Xử lý kịp thời các phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy
Chiều 12/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
![Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_35_51459290/b64b2c1d1b53f20dab42.jpg)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết được bố cục gồm 15 điều gồm: Điều 1 xác định cụ thể phạm vi điều chỉnh; Điều 2 quy định nguyên tắc chung trong việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; từ Điều 3 đến Điều 12 quy định về nguyên tắc cụ thể để xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trong đó, về tên gọi và việc sử dụng con dấu của cơ quan, chức danh có thẩm quyền (Điều 3): Quy định nguyên tắc chuyển đổi tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo tên gọi của cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó; đồng thời quy định cơ quan, chức danh có thẩm quyền có thay đổi sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy được sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, thu hồi con dấu theo quy định của pháp luật.
Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền (Điều 4): Quy định khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền được thực hiện theo nguyên tắc chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tiếp tục thực hiện.
Về giá trị của văn bản, giấy tờ đã được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cấp (Điều 10): Quy định văn bản, giấy tờ đã được ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.
Về trách nhiệm công khai thông tin và hướng dẫn thực hiện (Điều 12): Quy định về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thông báo công khai thông tin liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Đồng thời, quy định trách nhiệm các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy trong việc tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn, giải đáp các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng thông tin về trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Do thực tế triển khai có thể có những tình huống phát sinh chưa dự liệu hết. Điều 13 quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao xem xét, ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội, định kỳ hằng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành và đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ trong việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
![Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_35_51459290/57a2f3f4c4ba2de474ab.jpg)
Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của pháp luật; dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, hoàn thiện một bước theo ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về rà soát, xử lý văn bản (Điều 11), Ủy ban Pháp luật tán thành việc cần quy định cụ thể thời hạn hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế đối với các văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Có ý kiến cho rằng quy định thời hạn 3 tháng để rà soát, xác định phương án xử lý văn bản là quá dài bởi hiện tại các cơ quan đều đã cơ bản hoàn thành việc rà soát. Cũng có ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi đối với quy định về thời hạn 2 năm để hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế bởi theo rà soát sơ bộ của các cơ quan thì số lượng văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới ở cả trung ương và địa phương là rất lớn trong khi chưa rõ cơ chế nào để Chính phủ có thể theo dõi và bảo đảm thực hiện mục tiêu này.
Về giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (Điều 13),Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết giao Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội để tăng tính chủ động, linh hoạt của các cơ quan trong việc kịp thời xử lý các vấn đề, tình huống phát sinh sau khi sắp xếp mà chưa được điều chỉnh trong Nghị quyết.
"Có ý kiến đề nghị xác định rõ thẩm quyền này chỉ áp dụng đối với các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà chưa được quy định, dự liệu tại Nghị quyết này hoặc đã được quy định tại Nghị quyết này nhưng không còn phù hợp với thực tiễn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước" - ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, do đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể theo trình tự, thủ tục rút gọn, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này nhằm bảo đảm yêu cầu về tính minh bạch, kiểm soát quyền lực và tránh lạm dụng.
Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là rất cần thiết nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương quan trọng của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.