, số còn lại đang tiếp tục xác minh.

Gần nhất là vào tháng 5-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa khởi tố vụ án để điều tra về hành vi gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại Xí nghiệp Đèn ống - Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (gọi tắt là Công ty Điện Quang, đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, P.An Bình, TP.Biên Hòa).

Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan công an, trong quá trình xử lý chất thải (bóng đèn thải, nước thải, chất thải...), Công ty Điện Quang đã cho công nhân xay nghiền vỏ bóng đèn thải bằng phương pháp thủ công với số lượng lớn và lưu giữ không đúng quy định. Theo cơ quan chức năng, trong vỏ bóng đèn thải có chứa thủy ngân và lưu huỳnh, rất độc hại nếu không được xử lý theo quy định.

Qua điều tra, cơ quan công an đã thu giữ hơn 8 tấn bóng đèn hư, hơn 81 tấn miếng thủy tinh đã xay nghiền, 900kg miếng thủy tinh lẫn bùn thải, hơn 32 tấn nước phát sinh từ hoạt động tiêu hủy...

Trước đó, vào đầu tháng 3-2022, PC05 phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh bắt quả tang vụ sản xuất, buôn bán hàng giả (dầu nhớt) do Vũ Thị Nở (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cầm đầu. Cụ thể, ngày 6-3, PC05 phối hợp Công an H.Long Thành bắt quả tang một nhóm đối tượng sản xuất dầu nhớt giả tại ấp 7, xã An Phước (H.Long Thành). Mở rộng kiểm tra, lực lượng công an phát hiện một số điểm sản xuất dầu nhớt giả khác ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa) và TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm nên đã chuyển cho Công an H.Long Thành để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Đến cuối tháng 4-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Long Thành khởi tố vụ án, khởi tố đối với một số bị can để điều tra về hành vi sản xuất hàng giả. Theo xác minh, các đối tượng trong vụ việc này đã phối hợp để sản xuất nhớt giả, sau đó dán nhãn các thương hiệu nổi tiếng để bán ra thị trường. Quá trình điều tra, công an đã thu giữ hàng ngàn thùng, chai nhớt giả các loại. Điều đáng nói, trong quá trình sản xuất nhớt giả, các cơ sở này đã gây ô nhiễm môi trường. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

* Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo cơ quan công an, các vụ vi phạm về môi trường đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực đến môi trường, cuộc sống của người dân. Trong khi đó, hành vi của các đối tượng ngày càng tinh vi, khiến cho công tác điều tra, xử lý gặp không ít khó khăn.

Đại úy Trần Văn Biển, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy Công an H.Nhơn Trạch cho biết, công tác điều tra, xử lý đối với tội phạm trên lĩnh vực môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các bước tố tụng, công tác giám định có vai trò quan trọng nhưng còn gặp vướng. Cụ thể, việc điều tra, thu thập chứng cứ, khai quật, thu, lưu giữ mẫu vật gặp nhiều khó khăn; chi phí giám định trong các vụ án rất lớn…

“Hiện đội ngũ giám định viên tư pháp trên lĩnh vực môi trường của tỉnh còn rất hạn chế. Số cán bộ đủ điều kiện chưa đáp ứng được nhu cầu về công tác giám định như hiện nay. Chính vì vậy, công tác giám định thường phải kéo dài hoặc không thể thực hiện được” - đại úy Trần Văn Biển chia sẻ.

Mặc dù còn những khó khăn trong công tác điều tra, xử lý đối với các vi phạm về môi trường nhưng Công an tỉnh rất quyết tâm đấu tranh, xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm này. Theo lãnh đạo PC05, việc tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm về môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đây cũng là vấn đề được Ban giám đốc Công an tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương tăng cường công tác phối hợp cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh, xử lý các vi phạm về môi trường.

Ngoài ra, để ngăn chặn các vi phạm trên lĩnh vực môi trường, theo công an các địa phương, trước hết lực lượng chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng cần phải điều chỉnh chế tài xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe.

Có thể bị phạt tù đến 7 năm, phạt tiền đến 20 tỷ đồng

Khoản 3, Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức phạt đối với người phạm tội gây ô nhiễm môi trường có thể từ 3-7 năm tù. Tại Điểm c và đ, Khoản 5, Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định đối với pháp nhân vi phạm mức phạt lên đến 20 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202206/xu-ly-manh-tay-voi-vi-pham-ve-moi-truong-3120240/
Zalo